Báo Đồng Nai điện tử
En

Hướng dẫn xử lý các hành vi liên quan tới khai thác thủy sản trái phép

Đoàn Phú
08:24, 22/07/2024

Hành vi khai thác, đánh bắt thủy sản trái phép không chỉ ảnh hưởng tới nguồn lợi thủy sản, công tác quản lý nhà nước về thủy sản, mà còn ảnh hưởng đến việc xuất khẩu thủy sản của Việt Nam.

Việc đánh bắt thủy sản trên hồ Trị An bằng ngư cụ vồ hiện bị cấm. Ảnh minh hoạ: Đ.Phú
Việc đánh bắt thủy sản trên hồ Trị An bằng ngư cụ vồ hiện bị cấm. Ảnh minh hoạ: Đ.Phú

Ảnh hưởng của việc khai thác thủy sản trái phép

Để xử lý nghiêm hành vi khai thác, đánh bắt thủy sản trái phép, ngày 12-6-2024, Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao ban hành Nghị quyết số 04/2024/NQ-HĐTP hướng dẫn áp dụng một số quy định của Bộ luật Hình sự về truy cứu trách nhiệm hình sự đối với hành vi liên quan đến khai thác, mua bán, vận chuyển trái phép thủy sản (gọi tắt là Nghị quyết 04, có hiệu lực từ ngày 1-8).

Nghị quyết 04 được dư luận xem là công cụ hữu hiệu trong việc hướng dẫn các cơ quan thực thi pháp luật áp dụng các quy định pháp luật hiện hành để xử lý các hành vi liên quan tới việc khai thác thủy sản trái phép như: mua bán, buôn lậu, làm giả giấy tờ…

Theo khoản 1, Điều 2 Nghị quyết 04, khai thác thủy sản trái phép là thực hiện một hoặc nhiều hành vi khai thác thủy sản bất hợp pháp quy định tại khoản 1, Điều 60 Luật Thủy sản năm 2017, bao gồm: khai thác thủy sản không có giấy phép; khai thác thủy sản trong vùng cấm khai thác, trong thời gian cấm khai thác; khai thác, vận chuyển thủy sản cấm khai thác; khai thác trái phép loài thủy sản thuộc Danh mục loài thủy sản nguy cấp, quý, hiếm; khai thác thủy sản trái phép ở ngoài vùng biển Việt Nam; che giấu, giả mạo hoặc hủy chứng cứ vi phạm quy định liên quan đến khai thác, bảo vệ nguồn lợi thủy sản; ngăn cản, chống đối người có thẩm quyền thực hiện kiểm tra, giám sát sự tuân thủ các quy định về khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản…

Xử lý hình sự nhiều hành vi

Bộ luật Hình sự năm 2015 (được sửa đổi, bổ sung năm 2017) chỉ quy định tội hủy hoại nguồn lợi thủy sản (Điều 242) với mức hình phạt từ 50-300 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 10 năm (đối với cá nhân).

Luật sư Vũ Duy Nam (Đoàn Luật sư tỉnh) cho biết, Nghị quyết 04 không chỉ hướng dẫn cụ thể về quy tắc xử lý hình sự đối với Điều 242 Bộ luật Hình sự năm 2015 (được sửa đổi, bổ sung năm 2017), mà còn hướng dẫn áp dụng một số quy định tại các điều: 347, 348 và 349 về hành vi xuất cảnh, nhập cảnh để khai thác thủy sản trái phép; các điều: 242, 244 về hành vi liên quan đến bảo vệ nguồn lợi thủy sản; Điều 287 về hành vi cản trở hoặc gây rối loạn hoạt động của mạng máy tính, mạng viễn thông để khai thác thủy sản trái phép; các điều: 188, 189, 198 và 341 về hành vi xâm phạm trong lĩnh vực thương mại thủy sản của Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi bổ sung năm 2017).

Khoản 3, Điều 5 Nghị quyết số 04/2024/NQ-HĐTP của Hội đồng Thẩm phán hướng dẫn, khai thác thủy sản trong khu vực cấm quy định tại điểm b, khoản 1, Điều 242 của Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) là khai thác thủy sản trong vườn quốc gia, khu dự trữ thiên nhiên, khu bảo tồn loài - sinh cảnh, khu bảo vệ cảnh quan, khu bảo vệ nguồn lợi thủy sản hoặc khai thác trong các khu vực khác có quy định cấm theo quy định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Chẳng hạn, tại Điều 3 Nghị quyết 04 hướng dẫn việc truy cứu trách nhiệm hình sự đối với hành vi xuất cảnh đi khai thác thủy sản trái phép ở ngoài vùng biển Việt Nam như sau: người chỉ huy cao nhất trên tàu cá không làm thủ tục xuất cảnh cho tàu cá, thành viên tàu cá và ngư dân theo quy định hoặc có làm thủ tục xuất cảnh nhưng sau khi xuất cảnh đã tẩy, xóa số đăng ký tàu cá hoặc viết số đăng ký tàu cá không đúng với thông tin do cơ quan có thẩm quyền cấp để thành viên tàu cá, ngư dân khai thác thủy sản trái phép ở ngoài vùng biển Việt Nam thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội vi phạm quy định về xuất cảnh quy định tại Điều 347 Bộ luật Hình sự năm 2015 (được sửa đổi, bổ sung năm 2017), nếu có đủ yếu tố cấu thành tội phạm.

Theo Điều 347 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017), người nào xuất cảnh, nhập cảnh trái phép hoặc ở lại Việt Nam trái phép, đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 5- 50 triệu đồng hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm.

Còn tại Điều 6 Nghị quyết 04 hướng dẫn, người nào khai thác, mua bán, vận chuyển thủy sản thuộc Danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ theo quy định tại Điều 37 của Luật Đa dạng sinh học năm 2018 hoặc Phụ lục I Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội vi phạm quy định về bảo vệ động vật nguy cấp, quý, hiếm quy định tại Điều 244 của Bộ luật Hình sự năm 2015 (được sửa đổi, bổ sung năm 2017), nếu có đủ yếu tố cấu thành tội phạm. Theo Điều 244 của Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) với các lỗi nêu trên bị phạt tiền từ 500 triệu đồng đến 2 tỷ đồng hoặc phạt tù từ 1-15 năm.

Theo luật sư Vũ Duy Nam, tại khoản 1, Điều 10 Nghị quyết 04 hướng dẫn về việc truy cứu trách nhiệm hình sự đối với hành vi buôn lậu, vận chuyển trái phép thủy sản, dùng thủ đoạn gian dối mua, bán thủy sản như sau: Người nào buôn bán thủy sản qua biên giới hoặc từ khu phi thuế quan vào nội địa hoặc ngược lại mà không có giấy phép xuất khẩu, nhập khẩu thủy sản hoặc không đúng với nội dung giấy phép thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội buôn lậu quy định tại Điều 188 của Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017), nếu có đủ yếu tố cấu thành tội phạm. Theo đó, hành vi trên có thể bị phạt tiền từ 50-300 triệu đồng hoặc bị phạt tù từ 6 tháng đến 20 năm.

Đoàn Phú

Tin xem nhiều