Theo Sở Lao động, thương binh và xã hội (LĐTB-XH), tình hình tệ nạn xã hội (TNXH) trên địa bàn Đồng Nai tiềm ẩn nhiều nguy cơ phức tạp. Trong đó, đối tượng sử dụng ma túy đang ngày càng trẻ hóa, hoạt động mại dâm sử dụng công nghệ cao có chiều hướng gia tăng.
Quản lý, hướng dẫn các học viên tại Cơ sở Điều trị nghiện ma túy tỉnh (xã Suối Cao, huyện Xuân Lộc) bóc tách hạt điều. Ảnh: T.Tâm |
Do đó, đòi hỏi sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, các ban, ngành, đoàn thể, chính quyền địa phương và người dân trên địa bàn trong việc ngăn chặn, kéo giảm TNXH trên địa bàn tỉnh.
Đi đúng “nẻo chính, đường ngay”
Thời gian qua, với sự vào cuộc tích cực của một số cơ quan, đoàn thể, địa phương đã phần nào giúp người nghiện ma túy, đối tượng mại dâm sớm nhận thức được sự sai lầm của bản thân, quay trở về “nẻo chính, đường ngay”, làm người có ích cho xã hội.
Trong đó có nhiều người đã được đào tạo nghề để khi về nhà có thể tự tạo công ăn việc làm cho bản thân. Đơn cử, trong suốt thời gian ở Cơ sở Điều trị nghiện ma túy tỉnh (xã Suối Cao, huyện Xuân Lộc), anh T.V.T. (32 tuổi, ngụ thành phố Biên Hòa) đã được tham gia lớp học nghề cơ khí và đang dần nâng cao tay nghề. Anh T. cho biết, chỉ khoảng hơn 2 tháng nữa, anh được về nhà và có thể tự tin đi xin việc với nghề đã học được.
Anh T. kể lại, bản thân anh có vợ và một con nhỏ. Vào năm 2018, vợ bỏ nhà đi, anh quá buồn bã nên sử dụng ma túy cùng bạn bè. Sau khi sử dụng ma túy, anh bắt đầu nghiện và bị đưa vào Cơ sở Điều trị nghiện ma túy tỉnh.
“Tôi hối hận vì trong lúc thiếu suy nghĩ đã tìm đến ma túy. Chỉ một lần dùng đã khiến bản thân thành người nghiện, bỏ rơi con nhỏ ở với ông bà nội. Lần này, sau khi cai nghiện về, tôi quyết tâm từ bỏ ma túy để chăm lo cho cha mẹ già và con nhỏ” - anh T. cho hay.
Trong số những người từng là đối tượng nghiện ma túy, hoạt động mại dâm thì có rất nhiều người đã được các cơ quan chức năng tư vấn, hỗ trợ giới thiệu việc làm tại các công ty hoặc học nghề… để có việc làm chân chính, thu nhập ổn định.
Đơn cử như chị N.T.T.L. (25 tuổi, ngụ huyện Trảng Bom) từng làm nhân viên phục vụ trong quán cà phê hoạt động mại dâm trá hình tại huyện Trảng Bom. Sau khi được địa phương giúp đỡ, hiện chị L. đã từ bỏ con đường sai trái, đi làm công nhân trong một công ty trên địa bàn.
Chị L. kể, khi mới 20 tuổi, chị được một người chị dẫn từ Đồng Tháp lên Đồng Nai làm phục vụ trong một quán cà phê “đèn mờ”. Thời gian đầu, chị không đồng ý nhưng vì muốn có nguồn thu nhập cao nên chị chấp nhận tham gia mua bán mại dâm. Vào năm 2023, trong một lần phục vụ khách, chị bị lực lượng chức năng bắt giữ và xử phạt về hành vi mua bán mại dâm. Sau đó, chị được các cơ quan chức năng vận động và giúp tìm công việc phù hợp, ổn định nên chị từ bỏ làm việc tại quán cà phê “đèn mờ”.
“Tôi cảm ơn các cơ quan chức năng đã giúp đỡ để tôi hiểu được giá trị của bản thân hơn, thay vì phải bán thân vì đồng tiền” - chị L. bộc bạch.
Cai nghiện cho gần 600 người
Trong 6 tháng đầu năm, toàn tỉnh đã tổ chức cai nghiện cho gần 600 người (tăng 10 người so với cùng kỳ năm 2023); triệt phá 15 vụ mua bán dâm, trong đó khởi tố 5 vụ, 13 bị can phạm tội liên quan đến mại dâm; xử phạt vi phạm hành chính 14 vụ, 37 đối tượng về các hành vi vi phạm về mại dâm với tổng số tiền gần 400 triệu đồng.
