Tình trạng tội phạm lừa đảo trên không gian mạng (tội phạm sử dụng công nghệ cao) đã và đang diễn ra ngày càng phức tạp, tinh vi, với chiêu thức, thủ đoạn mới, khiến nhiều người “sập bẫy”.
Thông tin cảnh báo lừa đảo được Công an thành phố Biên Hòa phổ biến thường xuyên đến người dân qua nhiều kênh khác nhau. Ảnh: CTV |
Không ngừng “biến hóa”
Theo cơ quan công an, tội phạm mạng thường xuyên nắm bắt các xu hướng, sự kiện, các hoạt động mang tính thời sự, đánh vào tâm lý của nạn nhân để lừa đảo. Ngoài những thủ đoạn quen thuộc như: giả danh cơ quan công an, viện kiểm sát hoặc kết bạn qua mạng xã hội để hứa hẹn tặng quà, lừa chuyển tiền..., hiện xuất hiện chiêu thức lừa cài đặt ứng dụng định danh điện tử (VNeID); giả mạo trang web tổ chức trại hè hoặc chiêu thức lấy lại tiền từ những vụ lừa đảo trước đó... để lừa đảo.
Thông tin từ Bộ Công an, thời gian gần đây xuất hiện thủ đoạn kẻ gian giả danh cơ quan công an gọi điện cho người dân hướng dẫn cài đặt ứng dụng VNeID, kích hoạt tài khoản định danh điện tử. Các đối tượng lợi dụng sự không hiểu biết của một số người dân, gọi điện thoại sau đó gửi đường link qua tin nhắn hoặc các ứng dụng chat trực tuyến như: Zalo, Facebook… hướng dẫn truy cập đường link để cài đặt phần mềm VNeID giả mạo có giao diện giống với ứng dụng thật. Khi người dân cài đặt ứng dụng giả mạo, các đối tượng sẽ kiểm soát được ứng dụng tài khoản ngân hàng trên điện thoại của người dân, sau đó thực hiện lệnh chuyển tiền để chiếm đoạt.
Bộ Công an khuyến cáo, để tránh bị lừa đảo chiếm đoạt tài sản, người dân cần phải thường xuyên đọc và nắm bắt các thông tin trên các trang mạng chính thống của các cơ quan bảo vệ pháp luật, báo, đài để kịp thời nhận biết thủ đoạn phạm tội của các đối tượng lừa đảo. |
Không chỉ lợi dụng việc cài đặt ứng dụng VNeID, lợi dụng thời điểm nghỉ hè sắp đến, một số đối tượng còn lừa đảo bằng cách tổ chức trại hè để thu hút phụ huynh, học sinh tham gia.
Tại địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế, mới đây cơ quan công an phát hiện trên mạng xã hội Facebook xuất hiện nhiều tài khoản có tên: Trại hè kỹ năng - Học kỳ CAND (công an nhân dân), Trại hè học kỳ quân đội, Trại hè hướng nghiệp hàng không... với giao diện, địa chỉ, số điện thoại giống với thông tin của các cơ quan công an, quân đội, hãng hàng không. Trên những trang giả mạo này, các đối tượng dẫn dụ người dân đăng ký tham gia khóa học cho con em mình. Đối với học viên tham gia sẽ được miễn phí tiền ăn, ở. Tuy nhiên, học viên tham gia phải tập đặt thử vé máy bay trực tuyến và được hoàn lại tiền, hoặc đặt cọc trước một khoản tiền từ 5-10 triệu đồng để đăng ký. Ban đầu, giá vé máy bay nội địa chỉ vài triệu đồng, sau đó là vé quốc tế với số tiền vài chục triệu đồng. Do tin tưởng những thông tin này là thật, một số người đã chuyển tiền để đăng ký cho con em mình. Tuy nhiên, sau khi chuyển tiền thì mất liên lạc với các đối tượng này.
