Báo Đồng Nai điện tử
En

Cuộc chiến đảm bảo an ninh ngân hàng trong thời đại số:
Bài cuối: Siết chặt an ninh, an toàn hệ thống ngân hàng

Trần Danh
09:00, 06/07/2024

Trước hàng loạt ảnh hưởng không nhỏ đến an ninh, an toàn trong quá trình hoạt động của hệ thống ngân hàng trên không gian mạng, các ngành chức năng đã và đang đặt ra nhiều giải pháp để phòng ngừa.

Các cán bộ, chiến sĩ công an thường xuyên tổ chức tuyên truyền phòng ngừa tội phạm công nghệ cao đến với nhân dân. Trong ảnh: Cán bộ Công an thành phố Biên Hòa tuyên truyền cho học sinh trên địa bàn thành phố. Ảnh: T.Danh

Tăng tính bảo mật

Ngành ngân hàng đã và đang triển khai hàng loạt giải pháp để tăng tính bảo mật cho hệ thống ngân hàng, cũng như tài khoản cá nhân trên không gian mạng.

Cụ thể, từ ngày 1-7-2024, mọi giao dịch chuyển tiền (qua tài khoản trực tuyến hoặc nạp tiền vào ví điện tử) có giá trị từ 10 triệu đồng trở lên đều phải thông qua bước xác thực bằng sinh trắc học (qua khuôn mặt hoặc vân tay) đối với người chuyển tiền.

Đây là quy định mới được nêu trong Quyết định số 2345/QĐ-NHNN ngày 18-12-2023 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam về việc triển khai các giải pháp an toàn, bảo mật trong thanh toán trực tuyến và thanh toán thẻ ngân hàng quy định. Mục đích của việc phải xác thực khuôn mặt là đảm bảo chính chủ đang thực hiện giao dịch; bảo vệ khách hàng, góp phần giảm thiểu tội phạm lừa đảo, chiếm đoạt tài sản của khách hàng, cũng như phòng ngừa những vụ việc cho thuê, mượn, mua bán tài khoản thanh toán, ví điện tử sử dụng cho mục đích bất hợp pháp.

Để đảm bảo an ninh, an toàn cho khách hàng khi sử dụng dịch vụ ngân hàng, ngày 4-7, NHNN Việt Nam tổ chức Hội thảo Giải pháp bảo vệ khách hàng sử dụng dịch vụ ngân hàng. Tại hội thảo, đại diện NHNN Việt Nam cho biết, thời gian tới, NHNN Việt Nam tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện, ban hành kịp thời các văn bản, thông tư thay thế, sửa đổi, bổ sung quy định về an toàn, bảo mật cho việc cung cấp dịch vụ ngân hàng trên internet…; tiếp tục đầu tư hoàn thiện hạ tầng công nghệ thông tin của các tổ chức tín dụng, tổ chức trung gian thanh toán.

Ngoài ra, NHNN Việt Nam cũng sẽ nâng cấp, phát triển các hạ tầng thanh toán bảo đảm hoạt động liên tục, thông suốt, an toàn, kết nối liền mạch, xuyên suốt với các ngành, lĩnh vực khác (như dịch vụ công, y tế, giáo dục, thương mại điện tử…). Tăng cường bảo đảm an ninh, an toàn thông tin trong hoạt động thanh toán, ngân hàng, phối hợp các đơn vị chức năng trong việc phòng ngừa và điều tra, xử lý tội phạm công nghệ cao; bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của khách hàng…

Phó chánh Thanh tra NHNN chi nhánh tỉnh Đồng Nai Nguyễn Thanh Thủy cho biết, để công tác đảm bảo an ninh, an toàn cho hệ thống ngân hàng, các tổ chức tín dụng phải tổ chức và hoạt động đúng quy định của pháp luật, triển khai đầy đủ, kịp thời các chủ trương, chính sách quy định mới. Bên cạnh đó, các tổ chức tín dụng cần nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước, tăng cường công tác thanh tra, giám sát để kịp thời phát hiện, chấn chỉnh những tồn tại, hạn chế, tháo gỡ hoặc kiến nghị tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong hoạt động ngân hàng trên địa bàn. Các tổ chức tín dụng cũng cần xử lý nghiêm hoặc kịp thời tổ chức kiến nghị xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật được phát hiện.

Các ngân hàng đã phối hợp chặt chẽ với Công an tỉnh, cơ quan chức năng có thẩm quyền trên địa bàn trong công tác quản lý, xử lý các hoạt động ngân hàng. Đồng thời, đưa ra các cảnh báo khuyến nghị các hành vi vi phạm, dự báo tình hình để các tổ chức tín dụng biết nhằm xây dựng các giải pháp ứng phó kịp thời.