Chú trọng công tác dạy nghề, tạo việc làm
Theo đánh giá của Sở LĐTB-XH, tình hình tệ nạn ma túy và mại dâm trên địa bàn tỉnh tiềm ẩn nhiều nguy cơ phức tạp, trẻ hóa và hoạt động trá hình. Thời gian qua, các cơ quan chức năng đã tổ chức nhiều hoạt động phòng ngừa, ngăn chặn, kéo giảm tình hình TNXH. Trong đó, chú trọng công tác dạy nghề, tư vấn, giới thiệu việc làm và tạo điều kiện cho các đối tượng hoàn lương vay vốn làm ăn, kinh doanh.
Giám đốc Cơ sở Điều trị nghiện ma túy tỉnh Hồ Trí Lịch cho biết, trong thời gian qua, cơ sở đã tích cực thực hiện các mặt công tác trong hoạt động cai nghiện cho học viên như: tuyên truyền, giáo dục pháp luật, tổ chức tư vấn tâm lý học viên, giáo dục pháp luật, tổ chức văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao, mở lớp xóa mù chữ, tặng quà; thăm khám, chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe cho học viên…
Học viên tham gia lao động và học tập tại Cơ sở Điều trị nghiện ma túy tỉnh (xã Suối Cao, huyện Xuân Lộc). |
Ngoài ra, trong 6 tháng đầu năm 2024, cơ sở đã liên kết với Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên thành phố Long Khánh, huyện Xuân Lộc và các công ty huấn luyện lao động mở 6 lớp trình độ sơ cấp nghề cho hơn 200 học viên với các nghề như: công nghệ ô tô, cắt gọt kim loại, điện dân dụng, hàn kỹ nghệ sắt, vận hành xe nâng, chăn nuôi thú y… Đồng thời, tổ chức 2 buổi tư vấn hướng nghiệp và tư vấn giới thiệu việc làm cho gần 200 học viên đang cai nghiện tại cơ sở.
Riêng tại thành phố Biên Hòa, Phó trưởng phòng LĐTB-XH thành phố Biên Hòa Nguyễn Văn Đức cho hay, thời gian qua, đơn vị đã củng cố, kiện toàn Đội Công tác xã hội tình nguyện cấp xã tại 7 phường (Bửu Hòa, Hóa An, Long Hưng, Tam Hiệp, Tân Phong, Tân Tiến, Thanh Bình). Đội đã tích cực tham gia phòng, chống TNXH trên địa bàn; tham gia công tác tư vấn, tuyên truyền góp phần vào công tác phòng, chống TNXH trên địa bàn phường đạt kết quả tích cực. Đồng thời, hỗ trợ, giúp đỡ, tạo việc làm cho những người sau cai nghiện, đối tượng hoạt động mại dâm, tạo điều kiện cho người hoàn lương vay vốn làm ăn, có thu nhập ổn định, từ bỏ ma túy.
Tại Hội nghị Sơ kết công tác phòng, chống TNXH 6 tháng đầu năm và phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm 2024 vào ngày 17-7, Phó giám đốc Sở LĐTB-XH Huỳnh Nam Thắng đề nghị các địa phương cần phối hợp với các ngành, các cấp đẩy mạnh công tác tuyên truyền về phòng, chống TNXH; phát triển, nhân rộng các mô hình, điển hình tiên tiến trong công tác phòng, chống TNXH; tổ chức hoạt động có hiệu quả các cơ sở điều trị, cai nghiện ma túy tại gia đình, cộng đồng tập trung cấp huyện, đội công tác xã hội tình nguyện cấp xã và các điểm tư vấn, hỗ trợ điều trị nghiện ma túy tại cộng đồng cấp xã. Đồng thời, phối hợp tổ chức rà soát, lập danh sách người chấp hành xong án phạt phạt tù; tổ chức đào tạo nghề, giải quyết việc làm, giúp họ ổn định cuộc sống, hòa nhập cộng đồng, hạn chế tình trạng tái phạm.
Tư vấn nghề nghiệp, giới thiệu việc làm cho gần 270 người Trong 6 tháng đầu năm 2024, trên địa bàn tỉnh đã tư vấn nghề nghiệp, giới thiệu việc làm cho gần 270 người tái hòa nhập cộng đồng; hỗ trợ cho vay vốn đào tạo nghề nghiệp, tạo việc làm cho 47 hộ gia đình có người hoàn lương với tổng số tiền đã giải ngân là 3,4 tỷ đồng. |
Tố Tâm
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin