Báo Đồng Nai điện tử
En

Cảnh giác với thủ đoạn mua tài khoản ngân hàng để lừa đảo

Trần Danh
08:28, 29/07/2024

Thời gian qua, một số đối tượng lừa đảo đã tìm cách tiếp cận các em học sinh trung học cơ sở, trung học phổ thông đã có thẻ căn cước công dân, dụ dỗ các em lập tài khoản ngân hàng sau đó mua lại để sử dụng vào mục đích lừa đảo.

Thượng úy Nguyễn Hữu Linh, báo cáo viên của Ban Thanh niên Công an tỉnh Đồng Nai tuyên truyền pháp luật cho học sinh Trường TH-THCS-THPT Bùi Thị Xuân (thành phố Biên Hòa). Ảnh: T.Danh

Mua tài khoản ngân hàng để dùng vào việc lừa đảo

Theo cơ quan công an, thủ đoạn của các đối tượng là thuê học sinh sử dụng căn cước công dân mở tài khoản ngân hàng với giá từ 200-500 ngàn đồng/tài khoản. Để thực hiện việc này, các đối tượng cung cấp cho học sinh số điện thoại đăng ký dịch vụ InternetBanking, SMSBanking để nhận mã OTP của tài khoản ngân hàng đã đăng ký và các thông tin liên quan.

Những tài khoản ngân hàng này được sử dụng vào việc lừa đảo, chiếm đoạt tài sản. Cụ thể, các tài khoản này dùng để nhận tiền từ bị hại hoặc làm địa chỉ chuyển tiền từ các tài khoản khác vào để chiếm đoạt.

PA05 Công an tỉnh khuyến cáo, nếu phát hiện bất kỳ hoạt động mua, bán thông tin cá nhân, tài khoản ngân hàng thì cần báo ngay cho cơ quan công an nơi gần nhất để được hướng dẫn giải quyết kịp thời. Trong trường hợp bị mất giấy tờ tùy thân, thẻ ngân hàng, người dân cần trình báo cho cơ quan chức năng để làm lại giấy tờ, thông báo cho ngân hàng để khóa thẻ.

Mới đây, Phòng An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (PA05) Công an tỉnh điều tra một vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên mạng. Qua đó, phát hiện một chủ tài khoản ngân hàng có liên quan là N.H.A. (17 tuổi, ngụ phường Trảng Dài, thành phố Biên Hòa). Qua xác minh, cơ quan công an xác định, trước đó em N.H.A. được một người quen qua mạng xã hội yêu cầu sử dụng thẻ căn cước công dân để lập tài khoản ngân hàng. Sau khi N.H.A. lập tài khoản và chuyển cho người này thì được trả công 200 ngàn đồng.

Trước đó, vào tháng 9-2023, cơ quan công an xác định, trường hợp chị T.T.N. (18 tuổi, ngụ phường Trảng Dài) cũng đã lập tài khoản ngân hàng để bán cho một người quen qua mạng với giá 300 ngàn đồng. Tài khoản ngân hàng mang tên chị N. sau đó đã bị các đối tượng sử dụng vào việc lừa đảo nhưng chị N. không hề hay biết.

Đẩy mạnh tuyên truyền để nâng cao cảnh giác

Trước thực tế tình hình hoạt động của các đối tượng lừa đảo trên không gian mạng, Ban giám đốc Công an tỉnh đã chỉ đạo các đơn vị nghiệp vụ, công an các địa phương đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền để nâng cao cảnh giác cho người dân, nhất là học sinh, sinh viên.

Trao đổi về nội dung này tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn Kỳ họp thứ 18, HĐND tỉnh khóa X ngày 17-7, đại tá Nguyễn Hồng Phong, Giám đốc Công an tỉnh, cho biết thời gian qua, tình hình tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến lĩnh vực ngân hàng trên cả nước nói chung và trên địa bàn tỉnh nói riêng diễn biến hết sức phức tạp. Lợi dụng sự nhẹ dạ, cả tin của người dân, các đối tượng mạo danh người của cơ quan chức năng yêu cầu cung cấp thông tin tài khoản ngân hàng, sau đó kiểm soát quyền sử dụng, khai thác tài khoản nhằm mục đích chiếm đoạt tài sản.

Đại tá Nguyễn Hồng Phong cho biết thêm, qua công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm trên lĩnh vực ngân hàng trong thời gian qua, Công an tỉnh nhận thấy tình hình tội phạm lợi dụng hoạt động chuyển tiền qua ngân hàng để lừa đảo diễn biến phức tạp. Một trong những phương thức, thủ đoạn là thông qua mạng xã hội (Zalo, Facebook…) gọi điện trực tiếp cho người bị hại để đe dọa, giả danh cán bộ nhà nước sau đó kêu gọi chuyển tiền qua các tài khoản ngân hàng không chính chủ gây ra thiệt hại ngày càng nhiều.

Trước thực tế đó, đại tá Nguyễn Hồng Phong cho biết, sẽ chỉ đạo các đơn vị nghiệp vụ, công an các địa phương tăng cường công tác nắm tình hình nhằm nhận diện sớm, phát hiện các hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực ngân hàng để có phương án đấu tranh, phòng ngừa một cách có hiệu quả, kịp thời. Thường xuyên tổng hợp, phân tích đánh giá tài liệu thu thập được nhằm chủ động tham mưu, đề xuất cấp có thẩm quyền những biện pháp phòng ngừa tội phạm xảy ra.

Lực lượng công an cũng sẽ chủ động phối hợp với các cơ quan chức năng như: Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh Đồng Nai, thanh tra, kiểm toán tiến hành thanh tra, kiểm tra, thu thập thông tin, tài liệu nhằm kịp thời phát hiện, xử lý đối với các hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực ngân hàng.

Công an tỉnh phối hợp với các đơn vị liên quan tiếp tục đổi mới công tác tuyên truyền đấu tranh phòng, chống tội phạm vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng; phổ biến đầy đủ thông tin về thủ đoạn của tội phạm lĩnh vực ngân hàng; hướng dẫn cụ thể về quy trình tố giác tội phạm đến người dân, giúp quá trình tiếp nhận, xác minh thông tin tội phạm được đẩy nhanh tiến độ.

Theo PA05 Công an tỉnh, tội phạm lừa đảo đang nhắm đến lứa tuổi vị thành niên, học sinh dụ dỗ đăng ký tài khoản ngân hàng để làm phương tiện lừa đảo. Nếu học sinh không được tuyên truyền, cảnh báo sớm thì rất dễ bị các đối tượng xấu lôi kéo tham gia vào việc mua, bán thông tin tài khoản ngân hàng. Hành động này vô tình sẽ tiếp tay cho các đối tượng phạm tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản cũng như các hành vi vi phạm pháp luật khác.

Do đó, PA05 Công an tỉnh đang đẩy mạnh thông tin tuyên truyền cảnh giác với thủ đoạn mua bán tài khoản ngân hàng để lừa đảo tại các trường học trên địa bàn tỉnh. Thông qua các buổi tuyên truyền, cán bộ - chiến sĩ của PA05 thông tin cho học sinh kiến thức pháp luật cũng như các kỹ năng bảo vệ bản thân trước thủ đoạn tinh vi của tội phạm mạng; giúp các em nâng cao cảnh giác, tránh bị “sập bẫy” kẻ xấu.

Trần Danh

 

 

Tin xem nhiều