Theo Công an tỉnh, tội phạm sử dụng công nghệ cao liên quan đến lĩnh vực ngân hàng thường có các hành vi vi phạm pháp luật trong hoạt động thanh toán thẻ, tấn công khai thác lỗ hổng bảo mật, sử dụng không gian mạng lừa đảo chiếm đoạt tài sản và mua bán tài khoản ngân hàng trái phép...
Những cảnh báo thủ đoạn của tội phạm mạng từ cơ quan chức năng. Ảnh: Cơ quan công an cung cấp |
Đây là một thách thức rất lớn cho các cơ quan chức năng và người dân trong đấu tranh, phòng ngừa đối với loại tội phạm này.
Thủ đoạn lừa đảo ngày càng tinh vi
Thời gian qua, công tác tuyên truyền của các cơ quan chức năng về phương thức, thủ đoạn của tội phạm mạng, trong đó tội phạm mạng liên quan đến ngân hàng liên tục được thực hiện nhưng một bộ phận người dân vẫn thiếu cảnh giác, dễ dàng “sập bẫy” đối tượng lừa đảo.
Dự báo của các cơ quan chức năng, trong thời gian tới, hoạt động tội phạm sử dụng công nghệ cao vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp và ngày càng gia tăng, với xu hướng lợi dụng các thành tựu khoa học công nghệ Deepfake, Deepvoice... (công nghệ giả khuôn mặt, giọng nói) để thực hiện hành vi phạm tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Đối với ngân hàng, các đối tượng rà quét, tấn công hệ thống, dò tìm, khai thác lỗ hổng bảo mật, tấn công mã độc... Đối với khách hàng của ngân hàng, các đối tượng liên tục sử dụng nhiều phương thức, thủ đoạn mới để lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Thượng tá Nguyễn Đình Khuyên, Trưởng phòng An ninh mạng và phòng chống tội phạm công nghệ cao (PA05) Công an tỉnh, cho biết hiện nay các tổ chức, cá nhân tội phạm trong và ngoài nước sử dụng quy trình lừa đảo theo các kịch bản rất tinh vi. Các đối tượng tìm cách tiếp cận tác động trực tiếp đến tâm lý con người, xây dựng các mối quan hệ có chủ đích. Tội phạm thường che giấu danh tính và động cơ thực sự bằng một vẻ ngoài đáng tin cậy khiến cho đối phương mất cảnh giác, từ đó dễ dàng xâm nhập các sơ hở để lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Nói về thực tế khó khăn trong công tác đảm bảo an ninh hệ thống ngân hàng, Phó chánh thanh tra Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh Đồng Nai Nguyễn Thanh Thủy cho biết, dự báo trong thời gian tới, tình hình tội phạm công nghệ cao ảnh hưởng đến hoạt động ngân hàng sẽ diễn biến phức tạp, tinh vi, tính chất, mức độ nghiêm trọng, hậu quả ngày càng lớn. Như vậy, công tác bảo đảm an ninh, an toàn hoạt động ngân hàng yêu cầu ngày càng khó khăn, đòi hỏi nhiều công sức, trí tuệ, sự phối hợp giữa các cấp, các ngành, các cơ quan chức năng có thẩm quyền.
Theo bà Nguyễn Thanh Thủy, hoạt động ngân hàng mang tính đặc thù, kinh doanh về tiền tệ và dịch vụ. Vì vậy, yêu cầu về bảo đảm an ninh, an toàn hoạt động luôn được Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đặc biệt quan tâm. Theo đó, việc bảo đảm an ninh, an toàn cho hoạt động ngân hàng là công tác liên tục, đòi hỏi sự chú ý và tập trung cao độ.
Theo Công an tỉnh, trên địa bàn tỉnh hiện có 42 ngân hàng thương mại với 61 chi nhánh, 233 phòng giao dịch trực thuộc và 22 chi nhánh ngân hàng cấp 2; 34 quỹ tín dụng nhân dân; 5 chi nhánh tổ chức tài chính.
Phải nhận diện từ sớm
Theo PA05 Công an tỉnh, hiện các tổ chức ngân hàng đều đã trang bị đầy đủ biện pháp đảm bảo an toàn từ hệ thống vận hành cho đến việc đảm bảo an toàn giao dịch của khách hàng. Tuy nhiên, vấn đề còn lại là người dân khi sử dụng các tài khoản ngân hàng vẫn chưa có những biện pháp hay trang bị nào để phòng, chống các chiêu thức lừa đảo. Trong đó, nguyên nhân chính của các vụ lừa đảo là khâu mở tài khoản không chính chủ, các giao dịch chuyển tiền trong tài khoản ngân hàng chưa được kiểm soát chặt.
Quá trình tiếp nhận, điều tra các vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản liên quan đến việc chuyển tiền trong tài khoản ngân hàng, cơ quan công an xác định, phần lớn các vụ lừa đảo sau khi nạn nhân chuyển tiền cho các đối tượng thông qua các tài khoản ngân hàng đều rất khó lấy lại được tài sản. Khi nguồn tiền từ các bị hại chuyển đến những tài khoản do đối tượng lừa đảo chuẩn bị sẵn từ trước thì nhanh chóng được chuyển qua các tài khoản khác để “cắt đuôi” và chúng sẽ được chuyển qua tài khoản từ các đối tượng ở nước ngoài để chiếm đoạt.
Cán bộ Phòng An ninh mạng và phòng chống tội phạm công nghệ cao, Công an tỉnh và nhân viên ngân hàng tư vấn cho một khách hàng tránh được một vụ lừa đảo. |
Từ thực tế đó, công tác chủ động nhận diện thủ đoạn lừa đảo để phòng ngừa từ sớm là rất quan trọng. Không để người dân khi đã mất tiền mới tìm đến cơ quan công an trình báo, khiến công tác điều tra gặp nhiều khó khăn hơn.
Như mới đây, bằng sự tỉnh táo của cán bộ ngân hàng và sự vào cuộc nhanh chóng của các trinh sát PA05 Công an tỉnh đã kịp thời ngăn chặn một vụ lừa đảo với số tiền 180 triệu đồng của một người dân.
Cụ thể, ngày 30-5, Ngân hàng MBBank chi nhánh Đồng Nai (đóng tại phường Thống Nhất, thành phố Biên Hòa) có tiếp bà N.T.D. (58 tuổi, ngụ thành phố Biên Hòa) đến tất toán trước hạn sổ tiết kiệm 180 triệu đồng để chuyển cho một cá nhân quen qua mạng xã hội Facebook.
Qua trao đổi với bà D., nhân viên giao dịch nhận thấy những biểu hiện bất thường nên đã trình báo cơ quan công an để xác minh. Ngay sau khi tiếp nhận thông tin, PA05 Công an tỉnh đã cử cán bộ đến phối hợp với các nhân viên giao dịch của ngân hàng tư vấn cho bà D. Qua trao đổi, các cán bộ công an xác định việc bà D. rút tiền để chuyển cho một đối tượng lạ chưa gặp mặt là dấu hiệu của một vụ lừa đảo trên không gian mạng nên đã đề nghị bà dừng giao dịch.
Sau khi được cán bộ PA05 Công an tỉnh tuyên truyền, giải thích, bà D. nhận ra mình đã bị đối tượng lạ lừa đảo để chiếm đoạt số tiền trên. Cảm kích trước sự giúp đỡ của lực lượng công an và nhân viên ngân hàng, bà D. đã gửi thư cảm ơn đến các đơn vị này.
Thượng tá Nguyễn Đình Khuyên cho rằng, để kịp thời phòng ngừa, ngăn chặn các loại tội phạm với phương thức, thủ đoạn nêu trên, các ngân hàng trên địa bàn tỉnh cần phải tiếp tục tuyên truyền, thông báo phương thức, thủ đoạn sử dụng công nghệ cao lừa đảo chiếm đoạt tài sản đến khách hàng để nâng cao ý thức cảnh giác.
Trần Danh
Bài 3: Siết chặt an ninh, an toàn hệ thống ngân hàng
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin