Báo Đồng Nai điện tử
En

Hướng xử lý khi cây xanh xâm hại công trình, nhà dân

Kim Liễu
08:37, 29/08/2024

Nhiều cây xanh ở khu dân cư Tân Thuận (thuộc khu phố 5, phường Tân Hiệp, thành phố Biên Hòa) có rễ cây trồi lên trên mặt đường, làm bong tróc gạch, hư hỏng vỉa hè, ảnh hưởng đến lối đi bộ, mỹ quan đô thị.

Rễ cây xanh trong khu dân cư Tân Thuận (phường Tân Hiệp, thành phố Biên Hòa) trồi lên gây hư hỏng vỉa hè. Ảnh: K.Liễu
Rễ cây xanh trong khu dân cư Tân Thuận (phường Tân Hiệp, thành phố Biên Hòa) trồi lên gây hư hỏng vỉa hè. Ảnh: K.Liễu

Người dân nơi đây còn lo lắng rễ cây xâm lấn vào nền nhà, có khả năng gây hư móng và nứt tường…

Lo rễ cây xâm lấn gây hư nhà

Theo ghi nhận của phóng viên Báo Đồng Nai, tại một số tuyến đường trong khu dân cư Tân Thuận có nhiều cây dầu xanh tốt, hơn 10 năm tuổi. Một số cây có rễ phát triển mạnh xâm lấn vào sát mép thềm nhà dân.

Ông N.V.N. (ngụ tổ 18, khu phố 5, phường Tân Hiệp) cho biết, cây dầu trước nhà ông được trồng từ năm 2010 (14 năm tuổi), trồng trên vỉa hè rộng 4m. Hiện rễ cây đã đội nền vỉa hè lên cao 50cm, làm hỏng đường ống cấp nước trước nhà, ngọn cây nghiêng vào giữa sân nhà 1,5m so với tâm gốc.

Rễ cây xanh trong khu dân cư Tân Thuận (phường Tân Hiệp, thành phố Biên Hòa) trồi lên gây hư hỏng vỉa hè. Ảnh: K.Liễu
Rễ cây xanh trong khu dân cư Tân Thuận (phường Tân Hiệp, thành phố Biên Hòa) trồi lên gây hư hỏng vỉa hè. Ảnh: K.Liễu
 

 “Chiều cao cây là 17m, vượt quy định tại Phụ lục số 1 Thông tư số 20/2005/TT-BXD ngày 20-12-2005 của Bộ Xây dựng về hướng dẫn quản lý cây xanh đô thị đối với vỉa hè rộng từ 3-5m thì chiều cao cây tối đa là 10m. Như vậy, một số cây xanh ở khu vực này đã vượt quá kích thước quy định, không biết có đảm bảo an toàn hay không?” - ông N.V.N. bày tỏ lo lắng.

Để hạn chế rễ cây vươn xa, xâm lấn vào công trình nhà mình, một số hộ dân ở khu vực này đã xây bồn bê tông bao quanh gốc cây, chặt bớt rễ cây trồi lên mặt đất. Khi rễ ngang của cây bị chặt, bộ rễ cây sẽ yếu hơn, không phát triển một cách bình thường. Điều này gây lo ngại cho các cư dân khác về mức độ an toàn.

“Việc người dân tự ý xử lý cây xanh theo cách đổ xi măng, chặt rễ ngang… là không khả thi. Việc kiềm hãm sự phát triển của cây không đúng cách chỉ tạm thời ngăn rễ cây xâm hại vào công trình, nhưng về lâu dài nhiều khi còn phản tác dụng. Nhà bên này chặt rễ cây thì nó phát triển lấn sang nhà bên kia, thậm chí trồi lên phá hủy luôn cả vỉa hè. Theo tôi, nên có biện pháp phù hợp để bảo vệ cây xanh và đảm bảo an toàn cho công trình nhà dân cũng như các hộ dân” - bà L., một hộ dân ở khu dân cư Tân Thuận, đề xuất.

Điểm a, khoản 1, Điều 14 Nghị định số 64/2010/NĐ-CP ngày 11-6-2010 của Chính phủ về quản lý cây xanh đô thị quy định điều kiện chặt hạ, dịch chuyển cây xanh đô thị là: cây đã chết, đã bị đổ gãy hoặc có nguy cơ gãy đổ gây nguy hiểm; cây xanh bị bệnh hoặc đến tuổi già cỗi không đảm bảo an toàn; cây xanh trong các khu vực thực hiện dự án đầu tư xây dựng công trình.

Sẽ khảo sát, xử lý

Theo một số hộ dân ở khu dân cư Tân Thuận, việc rễ cây xanh phát triển phá vỡ vỉa hè còn gây mất vẻ mỹ quan đô thị của thành phố.

“Tôi thấy tình trạng này cũng xuất hiện ở một vài tuyến đường khác trong thành phố Biên Hòa. Tuy không phổ biến nhưng cơ quan chức năng nên có phương án phù hợp để những vỉa hè, con đường không bị rễ cây làm hư hại” - bà H. (ngụ phường Tân Hiệp) kiến nghị.

Trước tình trạng cây xanh trên vỉa hè trồi rễ xâm lấn vào thềm nhà, có hộ dân ở khu dân cư Tân Thuận đã làm đơn gửi cơ quan chức năng xin phép được chặt hạ và trồng thay thế cây xanh khác. Lý do được hộ dân này nêu trong đơn là ngày 9-8, một cành cây tại công viên Tao Đàn (Thành phố Hồ Chí Minh) gãy rơi xuống làm chết 2 người, 3 người bị thương. Sự việc trên làm gia đình ông rất hoang mang, vì cây dầu trước nhà ông hiện phát triển quá to, có nguy cơ ảnh hưởng đến sự an toàn tính mạng và tài sản của gia đình. Cành cây có đường kính 10cm nhiều lần rơi xuống, rất nguy hiểm với trẻ nhỏ chơi trước nhà. Mặt khác, cây đã lệch nghiêng và có nguy cơ cao bị đổ bất cứ lúc nào khi có gió to.

“Hiện nay, trên địa bàn thành phố Biên Hòa, những tuyến đường mới đang trồng cây giáng hương. Tán cây rộng, ít rụng lá, gốc cây to vừa phải và không phá nền vỉa hè. Gia đình chúng tôi tình nguyện bỏ chi phí chặt hạ và thay thế bằng cây giáng hương, chiều cao khoảng 3-4m, đường kính gốc 10cm, đảm bảo mỹ quan đô thị an toàn trong khu dân cư” - hộ dân này đề xuất.

Ghi nhận phản ánh của người dân khu dân cư Tân Thuận, đại diện Phòng Quản lý đô thị thành phố Biên Hòa, cho biết sẽ khảo sát tình trạng cây xanh tại khu dân cư trên. Trên cơ sở kết quả ghi nhận thực tế, bộ phận chức năng sẽ đề xuất biện pháp xử lý phù hợp, kịp thời (như: phá vỡ xi măng, bê tông trám bít gốc cây; mé nhánh, cắt thấp, đốn hạ cây xanh có nguy cơ ngã đổ gây nguy hiểm...) nhằm đảm bảo an toàn và mỹ quan đô thị.

Về thay thế chủng loại cây xanh trên các tuyến đường ở thành phố Biên Hòa, trong đó có khu dân cư Tân Thuận, theo kế hoạch của UBND thành phố, sẽ thực hiện thay thế dần cây dầu tại khu vực này bằng cây lộc vừng.

Kim Liễu

 

 

Tin xem nhiều