Báo Đồng Nai điện tử
En

Đưa công nghệ vào công tác phòng, chống tội phạm

Trần Danh
09:00, 16/08/2024

Trước tình trạng tội phạm mạng ngày càng lộng hành, lực lượng Công an tỉnh đang tăng cường ứng dụng công nghệ vào công tác phòng, chống tội phạm.

Các nhóm Zalo do Công an huyện Xuân Lộc lập ra để tuyên truyền phòng ngừa tội phạm. Ảnh: C.T.V
Các nhóm Zalo do Công an huyện Xuân Lộc lập ra để tuyên truyền phòng ngừa tội phạm. Ảnh: C.T.V

Tội phạm mạng hoạt động phức tạp

Theo cơ quan công an, việc đấu tranh ngăn chặn tội phạm mạng ngày càng khó khăn, phức tạp, đặc biệt là tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng xảy ra ngày càng nhiều, thủ đoạn ngày càng tinh vi.

Gần đây, Công an tỉnh Hà Tĩnh đã phối hợp với các cục nghiệp vụ thuộc Bộ Công an Việt Nam và Bộ Công an Lào triệt phá đường dây chuyên lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng bằng thủ đoạn gọi điện thoại, nhắn tin qua tài khoản mạng xã hội. Trong vụ việc này, lực lượng công an đã bắt giữ hơn 150 đối tượng, thu giữ nhiều tang vật, tài liệu liên quan. Qua xác minh, cơ quan công an xác định đây là băng nhóm tội phạm chuyên sử dụng công nghệ, mạng xã hội để lừa đảo người Việt Nam. Theo cơ quan công an, đã có hàng trăm người Việt Nam bị các đối tượng trong đường dây này lừa đảo, có người bị lừa đến hàng tỷ đồng.

Tại địa bàn Đồng Nai, thời gian qua, tội phạm mạng cũng diễn biến phức tạp. Ngoài các vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng, nhiều vụ đánh bạc, mua bán ma túy, hoạt động cho vay lãi nặng... cũng được thực hiện trên không gian mạng.

Cụ thể, vào giữa tháng 7-2024, các phòng nghiệp vụ Công an tỉnh đã phối hợp với công an các địa phương triệt phá nhiều đường dây đánh bạc bằng hình thức cá độ bóng đá xảy ra tại địa bàn huyện Tân Phú và một số địa phương, bắt giữ hàng chục đối tượng liên quan. Cơ quan công an xác định, các đường dây này đã sử dụng mạng công nghệ để đánh bạc với số tiền lên đến hàng chục tỷ đồng.

Trao đổi tại buổi lễ ký kết quy chế phối hợp giữa Công an tỉnh và Báo Đồng Nai vào ngày 7-8, Giám đốc Công an tỉnh, đại tá NGUYỄN HỒNG PHONG cho biết, trong cuộc chiến về thông tin hiện nay, mạng xã hội đã có tác động rất lớn đến đời sống xã hội, đến việc cung cấp thông tin cho người dân; người dân tiếp cận thông tin qua các nền tảng mạng xã hội (Facebook, TikTok) rất nhiều và mạnh. Chính vì vậy, việc tuyên truyền của các cơ quan chức năng cũng cần phải được thay đổi để phù hợp. Trước thực tế đó, Công an tỉnh sẽ chủ động triển khai, đẩy mạnh các kênh mạng xã hội để kịp thời cung cấp thông tin đến với người dân.

Lập kênh cung cấp thông tin cho người dân

Trước sự biến tướng khôn lường của tội phạm mạng, Công an tỉnh đã chỉ đạo công an các đơn vị, địa phương triển khai nhiều giải pháp nhằm đấu tranh với loại tội phạm này. Trong đó, lực lượng công an đã ứng dụng công nghệ vào công tác đấu tranh ngăn chặn các loại tội phạm, nhất là tội phạm lừa đảo trên không gian mạng.

Để kịp thời cung cấp thông tin, cập nhật các thông tin trên lĩnh vực công an, ngoài công bố số điện thoại đường dây nóng, Công an tỉnh đã xây dựng fanpage và Cổng thông tin điện tử Công an tỉnh. Đây là những kênh thông tin chính thức từ Công an tỉnh nhằm cung cấp thông tin các hoạt động phòng, chống tội phạm, phong trào của ngành công an. Đồng thời, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân khi báo tin tố giác tội phạm hoặc kịp thời phản ảnh, góp ý, kiến nghị các vấn đề liên quan đến cán bộ, chiến sĩ Công an tỉnh. Trên cơ sở đó nhằm góp phần xây dựng lực lượng Công an Đồng Nai thật sự trong sạch, vững mạnh, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại.

Là một trong những địa phương quan tâm chú trọng công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật trên các nền tảng mạng xã hội, thời gian qua, Công an huyện Xuân Lộc đã triển khai hiệu quả mô hình Nhóm Zalo cộng đồng để tuyên truyền, đăng tải các thông tin về phòng, chống tội phạm, đặc biệt là tội phạm lừa đảo sử dụng công nghệ cao cho người dân nắm bắt, cảnh giác.

Trưởng Công an huyện Xuân Lộc, thượng tá Trịnh Anh Dũng cho biết, khi tham gia các nhóm Zalo cộng đồng phòng chống tội phạm của Công an huyện Xuân Lộc, mọi người dân sẽ tiếp cận được thông tin từ nguồn chính thống, nhận diện được các thủ đoạn lừa đảo của tội phạm.

Nhóm đối tượng sử dụng mạng máy tính để đánh bạc. Ảnh tư liệu
Nhóm đối tượng sử dụng mạng máy tính để đánh bạc. Ảnh tư liệu

Là người rất tâm huyết với việc áp dụng các nền tảng mạng xã hội vào hoạt động tuyên truyền phòng ngừa tội phạm, nhất là tội phạm lừa đảo trên không gian mạng, đại úy Phan Hoàng Sử, cán bộ Đội Cảnh sát hình sự Công an thành phố Biên Hòa, cho biết với sự tạo điều kiện của lãnh đạo Công an thành phố Biên Hòa, anh đã tạo được khá nhiều kênh thông tin để cập nhật kiến thức pháp luật, thủ đoạn của tội phạm đến với người dân.

Theo đó, với vai trò là người quản trị, đến nay, anh đã lập được 2 fanpage (1 trang có hơn 100 ngàn người theo dõi và 1 trang có 11 ngàn người theo dõi); 1 kênh Tiktok có 21 ngàn lượt người like. Đặc biệt, đại úy Phan Hoàng Sử cũng là người quản trị 3 nhóm Zalo (mỗi nhóm có 1 ngàn người tham gia) để tập trung thông tin về thủ đoạn của các loại tội phạm lừa đảo.

Theo đại úy Phan Hoàng Sử, việc dùng Zalo để làm kênh tuyên truyền khá hiệu quả. Hiện nay, hầu hết người dùng điện thoại đều có cài đặt Zalo, đó là những người thật, tài khoản thật. Khi thông tin lên các hội nhóm này, người dân dễ dàng tiếp nhận được ngay. Không những tuyên truyền về các loại tội phạm, mà qua các kênh này còn tuyên truyền pháp luật, kịp thời định hướng đúng các vấn đề dư luận quan tâm.        

      Trần Danh

Tin xem nhiều