Báo Đồng Nai điện tử
En

Trả giá cho lòng tham

Tố Tâm
07:26, 05/09/2024

Chỉ vì tham lam nhất thời, các bị cáo phải trả giá đắt cho hành vi sai trái của bản thân. Từ những người lao động lương thiện, vì đồng tiền, các bị cáo đã tự đẩy bản thân vào chốn lao tù.


Các bị cáo tại phiên tòa xét xử. Ảnh: T.Tâm
Các bị cáo tại phiên tòa xét xử. Ảnh: T.Tâm

Ngày 28-8, Tòa án nhân dân tỉnh đã tuyên phạt các bị cáo: Trần Phương Em (24 tuổi, ngụ xã An Phước, huyện Long Thành) 16 năm tù; Trần Duy Khánh (38 tuổi, ngụ quận 12, Thành phố Hồ Chí Minh) 14 năm tù; Phan Cẩm Bình (39 tuổi, ngụ quận 12) 13 năm tù và Trần Công Ngọc (36 tuổi, ngụ huyện Củ Chi, Thành phố Hồ Chí Minh) 7 năm tù về tội trộm cắp tài sản.

Từ công nhân thành phạm nhân

Trong phiên tòa xét xử, nỗi buồn và sự lo sợ hiện rõ trên khuôn mặt của các bị cáo. Rơm rớm nước mắt, bị cáo Em kể lại, sau khi học xong lớp 6, vì nhà nghèo nên bị cáo phải nghỉ học giữa chừng. Khi vừa đủ tuổi lao động, bị cáo xin cha mẹ cho đến Đồng Nai làm công nhân. Bị cáo xin được vào làm việc trong kho của Công ty TNHH F.K. (thuộc Khu công nghiệp Long Thành, huyện Long Thành).

Trong quá trình kinh doanh, Công ty TNHH F.K. và Công ty TNHH P.H. (trụ sở tại quận 12, Thành phố Hồ Chí Minh) có ký hợp đồng cung cấp túi ny-lông phục vụ cho sản xuất. Vì thường xuyên giao - nhận hàng với nhau nên bị cáo Em quen biết với Khanh, Bình và Ngọc, là tài xế và phụ xe ô tô của Công ty TNHH P.H.

Hội đồng Xét xử buộc bị cáo Em phải bồi thường số tiền còn lại hơn 2,4 tỷ đồng; Khanh và Bình, mỗi bị cáo phải bồi thường hơn 150 triệu đồng; bị cáo Ngọc phải bồi thương hơn 50 triệu đồng. Trước khi xét xử, bị cáo Khanh đã nộp khắc phục được số tiền 30 triệu đồng, bị cáo Em nộp 10 triệu đồng và Ngọc nộp hơn 30 triệu đồng.

Biết được sự quản lý lỏng lẻo của công ty và biết số túi ny-lông mua từ Công ty TNHH P.H. bị dư không sử dụng đến, bị cáo Em nảy sinh ý định móc nối với Khanh, Bình và Ngọc trộm cắp tài sản của công ty. Để thực hiện trót lọt các vụ trộm tài sản, khi giao hàng, Khanh lái xe ô tô đậu ở cửa kho nguyên liệu rồi cùng Bình và Ngọc bốc hàng trên xe ô tô đưa vào kho. Cùng lúc này, Khanh, Bình và Ngọc để lại một ít bịch đựng túi ny-lông không đưa vào kho giao cho Em, nhưng Em vẫn ký nhận đủ số lượng. Đồng thời, Khanh, Bình và Ngọc bốc số bịch đựng túi ny-lông tồn trong kho (Em chuẩn bị trước đó để ở cửa kho) mang lên xe ô tô rồi mang đi bán.

Khoảng thời gian từ ngày 7-9-2021 đến ngày 22-11-2022, tại Công ty TNHH F.K., các bị cáo: Em, Khanh, Bình và Ngọc cùng bàn bạc thực hiện hành vi trộm cắp tài sản 27 vụ, chiếm đoạt tổng cộng hơn 13 tấn túi ny-lông (tổng trị giá hơn 520 đồng). Trong đó, Ngọc tham gia cùng với Em, Khanh và Bình thực hiện trộm cắp tài sản 10 vụ với tổng giá trị tài sản hơn 220 triệu đồng.

Ngoài ra, trong khoảng thời gian từ ngày 14-5-2021 đến ngày 26-10-2022, Em cùng với một số đối tượng khác (chưa rõ lai lịch) thực hiện 81 vụ trộm cắp tài sản với tổng cộng hơn 50 tấn túi ny-lông (tổng trị giá gần 2,3 tỷ đồng).

Bài học đắt giá

Tại phiên tòa xét xử, bị cáo Em cho rằng, bản thân từ nhỏ sống trong gia đình nghèo khó, thiếu thốn. Vì mong kiếm tiền nhanh để thoát nghèo và có điều kiện lo cho cha mẹ ở quê nên bị cáo trong phút tham lam đã đánh mất bản thân, để rồi nay vừa phải trả lại số tiền đã chiếm đoạt, vừa phải lãnh bản án nghiêm khắc.

Nhìn 2 con nhỏ đứng thấp thỏm ngoài phòng xét xử, bị cáo Khanh nói bản thân đã cố gắng kiếm tiền để lo cho các con ăn học, nhưng việc bị cáo kiếm tiền bằng hành vi vi phạm pháp luật lại khiến cho bị cáo và con bị cáo chịu hệ lụy rất lớn.

Bị cáo Khanh cho biết, sau khi kết hôn và có 2 con nhỏ thì vợ chồng bị cáo ly hôn, bị cáo phải một mình nuôi 2 con nhỏ cùng cha mẹ già bị bệnh. Trong lúc túng quẫn, lại có cơ hội kiếm thêm tiền bằng cách trộm tài sản của công ty nên bị cáo cứ thế trượt dài trên con đường phạm pháp. Khi phải đứng trước phiên tòa nhận bản án, bị cáo hối hận thì quá muộn màng. Bị cáo Khanh nhận sai và bày tỏ hối hận, mong tòa xem xét hoàn cảnh để bị cáo sớm có cơ hội làm lại cuộc đời.

Đại diện Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh nhận định, hành vi phạm tội của các bị cáo: Em, Khanh, Bình và Ngọc đã xâm hại trực tiếp đến quyền sở hữu về tài sản của Công ty TNHH F.K. và gây ảnh hưởng đến tình hình an ninh trật tự trị an tại địa phương. 4 bị cáo đều là công dân trưởng thành, có đầy đủ sức khỏe và có trình độ học vấn nhất định. Đáng lẽ các bị cáo phải lao động để tạo ra nguồn thu nhập chính đáng cho bản thân, phụ giúp cho gia đình nhưng các bị cáo đã không làm được như vậy, mà lợi dụng sự sơ hở trong quản lý tài sản và muốn có tiền tiêu xài cá nhân nên các bị cáo bàn bạc cùng thực hiện hành vi vi phạm pháp luật và phải chịu sự phán xử nghiêm khắc của pháp luật.

Hội đồng Xét xử nhận định, các bị cáo đã khai nhận hành vi phạm tội, lời khai nhận của các bị cáo phù hợp với các chứng cứ được thu thập, có tại hồ sơ, kết luận giám định thiệt hại, biên bản khám nghiệm hiện trường, cùng các chứng cứ khác đã được thu thập có trong hồ sơ vụ án.

Theo Hội đồng Xét xử, tính chất và mức độ thực hiện hành vi của các bị cáo là nghiêm trọng, hành vi phạm tội của các bị cáo là nguy hiểm cho xã hội, đã trực tiếp xâm phạm quyền sở hữu tài sản của người khác được pháp luật bảo vệ; gây hoang mang lo lắng cho người dân và gây ảnh hưởng xấu đến tình hình trật tự trị an xã hội tại địa phương. Do đó, cần phải áp dụng mức hình phạt tương xứng với tính chất, mức độ hành vi phạm tội của các bị cáo đã gây ra để giáo dục và phòng ngừa tội phạm nói chung.

Tố Tâm

 

Tin xem nhiều