Cụ thể như mới đây, NHNN Việt Nam đã có công văn gửi các tỉnh, thành trên cả nước để khuyến cáo tình trạng các đối tượng tội phạm dụ dỗ học sinh, sinh viên mở tài khoản thanh toán, sau đó chuyển lại cho các đối tượng này sử dụng vào mục đích lừa đảo. NHNN kiến nghị UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo các trường học, cơ sở giáo dục - đào tạo trên địa bàn triển khai quán triệt, thông tin kịp thời tới toàn bộ học sinh, sinh viên và phụ huynh về các phương thức, thủ đoạn của đối tượng tội phạm; các hành vi bị cấm trong hoạt động mở, sử dụng tài khoản thanh toán và quy định xử phạt vi phạm hành chính nhằm nâng cao nhận thức về tuân thủ pháp luật và không để bị lợi dụng cho các mục đích bất hợp pháp.

Các bước ưu tiên thực hiện khi xảy ra tình huống khẩn cấp:

- Khóa dịch vụ hoặc đổi mật khẩu.

- Liên hệ với ngân hàng.

- Khôi phục cài đặt gốc.

- Trình báo cơ quan công an gần nhất.

Chủ động phòng ngừa từ sớm

Tại Đồng Nai, thời gian qua, Công an tỉnh đã tham mưu cho Thường trực Tỉnh ủy, UBND tỉnh chỉ đạo, phối hợp các sở, ban, ngành, địa phương triển khai nhiều biện pháp bảo đảm an ninh trật tự (ANTT) tại hệ thống các ngân hàng, tổ chức tín dụng. Đồng thời, tổ chức hội thảo, phân tích các nguy cơ và hướng dẫn các ngân hàng nhận biết, nâng cao khả năng tự phòng ngừa.

Tại Hội thảo Nâng cao hiệu quả công tác bảo đảm an ninh, an toàn hệ thống ngân hàng trên địa bàn tỉnh được Công an tỉnh tổ chức ngày 15-5, Phó giám đốc Công an tỉnh, đại tá Nguyễn Mạnh Toàn cho biết, để thực hiện các giải pháp phòng ngừa tội phạm trên lĩnh vực này, lãnh đạo Công an tỉnh đã chỉ đạo các đơn vị nghiệp vụ, công an các địa phương vào cuộc mạnh mẽ.

Đồ họa: Lê Duy
Đồ họa: Lê Duy

Theo đó, Phòng An ninh kinh tế Công an tỉnh với vai trò thường trực, đơn vị chủ công của Công an tỉnh trong việc phối hợp với NHNN chi nhánh tỉnh Đồng Nai theo dõi, hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện chính sách, pháp luật của Nhà nước trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng; tổ chức các biện pháp đảm bảo an ninh, an toàn trong hoạt động giao dịch, kinh doanh, phát triển của hệ thống các ngân hàng.

Trưởng phòng An ninh mạng và phòng chống tội phạm công nghệ cao (PA05) Công an tỉnh, thượng tá Nguyễn Đình Khuyên cho biết, lực lượng công an đã hướng dẫn các tổ chức ngân hàng tập trung các biện pháp để bảo vệ cho khách hàng của mình như: cài đặt ứng dụng bảo vệ điện thoại, khóa trợ năng cho phép mở ứng dụng ngân hàng nhằm bảo vệ khách hàng chặn cài đặt các mã độc trên điện thoại. Khi phát hiện các giao dịch bất thường, ngân hàng cần có hình thức cảnh báo đến khách hàng hoặc trình báo cơ quan công an để phòng ngừa, ngăn chặn các hoạt động lừa đảo.

Đồng thời, lực lượng công an cũng lưu ý các tổ chức ngân hàng cần tăng cường kiểm soát công tác bảo vệ nội bộ, có biện pháp kiểm soát, phòng ngừa, ngăn chặn, không để nhân viên ngân hàng lợi dụng vị trí, nhiệm vụ để tự ý sử dụng các thông tin của khách hàng dùng vào mục đích cá nhân.

Để nâng cao hiệu quả công tác phòng ngừa, đấu tranh hiệu quả với các loại tội phạm, nhất là nhóm tội phạm lừa đảo, gian lận trong hoạt động thanh toán qua tài khoản ngân hàng, cần sự nỗ lực hành động, phối hợp của tất cả các lực lượng chức năng và người dân. Trong đó, lực lượng công an phải thường xuyên phối hợp với các cấp ủy, chính quyền các đơn vị, địa phương tiếp tục chỉ đạo các lực lượng nắm tình hình, nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến đến nhân dân về phương thức, thủ đoạn của nhóm đối tượng này.

Trần Danh

Tin xem nhiều