Những vụ ẩu đả, giết người từ các nguyên nhân xã hội không chỉ để lại hậu quả nặng nề cho người thân, gia đình các nạn nhân mà còn tác động tiêu cực đến đời sống xã hội.
Đồ họa thể hiện số vụ và nguyên nhân các vụ giết người trên địa bàn tỉnh trong 3 năm (2020-2023). Thông tin: Trần Danh - Đồ họa: Lê Duy |
Đây là vấn đề nhức nhối mà các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương cần phải có giải pháp tích cực để đấu tranh, phòng ngừa.
* Hậu quả lớn từ những mâu thuẫn nhỏ
Đồng Nai là một trong những địa bàn trọng điểm kinh tế ở khu vực phía Nam. Hàng năm, tỉnh thu hút một lượng lớn người dân từ nhiều tỉnh, thành trên cả nước đến làm việc, sinh sống. Đồng Nai cũng là khu vực cửa ngõ của Thành phố Hồ Chí Minh, nơi có rất nhiều tuyến giao thông trọng điểm đi qua. Ngoài việc giúp cho địa phương phát triển kinh tế - xã hội, điều này cũng kéo theo tình hình phức tạp về an ninh trật tự (ANTT), trong đó tội phạm giết người có xu hướng ngày càng gia tăng.
Một trong những nguyên nhân của các vụ ẩu đả dẫn đến cố ý gây thương tích, giết người là mâu thuẫn trong tranh chấp đất đai.
Gần nhất, vào ngày 21-5, tại địa bàn xã Xuân Đông (huyện Cẩm Mỹ), xuất phát từ mâu thuẫn trong việc làm thủ tục giấy tờ đất đai nên giữa ông N.T.L. (63 tuổi) và Đ.X.L. (42 tuổi) đã xảy ra xô xát, ông N.T.L. đã dùng dao đâm ông Đ.X.L. tử vong.
Bên cạnh đó, chỉ vì những mâu thuẫn trong sinh hoạt không được giải quyết kịp thời đã dẫn đến các vụ ẩu đả, hỗn chiến gây mất ANTT.
Theo Công an tỉnh, trong 3 năm (2020-2023), trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 151 vụ án giết người, làm chết 112 người, 68 người bị thương. Qua điều tra, lực lượng công an đã làm rõ 146 vụ, bắt 230 đối tượng gây án (đạt tỷ lệ trên 96%). |
Cụ thể, vào tối 20-5, xuất phát từ mâu thuẫn trong sinh hoạt, Vũ Thành Tiền (28 tuổi), Trần Anh Huy Hoàng (27 tuổi), Vũ Hoàng Minh Nhật (21 tuổi), cùng ngụ xã Gia Tân 3 (huyện Thống Nhất) và một đối tượng chưa rõ lai lịch mang dao đến nhà Phạm Văn Tám (43 tuổi, ngụ ấp Tân Yên, xã Gia Tân 3) để giải quyết mâu thuẫn. Tại nhà Tám lúc này có 2 người khác là Phạm Phú Độ (37 tuổi) và Phạm Hồng Thái (43 tuổi), đều ngụ huyện Thống Nhất. Sau khi lời qua tiếng lại, giữa hai bên xảy ra ẩu đả khiến Tám, Độ, Tiền, Nhật và Hoàng bị thương phải đưa đi bệnh viện cấp cứu. Do vết thương quá nặng, Tiền và Hoàng đã tử vong, các đối tượng còn lại đang tiếp tục được điều trị. Vào cuộc điều tra, cơ quan công an xác định đây là vụ án đặc biệt nghiêm trọng; hành vi gây án của các đối tượng gây mất ANTT tại địa phương, gây bức xúc cho người dân.
Ghen tuông tình ái cũng là một trong những nguyên nhân chính của các vụ án giết người.
Chiều 29-5, tại một khu phòng trọ ở phường An Bình (thành phố Biên Hòa), Lê Ngọc Tiến (30 tuổi, quê tỉnh Kiên Giang) đã đâm anh T.M.N. (29 tuổi, quê tỉnh Kiên Giang) tử vong. Theo xác minh ban đầu của cơ quan công an, do nghi ngờ chị T. (người đang sống chung với Tiến tại phòng trọ) có quan hệ với anh N. nên Tiến tìm anh này để giải quyết mâu thuẫn.
* Ngừa phát sinh xung đột từ cơ sở
Theo Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội (PC02) Công an tỉnh, số vụ án giết người chiếm tỷ lệ thấp trong cơ cấu phạm pháp hình sự nhưng tính chất, mức độ thiệt hại ngày càng nghiêm trọng, gây hoang mang, bức xúc cho người dân, để lại hậu quả nặng nề đối với người thân, gia đình bị hại và xã hội. Trong khoảng 3 năm (từ 2020-2023), tội phạm giết người chủ yếu xảy ra ở vùng nông thôn (chiếm hơn 52%); đối tượng phạm tội lần đầu (chưa có tiền án, tiền sự) chiếm hơn 92%...
Trước tình hình đó, lực lượng công an đã phối hợp với chính quyền địa phương xây dựng, củng cố và nhân rộng các mô hình, điển hình tiên tiến trong phòng, chống tội phạm ở cơ sở, nhất là các tổ hòa giải, tổ tự quản về ANTT, tổ an ninh nhân dân. Trên cơ sở đó, phát huy vai trò của gia đình, các tổ chức đoàn thể xã hội, người có uy tín, cộng đồng dân cư (trưởng họ, già làng, trưởng bản, người có chức sắc...) trong giải quyết mâu thuẫn và phòng ngừa, ngăn chặn tội phạm giết người.
Khi có yêu cầu, công an các đơn vị, địa phương cần tăng cường phối hợp với cơ quan điều tra trong công tác khám nghiệm, điều tra, truy bắt các đối tượng, nhất là các vụ án giết người để xử lý trước pháp luật. Lãnh đạo công an các đơn vị, địa phương phải thường xuyên kiểm tra, chỉ đạo thực hiện nghiêm các quy định trong tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, nhất là tội phạm xâm phạm tính mạng, sức khỏe, gây rối trật tự công cộng, nâng cao tỷ lệ điều tra, khám phá các vụ án.
Bên cạnh đó, Công an tỉnh đã chỉ đạo công an các đơn vị, địa phương sử dụng các biện pháp nghiệp vụ để đấu tranh triệt phá, làm tan rã các băng nhóm tội phạm có tổ chức. Đồng thời, chủ động xác lập chuyên án khi có đủ căn cứ để đấu tranh với các băng nhóm có tính chất nguy hiểm, các băng nhóm sử dụng vũ khí, vật liệu nổ để gây án, hoạt động phức tạp gây bức xúc trong quần chúng nhân dân. Lực lượng công an phải tập trung điều tra, khám phá nhanh các vụ án giết người do băng nhóm tội phạm gây ra; thu thập chứng cứ nhằm xử lý nghiêm những đối tượng chủ mưu, cầm đầu, chỉ huy, tích cực trong băng nhóm.
Trần Danh
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin