Thời gian qua, công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính (VPHC) trên địa bàn Đồng Nai đã đạt nhiều kết quả tích cực, góp phần quan trọng ổn định trật tự, an toàn xã hội và kỷ cương trên các lĩnh vực, phục vụ công tác quản lý nhà nước, phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được thì việc thi hành pháp luật về xử lý VPHC vẫn còn những khó khăn, vướng mắc.
Sở Tư pháp thành lập đoàn liên ngành kiểm tra việc chấp hành quy định pháp luật về đấu giá tài sản tại Chi cục Thi hành án dân sự thành phố Biên Hòa. Ảnh: A.NHƠN |
Khó khăn, vướng mắc trong xử lý VPHC
Tại hội nghị giao ban công tác tư pháp 6 tháng đầu năm 2024 vừa qua, Chánh Thanh tra Sở Tư pháp Tô Đình Tỉnh cho biết, với đặc điểm là tỉnh có diện tích tự nhiên rộng, kinh tế phát triển năng động, dân cư tập trung đông, tình hình VPHC cũng xảy ra ở hầu hết các lĩnh vực, đặc biệt là trong lĩnh vực đất đai, môi trường, khoáng sản, xây dựng, lao động… Tình hình VPHC diễn biến rất phức tạp và có chiều hướng tăng qua các năm.
Cụ thể, trong năm 2023, trên địa bàn tỉnh đã phát hiện trên 10,2 ngàn vụ VPHC với hơn 11 ngàn đối tượng vi phạm (gần 10 ngàn cá nhân và hơn 1 ngàn tổ chức vi phạm). Người có thẩm quyền đã ban hành trên 10,5 ngàn quyết định xử phạt VPHC với tổng số tiền phạt thu được hơn 81 tỷ đồng. 263 vụ việc có dấu hiệu tội phạm được chuyển để truy cứu trách nhiệm hình sự.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, việc xử lý VPHC vẫn còn nhiều sai sót, hạn chế. Chẳng hạn, nhiều quyết định xử phạt VPHC bị khiếu nại, khởi kiện, trong đó có nhiều trường hợp bị hủy bỏ, sửa đổi, bổ sung; nhiều vụ việc VPHC chưa được phát hiện, xử lý kịp thời, nghiêm minh theo quy định pháp luật. Ngoài ra, việc thống kê, báo cáo số liệu của các cơ quan, địa phương chưa chính xác, nhất là việc thống kê, báo cáo kết quả thi hành hình thức xử phạt bổ sung và biện pháp khắc phục hậu quả.
Phát biểu tại hội nghị giao ban công tác tư pháp 6 tháng đầu năm 2024, Giám đốc Sở Tư pháp VÕ THỊ XUÂN ĐÀO nhấn mạnh, thời gian tới, công tác tư pháp được giao nhiều nhiệm vụ quan trọng (trong đó có công tác thi hành pháp luật về xử lý VPHC, theo dõi thi hành pháp luật) và sẽ gặp không ít khó khăn, thách thức. Do đó, toàn thể công chức, viên chức ngành tư pháp tiếp tục phát huy hơn nữa vai trò, vị trí của mình trong công tác tham mưu cấp ủy, UBND các cấp thực hiện nhiệm vụ quản lý, chỉ đạo, điều hành, góp phần trực tiếp thực hiện các nhiệm vụ chính trị của địa phương.
Bên cạnh đó, các văn bản quy phạm pháp luật về xử lý VPHC ban hành vẫn còn mâu thuẫn, chồng chéo, không khả thi. Đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức làm công tác kiểm tra, thanh tra, xử lý VPHC ở một số đơn vị, địa phương vẫn còn hạn chế về chuyên môn, thiếu kinh nghiệm nên hiệu quả công tác này chưa cao. Công tác phối hợp xử lý VPHC trong việc cưỡng chế thi hành quyết định xử lý VPHC gặp nhiều khó khăn, nhất là công tác phối hợp giữa người có thẩm quyền xử lý VPHC với các cơ quan ngành dọc (do chưa có văn bản hướng dẫn cụ thể).
Ngoài ra, chất lượng, hiệu quả tuyên truyền pháp luật ở một số cơ quan, đơn vị, địa phương chưa cao, hình thức tuyên truyền chưa phù hợp với đối tượng được tuyên truyền, phổ biến; có nhiều trường hợp vì động cơ, mục đích cá nhân, lợi ích kinh tế mà các tổ chức, cá nhân vẫn cố tình vi phạm pháp luật; trong quá trình xử lý các vụ việc VPHC vẫn còn xảy ra nhiều hạn chế, sai sót.
Đại diện một số địa phương cho rằng, hiện công việc của đội ngũ cán bộ, công chức tư pháp cấp huyện, xã rất nhiều, vừa tham gia phổ biến pháp luật, giải quyết thủ tục hành chính cho người dân, vừa tham mưu cho lãnh đạo địa phương ban hành văn bản quy phạm pháp luật về xử lý VPHC… Trong khi đó, số vụ việc VPHC ngày càng tăng, nhiều vụ việc phức tạp kéo dài, nhất là vi phạm trong lĩnh vực đất đai, môi trường, xây dựng… Hơn nữa, một số nội dung quy định pháp luật chưa phù hợp với tình hình thực tiễn hoặc một số tình huống mới phát sinh từ thực tiễn khiến cho việc xử lý VPHC gặp nhiều khó khăn.
Ví dụ, ông A. bị lập biên bản xử lý VPHC về 2 hành vi: xây dựng công trình không phù hợp với quy định và tự ý chuyển mục đích sử dụng đất. Ông A. đã thực hiện việc xử phạt VPHC nhưng chưa thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả tháo dỡ công trình nhà trên đất. Sau đó, ông A. đã chuyển nhượng quyền sử dụng đất cho ông B. Hiện ông B. đang quản lý sử dụng đất và tài sản gắn liền trên đất này nhưng không đồng ý thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả vì cho rằng lỗi đó không phải của mình…
Cần giải pháp hiệu quả
Để khắc phục những sai sót, hạn chế, nâng cao hiệu quả công tác thi hành pháp luật về xử lý VPHC trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới, Sở Tư pháp đề nghị phòng tư pháp các huyện, thành phố (Long Khánh và Biên Hòa) tập trung thực hiện 7 nhiệm vụ, giải pháp quan trọng.
Trong đó, cần tiếp tục tham mưu cho UBND cấp huyện các giải pháp để chỉ đạo, tổ chức triển khai thực hiện nghiêm, hiệu quả công tác thi hành pháp luật về xử lý VPHC, đặc biệt phải chú trọng thực hiện các giải pháp phòng ngừa, ngăn chặn, xử lý nghiêm các hành vi VPHC. Tích cực, chủ động tham mưu cho UBND cấp huyện tổ chức triển khai thực hiện hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho các tầng lớp nhân dân trên địa bàn tỉnh; bồi dưỡng, nâng cao nghiệp vụ xử lý VPHC cho các cán bộ, công chức, viên chức; đề xuất, kiến nghị hoàn thiện quy định pháp luật về xử lý VPHC.
Phòng tư pháp các huyện, thành phố tham mưu UBND cấp huyện sắp xếp, bố trí nhân sự, các điều kiện cần thiết khác đảm bảo cho việc thi hành pháp luật về xử lý VPHC theo quy định pháp luật; tổ chức thực hiện hiệu quả công tác kiểm tra, tự kiểm tra việc thi hành pháp luật xử lý VPHC; đề cao trách nhiệm của người có thẩm quyền xử lý VPHC và thủ trưởng cơ quan của người có thẩm quyền xử lý VPHC để xử lý nghiêm các hành vi vi phạm.
Ngoài ra, các phòng tư pháp cấp huyện cần nâng cao hiệu quả kiểm tra, rà soát hồ sơ các vụ việc VPHC, kịp thời phát hiện sai sót, hạn chế trong việc áp dụng pháp luật về xử lý VPHC để đề xuất, kiến nghị người có thẩm quyền xem xét, xử lý theo quy định pháp luật…
An Nhơn
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin