22 năm công tác trong ngành tư pháp, ông Nguyễn Ngọc Giang San (chuyên viên Phòng Tư pháp huyện Long Thành) luôn nỗ lực hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao. Đặc biệt, ông đã có nhiều sáng kiến, góp phần nâng cao hiệu quả trong công tác tư pháp nói chung, công tác phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL) nói riêng.
Ông Nguyễn Ngọc Giang San (thứ 4 từ trái sang) cùng Nhóm thiện nguyện Vạn Sự Tùy Duyên đến tặng quà cho người dân tại các tỉnh phía Bắc bị thiệt hại bởi cơn bão số 3 vừa qua. Ảnh: C.T.V |
Những sáng kiến thiết thực
Sau khi tốt nghiệp đại học ngành luật, ông Nguyễn Ngọc Giang San được tuyển dụng vào làm việc tại UBND xã Lộc An (huyện Long Thành) vào năm 2003 với chức danh cán bộ tư pháp. Sau đó, ông được chuyển về làm công chức tư pháp tại UBND xã Cẩm Đường (huyện Long Thành) vào năm 2014 và được điều động về làm chuyên viên tại Phòng Tư pháp huyện Long Thành từ năm 2017 cho đến nay. Ở mỗi vị trí công việc, ông luôn nỗ lực để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao và có nhiều sáng kiến để nâng cao công tác tuyên truyền, PBGDPL cho người dân.
Ông San cho biết, thực trạng trước đây cho thấy, các vụ bạo lực học đường thường xảy ra. Mỗi khi tan học, một số thanh thiếu niên tụ tập trước cổng trường để đánh hội đồng học sinh khác mà giữa hai bên đã có mâu thuẫn trước đó. Một số trường hợp còn quay clip hành hung để tung lên mạng xã hội. Tình hình học sinh, sinh viên chạy xe lạng lách, đánh võng, không đội mũ bảo hiểm… vẫn hay xảy ra và gây nhiều vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng. Tình trạng mua bán, sử dụng ma túy hướng đến đối tượng học sinh, sinh viên cũng đáng báo động, trong khi nhiều em chưa nhận thức được mức nguy hại của ma túy...
Từ thực tiễn trên, năm 2018, ông San nghĩ ra sáng kiến Giải pháp nâng cao kiến thức pháp luật cho học sinh, sinh viên qua hình thức phiên tòa giả định với 3 chuyên đề: Bạo lực học đường; An toàn giao thông; Phòng chống ma túy. Ông đã chọn những câu chuyện có thật trong đời sống để chuyển tải vào trong kịch bản, những tình huống đặt ra và mức hình phạt (có lồng ghép tuyên truyền pháp luật) nhằm xoáy sâu vào nhận thức của học sinh.
Thời gian qua, 3 kịch bản phiên tòa giả định của ông San được tổ chức tuyên truyền tại các trường học trên địa bàn huyện Long Thành và đã thu hút hàng ngàn học sinh, sinh viên tham gia. Qua đó, đã giúp cho các em trang bị những kiến thức cần thiết để phòng ngừa, đảm bảo an toàn cho mình.
“Cách tuyên truyền bằng hình thức phiên tòa giả định trực quan, sinh động giúp các em cảm nhận nội dung vấn đề một cách dễ dàng và nhớ lâu hơn là việc đọc hàng loạt quy định pháp luật” - ông San chia sẻ.
Bên cạnh đó, ông San còn thực hiện sáng kiến Nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, PBGDPL tại cộng đồng dân cư qua hình thức sân khấu hóa các tiểu phẩm pháp luật. Chia sẻ về ý tưởng này, ông San cho hay, những năm gần đây, công tác tuyên truyền, PBGDPL cho cán bộ, nhân dân trên địa bàn tỉnh đã được các đơn vị, địa phương chú trọng triển khai thực hiện bằng nhiều hình thức đa dạng, phong phú. Trong đó, hình thức tuyên truyền thông qua sân khấu hóa đã thể hiện nhiều ưu điểm.
Từ chỉ đạo của Hội đồng Phối hợp PBGDPL huyện Long Thành, ông San sáng tác nhiều kịch bản pháp luật để tham gia các hội thi do các sở, ban, ngành trong tỉnh tổ chức và đều đoạt giải nhất như: Người thừa kế, Phụ nữ chung tay xây dựng nông thôn mới, Nghĩa tình nhà nông, Giỏ trái cây nghĩa tình… Đặc biệt, tiểu phẩm Hạnh phúc thời dự án đã đoạt giải nhì toàn quốc trong Hội thi Sáng tác kịch bản tiểu phẩm pháp luật do Bộ Tư pháp tổ chức năm 2018.
ông Nguyễn Ngọc Giang San còn thành lập Nhóm thiện nguyện Vạn Sự Tùy Duyên và đưa vào hoạt động xuyên suốt hơn 12 năm qua. Nhóm của ông đã vận động nguồn lực giúp đỡ cho rất nhiều người nghèo khó, những hoàn cảnh bất hạnh trong và ngoài tỉnh với số tiền lên đến hàng tỷ đồng. |
Năm 2023, ông San xây dựng kịch bản tiểu phẩm bạo lực gia đình với tựa đề Hạc giấy ước mơ để tham gia Hội thi Hòa giải viên giỏi do UBND tỉnh tổ chức. Ông đã dựa vào câu chuyện có thật trong đời sống mà chính ông đã chứng kiến trong quá trình tham gia công tác hòa giải. Câu chuyện một gia đình nông dân nằm trong Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành. Sau khi nhận tiền bồi thường giải phóng mặt bằng của Nhà nước, người chồng đã thay đổi lối sống, tiêu xài tiền lãng phí. Khi tài sản trong nhà không còn, anh ta tiếp tục vay mượn tiền khắp nơi để tiêu xài. Vợ chồng bắt đầu phát sinh mâu thuẫn, đỉnh điểm là người chồng đã có những hành vi hành hung vợ. Những việc này khiến con gái 10 tuổi của họ bị ức chế, phát sinh tâm lý đau buồn và ảnh hưởng đến việc học tập.
Biết được câu chuyện trên, tổ hòa giải của địa phương đến trực tiếp gia đình tổ chức hòa giải cho 2 vợ chồng, đem lại ước mơ cho con của họ. Sau khi nghe lời khuyên của tổ hòa giải, 2 vợ chồng đã nhận ra lỗi sai, chấp nhận bỏ qua việc cũ, gắn lại chuyện tình cảm trước đây nhằm đem lại hạnh phúc cho con.
Ông San chia sẻ, việc chọn đặt tựa đề tiểu phẩm Hạc giấy ước mơ vì đa số trẻ con đều có ước mơ và cháu gái trong câu chuyện mỗi lần nghĩ đến ước mơ là gấp một con hạc giấy. Khi cháu gấp được 1 ngàn con hạc giấy thì ước mơ đã thành sự thật là cha mẹ đã hòa thuận lại với nhau.
“Hạc giấy ước mơ được đánh giá là tiểu phẩm xuất sắc nhất hội thi cấp tỉnh. Sau đó, lãnh đạo tỉnh quyết định chọn đại diện Đồng Nai tham gia Hội thi Hòa giải viên giỏi toàn quốc lần thứ IV và đoạt giải 3 ở vòng thi khu vực miền Nam, đoạt giải khuyến khích vòng thi toàn quốc” - ông San cho biết.
Đến nay, ông Nguyễn Ngọc Giang San đã nhận nhiều bằng khen, giấy khen của lãnh đạo các cấp từ Trung ương đến địa phương như: bằng khen của Thủ tướng Chính phủ trong công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19 vào năm 2023; bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh vì có thành tích xuất sắc trong công tác hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật của HĐND, UBND các cấp trên địa bàn tỉnh thời kỳ 2019-2023; bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh vì có thành tích xuất sắc trong thực hiện Chương trình PBGDPL giai đoạn 2017-2021…
Áp dụng hiệu quả trong công việc
Theo ông San, kịch bản khiến ông tâm đắc, dành nhiều thời gian, công sức đầu tư là tiểu phẩm viết về chuyên đề phòng, chống tham nhũng.
Sau nhiều lần trăn trở suy nghĩ, ông quyết định viết tiêu phẩm Dòng xoáy đồng tiền, nói về người đàn ông làm trong cơ quan nhà nước ổn định, tuy cuộc sống có khó khăn nhưng sống rất hạnh phúc bên vợ và con. Khi được cất nhấc lên vị trí công việc quan trọng, người này bắt đầu có hành vi tham nhũng, “cặp bồ” bên ngoài và lơ là vợ, con. Người vợ thiếu thốn tình cảm rồi “cặp bồ” với người đàn ông khác. Khi thấy cha mẹ sống không hạnh phúc, người con học lớp 12 buồn rầu và lao vào con đường hút chích ma túy... Hậu quả, hạnh phúc gia đình đổ vỡ, người con chết vì bị sốc ma túy, người chồng phải vào tù vì tội tham nhũng.
“Tôi quyết định chuyển hướng sang phần kết thật bi thảm để đánh động đến lòng người. Tiểu phẩm đã đoạt giải nhất Cuộc thi Phòng chống tham nhũng do UBND tỉnh tổ chức năm 2020” - ông San cho hay.
An Nhơn
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin