Báo Đồng Nai điện tử
En

Chủ động ngăn chặn vi phạm pháp luật trên môi trường số

Đặng Ngọc
07:25, 23/02/2024

Lừa đảo trên môi trường số hay còn gọi là lừa đảo trực tuyến đang là một vấn nạn xã hội. Dù các ngành chức năng đã thường xuyên cảnh báo và chỉ rõ các phương thức, thủ đoạn của các đối tượng lừa đảo trực tuyến nhưng vẫn có người bị “sập bẫy”.

Theo Bộ Công an, có 3 nhóm lừa đảo trực tuyến chính (giả mạo thương hiệu, chiếm đoạt tài khoản và các hình thức kết hợp khác) với 24 hình thức lừa đảo đang diễn ra trên không gian mạng. Một số hình thức lừa đảo phổ biến như: lừa đảo du lịch giá rẻ; giả danh các công ty tài chính, ngân hàng; giả danh công an, viện kiểm sát, tòa án; lừa đảo đầu tư chứng khoán, tiền đa cấp; đánh cắp tài khoản mạng xã hội để nhắn tin lừa đảo; cài cắm ứng dụng, link quảng cáo cờ bạc, cá độ, “tín dụng đen”...

Một số nguyên nhân chính khiến nhiều người vẫn bị “sập bẫy” lừa đảo trực tuyến là do các hình thức lừa đảo trực tuyến luôn thay đổi, đan xen mới và cũ, đồng thời luôn có những hình thái mới, tinh vi hơn. Không ít người còn chủ quan, lơ là khi giao tiếp qua mạng xã hội; chưa chú trọng bảo mật các thông tin cá nhân khi tham gia mạng xã hội. Tội phạm mạng đưa ra nhiều lợi ích để đánh vào lòng tham, chia lợi nhuận cao để dẫn dụ nạn nhân bỏ tiền vào đầu tư rồi chiếm đoạt...

Điều quan trọng là tội phạm mạng hoạt động kín kẽ, tinh vi, thậm chí có hội nhóm kín nên rất khó phát hiện và bị xử lý, vì vậy chưa đủ sức răn đe. Do đó, việc tăng cường nguồn lực, nhân lực để phát hiện, đưa ra ánh sáng để xử lý nghiêm tội phạm mạng là một trong những giải pháp quan trọng nhằm ngăn ngừa tội phạm mạng lộng hành mà các ngành chức năng cần tập trung thực hiện trong thời gian tới.

Công tác tuyên truyền phòng, chống tội phạm trên môi trường mạng cần tiếp tục được chú trọng; ngoài việc chỉ ra những phương thức, thủ đoạn lừa đảo trên môi trường số để người dân nắm bắt còn phải đổi mới hình thức tuyên truyền, nhất là trên các nền tảng mạng xã hội để tuyên truyền sâu rộng đến đông đảo người dân từ đô thị đến nông thôn, vùng sâu, vùng xa.

Trước mắt, mỗi cá nhân cần nâng cao cảnh giác đối với việc giao tiếp, giao dịch với người lạ trên mạng xã hội; thận trọng khi đối tượng mới quen, không rõ nhân thân yêu cầu chuyển khoản số tiền lớn. Chú ý bảo mật thông tin cá nhân (ngày tháng năm sinh, số căn cước công dân, địa chỉ, số điện thoại… ) để tránh bị chiếm dụng tài khoản mạng xã hội, tài khoản ngân hàng. Thường xuyên cập nhật thông tin về thủ đoạn, phương thức hoạt động tinh vi của tội phạm mạng để phòng tránh. Khi gặp các tình huống có dấu hiệu lừa đảo trên không gian mạng cần thông báo cho người nhà và báo cơ quan chức năng để có hướng hỗ trợ, xử lý kịp thời. Tuyệt đối tuân thủ các quy định của Luật An ninh mạng năm 2018 để tránh vi phạm pháp luật.

Trước sự phát triển mạnh mẽ của internet và mạng xã hội, việc mỗi người dân nâng cao cảnh giác, tự bảo vệ cá nhân và tài sản trên không gian mạng cũng là góp phần giữ gìn an ninh trật tự, ngăn chặn các vụ vi phạm pháp luật trên môi trường số hiện nay.       

Đặng Ngọc

Tin xem nhiều