Báo Đồng Nai điện tử
En

Kỷ niệm 79 năm Ngày truyền thống ngành Tư pháp Việt Nam (28-8):
Tăng cường công tác quản lý nhà nước về bổ trợ tư pháp

An Nhơn (thực hiện)
09:00, 28/08/2024

Những năm gần đây, Sở Tư pháp rất chú trọng đến việc nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước về bổ trợ tư pháp, nhất là trong các hoạt động công chứng, luật sư, đấu giá tài sản.

Phó giám đốc Sở Tư pháp Phan Quang Tuấn. Ảnh: CTV

Nhân kỷ niệm 79 năm Ngày truyền thống ngành Tư pháp Việt Nam (28-8-1945 - 28-8-2024) và 42 năm Ngày thành lập ngành Tư pháp Đồng Nai (1982-2024), Phó giám đốc Sở Tư pháp Phan Quang Tuấn đã có chia sẻ với Báo Đồng Nai về vấn đề trên. Ông Phan Quang Tuấn cho biết:

- Sở Tư pháp đã tăng cường thanh tra, kiểm tra, thường xuyên theo dõi, giám sát, đánh giá tình hình hoạt động của các tổ chức hành nghề (TCHN) và kịp thời chấn chỉnh, xử lý nghiêm các hành vi sai phạm. Qua đó, góp phần tạo nên môi trường pháp lý an toàn, phục vụ tốt hơn nhu cầu của cá nhân, tổ chức trên địa bàn tỉnh; hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực công chứng, luật sư, đấu giá tài sản ngày càng được nâng cao.

Phát hiện vi phạm trong các tổ chức hành nghề

* Thời gian qua, Sở Tư pháp đã tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra hoạt động công chứng, luật sư, đấu giá tài sản. Vậy công tác triển khai cũng như kết quả mang lại như thế nào, thưa ông?

- Những năm gần đây, Sở Tư pháp đã quyết liệt chỉ đạo, đưa ra các biện pháp thực hiện hoạt động quản lý nhà nước trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp, trong đó có các hoạt động về công chứng, luật sư, đấu giá tài sản. Năm 2024, sở đã ban hành 2 kế hoạch kiểm tra, thanh tra chuyên ngành; tiến hành kiểm tra đột xuất tình hình tổ chức và hoạt động của 7 TCHN bổ trợ tư pháp trên địa bàn tỉnh có dấu hiệu vi phạm pháp luật, bị người dân tố cáo, phản ánh, kiến nghị.

Kết quả, từ đầu năm 2024 đến nay, Sở Tư pháp đã thực hiện thanh tra, kiểm tra đối với 13 TCHN luật sư; 13 TCHN công chứng và 2 TCHN đấu giá tài sản. Qua đó đã phát hiện nhiều tổ chức, cá nhân vi phạm và ra quyết định xử phạt hành chính theo thẩm quyền. Đồng thời, chuyển hồ sơ đến Chủ tịch UBND tỉnh ra quyết định xử phạt hành chính đối với một số trường hợp theo quy định.

Qua hoạt động thanh tra, kiểm tra, Sở Tư pháp đã có nhiều văn bản chỉ đạo, chấn chỉnh các TCHN: công chứng, luật sư, đấu giá tài sản để khắc phục hậu quả, phòng ngừa vi phạm pháp luật.

* Ông có thể nêu một vài vụ việc cụ thể cho thấy sự vào cuộc quyết liệt và mang lại hiệu quả?

- Trong quá trình thanh tra, kiểm tra, xử lý đơn thư khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh, Sở Tư pháp đã xử lý nhiều tổ chức, cá nhân liên quan đến hoạt động công chứng, luật sư, đấu giá tài sản, trong đó có một số vụ việc nổi bật.

Chẳng hạn, vụ việc liên quan đến luật sư N.D.B. mà Báo Đồng Nai đã thông tin. Luật sư N.D.B. đã treo biển hiệu TCHN luật sư (Văn phòng Luật sư N.D.B.) khi chưa đăng ký hoạt động theo quy định pháp luật và có hành vi làm ảnh hưởng đến hình ảnh, uy tín của nghề luật sư, gây thiệt hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của người dân. Thời gian qua, luật sư N.D.B. (Giám đốc Công ty TNHH Luật B.A.) đã xác thực và làm chứng trong các hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất…

Thời gian qua, ngành tư pháp Đồng Nai đã có nhiều đóng góp quan trọng cho sự phát triển chung của tỉnh. Trong ảnh: Tập thể cán bộ, công chức Sở Tư pháp. Ảnh: CTV

Đối với hành vi vi phạm của luật sư N.D.B., Sở Tư pháp đã tham mưu Chủ tịch UBND tỉnh ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính. Đồng thời, sở đã có văn bản đề nghị Đoàn Luật sư Đồng Nai xử lý đối với luật sư N.D.B. theo Điều lệ Liên đoàn Luật sư Việt Nam.

Một vụ việc nữa là trường hợp liên quan đến công chứng viên H.T.L. (Trưởng Văn phòng Công chứng H.T.L.) đã có hành vi “không chứng kiến việc người yêu cầu công chứng ký vào hợp đồng, giao dịch” nhưng vẫn thực hiện việc công chứng hợp đồng. Điều này đã gây phát sinh tranh chấp về đất đai, ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của người dân.

Đối với hành vi vi phạm của công chứng viên H.T.L., Sở Tư pháp đã tham mưu Chủ tịch UBND tỉnh ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính. Đồng thời, sở đã có văn bản đề nghị Hội Công chứng viên tỉnh Đồng Nai xử lý đối với công chứng viên H.T.L. theo Điều lệ Hiệp hội Công chứng viên Việt Nam.

Đầu năm 2024 đến nay, Sở Tư pháp đã phát hiện 9 TCHN luật sư có hành vi vi phạm và xử phạt vi phạm hành chính theo thẩm quyền với số tiền trên 124 triệu đồng; đình chỉ hoạt động 2 TCHN luật sư. Phát hiện 2 TCHN công chứng, 5 cá nhân có hành vi vi phạm và xử phạt vi phạm hành chính theo thẩm quyền với số tiền hơn 55 triệu đồng; chuyển hồ sơ đến Chủ tịch UBND tỉnh ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với 2 cá nhân với số tiền hơn 60 triệu đồng; phát hiện một TCHN đấu giá tài sản có hành vi vi phạm và xử phạt hành chính với số tiền 7 triệu đồng…

Siết chặt công tác quản lý

Sở Tư pháp gặp những khó khăn nào trong quá trình thanh, kiểm tra các vụ việc nêu trên, thưa ông?

- Công tác thanh, kiểm tra, phát hiện, xử lý các hành vi vi phạm của các tổ chức, cá nhân liên quan đến hoạt động của các TCHN công chứng, luật sư, đấu giá tài sản mặc dù đã đạt được nhiều kết quả tích cực nhưng trong quá trình thực hiện vẫn còn một số khó khăn.

Cụ thể, số lượng TCHN công chứng, luật sư, đấu giá tài sản trên địa bàn tỉnh nhiều, nhưng số lượng biên chế công chức được giao hiện tại của Sở Tư pháp chưa đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ đặt ra. Quá trình thanh, kiểm tra phục vụ giải quyết đơn phản ánh, kiến nghị về việc giả mạo chữ ký, giả người tham gia giao dịch khi thực hiện các hoạt động công chứng gặp khó khăn, vì hiện chưa có quy định cụ thể về thẩm quyền, thủ tục, kinh phí để tiến hành giám định…

Bên cạnh đó, trong quá trình thực hiện các yêu cầu của khách hàng trong hoạt động công chứng, luật sư, đấu giá tài sản, một số tổ chức, cá nhân hành nghề cố tình tìm kiếm các sơ hở trong các quy định pháp luật để thực hiện các hoạt động vi phạm pháp luật nhưng chưa có chế tài xử lý, gây khó khăn cho việc xử lý các hành vi vi phạm, đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật. Một số tổ chức, cá nhân hành nghề thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật một cách tinh vi nên việc thu thập hồ sơ, tài liệu chứng cứ để chứng minh, xử lý hành vi vi phạm gặp nhiều khó khăn.

Ngoài ra, các quy định pháp luật liên quan đến hoạt động công chứng, luật sư, đấu giá tài sản vẫn còn hạn chế, bất cập, chưa phù hợp với thực tiễn, chưa thống nhất với các quy định pháp luật liên quan. Điều này đã gây khó khăn cho việc thanh, kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm…

* Vậy giải pháp đặt ra trong thời gian tới như thế nào để hoạt động luật sư, công chứng, đấu giá tài sản ngày càng đi vào ổn định, hiệu quả?

- Để nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước đối với hoạt động luật sư, công chứng, đấu giá tài sản trong thời gian tới, Sở Tư pháp đã đề ra một số giải pháp.

Trong đó, tiếp tục theo dõi, đánh giá tình hình, kết quả triển khai thực hiện các quy định pháp luật trong lĩnh vực luật sư, công chứng, đấu giá tài sản; kiến nghị cơ quan, người có thẩm quyền xem xét, sửa đổi các quy định pháp luật cho phù hợp với tình hình thực tiễn, khắc phục hạn chế, chồng chéo trong hệ thống pháp luật; tăng cường tuyên truyền bằng nhiều hình thức phù hợp; khuyến khích các tổ chức, cá nhân tố cáo, phản ánh các hành vi vi phạm pháp luật của các TCHN bổ trợ tư pháp đến cơ quan, người có thẩm quyền để xử lý theo quy định pháp luật.

Sở Tư pháp tăng cường công tác phối, kết hợp với các cơ quan, đơn vị, địa phương trong thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước đối với các TCHN bổ trợ tư pháp. Thường xuyên theo dõi, giám sát hoạt động của các TCHN bổ trợ tư pháp, nâng cao chất lượng công tác thanh tra, kiểm tra, kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm. Tăng cường phối hợp với Hội Công chứng viên và Đoàn Luật sư Đồng Nai xử lý nghiêm các TCHN công chứng, luật sư, các công chứng viên, luật sư có hành vi vi phạm. Đồng thời, chấn chỉnh hoạt động của các TCHN, các công chứng viên, luật sư để thực hiện đúng các quy định pháp luật, quy tắc đạo đức hành nghề công chứng, luật sư…

* Xin cảm ơn ông!

An Nhơn (thực hiện)

Tin xem nhiều