Báo Đồng Nai điện tử
En

Nói ‘không’ với các chiêu thức lừa đảo trên mạng

Trần Danh
08:14, 20/03/2024

Lợi dụng các nền tảng mạng xã hội để lừa đảo những người nhẹ dạ, cả tin, những người thiếu hiểu biết vẫn thường xuyên xảy ra. Thậm chí, nhiều người có hiểu biết nhưng vì hám lợi vẫn bị rơi vào “bẫy” của kẻ gian.

Những cảnh báo của cơ quan công an trước các thủ đoạn của tội phạm lừa đảo trên không gian mạng.
Những cảnh báo của cơ quan công an trước các thủ đoạn của tội phạm lừa đảo trên không gian mạng.

Thực tiễn công tác tiếp nhận, thụ lý điều tra các vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng cho thấy, dù các cơ quan chức năng thường xuyên cảnh báo nhưng nạn nhân của những vụ lừa đảo vẫn liên tục “sập bẫy” kẻ gian.

* Tội phạm mạng hoạt động có tổ chức, tinh vi

Lợi dụng môi trường mạng xã hội phát triển, tội phạm lừa đảo theo kiểu truyền thống cũng dịch chuyển để hoạt động trên không gian mạng. Việc các đối tượng lợi dụng triệt để không gian mạng để lừa đảo chiếm đoạt tài sản là điều tất yếu khi mà các nền tảng mạng xã hội phát triển không ngừng.

Hiện nay, nhiều đối tượng lừa đảo trên không gian mạng đến từ các tổ chức tội phạm, lừa đảo ở nước ngoài nên việc phát hiện, điều tra, xử lý của lực lượng công an gặp không ít khó khăn.

Trường hợp N.V.P. (33 tuổi, quê tỉnh Đồng Tháp) là một ví dụ. Từ một lao động bị lừa đảo khi đi tìm việc làm, P. đã trở thành tội phạm vận chuyển ma túy và bị bắt vào đầu tháng 1-2024 tại tỉnh Hà Tĩnh.

Trước đó, P. lên mạng tìm việc làm thì được một số đối tượng giới thiệu vào làm trong một sòng bạc tại Campuchia. Tại đây, P. được giao nhiệm vụ lập các tài khoản Facebook giả để tìm người kết bạn và kêu gọi đầu tư chứng khoán nhằm lừa đảo.

Do không tìm được các nạn nhân nên nhóm đối tượng người nước ngoài đã buộc P. phải nộp 70 triệu đồng mới được thả cho về. Không có tiền nộp, P. bị đưa đến nhiều địa điểm khác nhau để tiếp tục thực hiện việc lừa đảo trên không gian mạng. Đến đầu tháng 1-2024, P. trốn về Việt Nam và có mang theo ma túy nên đã bị lực lượng công an bắt giữ tại Cửa khẩu quốc tế Cầu Treo (thuộc địa phận huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh).

Theo cơ quan công an, thời gian qua, có nhiều người Việt Nam bị đưa sang Campuchia tham gia vào các đường dây lừa đảo trên không gian mạng với chiêu thức “việc nhẹ, lương cao”. Đa phần trong số đó đều là những người trẻ, tuổi đời còn ít, học vấn thấp dẫn đến dễ bị sa ngã. Nguồn “nhân công” này đã giúp sức cho các đối tượng lừa đảo xây dựng các kịch bản để lừa người dân trong nước.

Theo Cục An toàn thông tin, hiện có 24 hình thức lừa đảo phổ biến trên không gian mạng tại Việt Nam như: lừa đảo "khóa SIM" vì chưa chuẩn hóa thuê bao; giả mạo biên lai chuyển tiền thành công; giả danh giáo viên/nhân viên y tế báo người thân đang cấp cứu; thủ đoạn giả danh các công ty tài chính, ngân hàng; giả mạo trang thông tin điện tử, cơ quan, doanh nghiệp (bảo hiểm xã hội, ngân hàng...); giả danh cơ quan công an, viện kiểm sát, tòa án gọi điện lừa đảo; lừa đảo tình cảm, dẫn dụ đầu tư tài chính, gửi bưu kiện, trúng thưởng…

* Nhận diện rõ các chiêu thức lừa đảo trên mạng

Theo cơ quan chức năng, thủ đoạn lừa đảo trên không gian mạng ngày càng diễn biến phức tạp. Việc thông tin, tuyên truyền cảnh báo luôn là vấn đề mà các cơ quan chức năng, nhất là lực lượng công an quan tâm thực hiện.

Thượng tá Nguyễn Mạnh Toàn, Phó giám đốc Công an tỉnh cho biết, để tránh các vi phạm trên không gian mạng, lực lượng chức năng đã và đang triển khai đồng bộ các biện pháp công tác để kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các hành vi sai phạm. Trong đó, chú trọng công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, nhất là Luật An ninh mạng năm 2018 và các văn bản liên quan để người dân nắm bắt, chấp hành, nâng cao ý thức trách nhiệm trong việc đăng tải thông tin trên không gian mạng.

Tại thành phố Biên Hòa, Công an thành phố đã lập các trang thông tin, hội nhóm, liên tục cập nhật các thủ đoạn lừa đảo công nghệ cao để cảnh báo cho người dân. Trong đó đưa ra những cảnh báo cụ thể về các thủ đoạn giúp người dân nhận diện, tránh bị lừa. Đồng thời, chỉ ra những việc người dân không nên làm, không thực hiện, không tham gia trên các nền tảng mạng xã hội.

Trang Zalo “Nhận dạng lừa đảo qua mạng” có hơn 1 ngàn thành viên tham gia. Trên trang này, cán bộ Đội Cảnh sát hình sự Công an thành phố Biên Hòa đã đưa ra các cảnh báo bằng những cái “không” để người dân cảnh giác.

Theo Phòng An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Công an tỉnh), để tránh bị các đối tượng lừa đảo, mỗi người dân cần nâng cao tinh thần cảnh giác trước các chiêu thức lừa đảo. Đặc biệt, người dân phải từ chối việc cung cấp thông tin cá nhân cho người lạ; không tham gia vào các trang web giả mạo, không chuyển khoản cho bất kỳ ai không có thông tin rõ ràng.

Theo đó, những cái “không” mà người dân cần nhớ là: không có nhà mạng nào gọi điện thông báo khóa sim, nợ cước (nếu có tin nhắn từ tổng đài thì đến trung tâm, cửa hàng các nhà mạng gần nhất trên địa bàn hỏi về thủ tục). Không có việc nhẹ - lương cao, ngồi ở nhà làm cộng tác viên mà lương 500 ngàn đồng/ngày. Không có chuyện người nhà, người yêu, phi công, người nước ngoài nào tự dưng gửi tiền, gửi quà giá trị lớn cho người quen qua mạng xã hội. Không có chuyện cơ quan hải quan, an ninh sân bay... yêu cầu người dân nộp lệ phí để chuyển quà, chuyển hàng…

Đặc biệt, điều mỗi người dân phải nhớ là không có chuyện cán bộ công an, viện kiểm sát, tòa án liên hệ qua điện thoại với công dân để làm việc. Khi gặp tình huống này, người dân cứ thẳng thắn đề nghị gửi giấy mời về tận nhà để làm việc.

Khi con, cháu đi học ở trường, nếu có việc gì thì giáo viên, nhà trường sẽ lo trước, sau đó thông báo cho người nhà. Không có chuyện tự ý chuyển tiền qua tài khoản của bất kỳ ai để lo việc cho con, cháu của mình. Tốt nhất là người nhà chủ động liên hệ với giáo viên chủ nhiệm để nắm rõ mọi chuyện về con, cháu của mình.

Theo cơ quan công an, đối với những thông tin, trường hợp, tình huống mà người dân không biết, không rõ thì liên hệ ngay cơ quan công an gần nhất để được hướng dẫn, xử lý. Người dân không tự làm theo các hướng dẫn của bất kỳ ai, đối tượng lạ nào trên mạng để tránh bị lừa.

Trần Danh

Tin xem nhiều