Tinh vi hơn là thủ đoạn lừa đảo bằng chiêu hứa hẹn lấy lại tiền trong các vụ lừa đảo trước đó cho nạn nhân. Kẻ gian đánh vào tâm lý nạn nhân muốn lấy lại tiền sau khi bị lừa đảo nên đã tạo ra kịch bản mới để tiếp tục lừa nạn nhân.
Mới đây, chị T.T.V. (ngụ thành phố Huế, tỉnh Thừa Thiên Huế) đăng ký thi tiếng Anh qua mạng thì bị kẻ gian lừa đảo chiếm đoạt số tiền hơn 90 triệu đồng. Sốt ruột vì bị mất tiền, chị V. lên mạng tìm hiểu thì thấy trang Facebook của một “công ty luật” quảng cáo hỗ trợ lấy lại tiền bị lừa đảo. Chị V. liên hệ với tài khoản Facebook này thì được hứa hẹn sẽ lấy lại toàn bộ số tiền bị lừa cho chị với điều kiện chị phải chuyển phí dịch vụ. Tuy nhiên, sau nhiều lần chuyển hàng chục triệu đồng cho các đối tượng, chị V. mới biết mình lại bị kẻ gian lừa đảo.
Luôn đề cao ý thức cảnh giác
Tại Hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh mới đây, Giám đốc Công an tỉnh, thiếu tướng Nguyễn Sỹ Quang cho rằng, tội phạm xâm phạm sở hữu hiện chiếm tỷ lệ cao trong cơ cấu tội phạm. Đặc biệt là tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản, trong đó tội phạm lừa đảo trên không gian mạng (tội phạm sử dụng công nghệ cao) đang xảy ra khá phổ biến và nhức nhối. Trong quý I-2024, trên địa bàn tỉnh xảy ra 29 vụ lừa đảo trên không gian mạng, chiếm đến 49% số vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Trong đó có những vụ nạn nhân mất cả trăm tỷ đồng, một số vụ hàng chục tỷ đồng.
Thời gian qua, các cơ quan chức năng, trong đó có lực lượng công an, đã triển khai nhiều giải pháp nhằm tuyên truyền, nâng cao ý thức phòng ngừa cho người dân. Việc tuyên truyền không chỉ thực hiện theo các cách thức truyền thống, mà đã có sự đổi mới nhằm thực hiện tuyên truyền phù hợp hơn. Theo đó, việc tuyên truyền được thực hiện theo 2 cấp. Thứ nhất là Bộ Thông tin và truyền thông đã nhắn tin vào từng tài khoản thuê bao di động của các cá nhân để tuyên truyền, cảnh báo cách thức lừa đảo. Thứ hai là tuyên truyền bằng nhiều mô hình khác nhau.
Theo thiếu tướng Nguyễn Sỹ Quang, để phòng ngừa loại tội phạm lừa đảo trên không gian mạng thì công tác tuyên truyền vẫn rất quan trọng. Mỗi người dân, kể cả cán bộ, đảng viên, cần phải biết rằng, không có chuyện các cơ quan tố tụng: công an, viện kiểm sát, tòa án hay các cơ quan thuế, hải quan... lại làm việc với người dân qua điện thoại, qua tin nhắn Zalo; không có chuyện người dân bị cán bộ công an dọa sẽ khởi tố tội này, tội kia mà chỉ nói qua điện thoại. Đối với vấn đề tiền bạc, tài sản của người dân, cũng không có chuyện cơ quan này, cơ quan kia yêu cầu phải mở tài khoản để chuyển tiền vào, đưa tiền ra để kiểm tra.
Theo thiếu tướng Nguyễn Sỹ Quang, vấn đề bảo mật thông tin mạng của các cơ quan, đơn vị chưa được các cơ quan, cá nhân quan tâm. Đây là kẽ hở để các đối tượng tội phạm lợi dụng tấn công, khai thác thông tin để lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Do đó, mỗi cán bộ, đảng viên, người dân phải hết sức cảnh giác trước các thủ đoạn của các đối tượng tội phạm.
Trần Danh
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin