Báo Đồng Nai điện tử
En

Tiếp tục xử lý nghiêm vi phạm về nồng độ cồn

Đăng Tùng
08:40, 20/01/2024

Thời gian qua, việc cương quyết xử lý vi phạm về nồng độ cồn của lực lượng cảnh sát giao thông đã đạt được những kết quả nhất định, góp phần kéo giảm số vụ tai nạn giao thông trong năm 2023 và xây dựng ý thức “đã uống rượu, bia thì không lái xe” trong người dân.

Lực lượng cảnh sát giao thông kiểm tra nồng độ cồn người lái xe trên quốc lộ 20 đoạn qua H.Thống Nhất. Ảnh: Đ.Tùng
Lực lượng cảnh sát giao thông kiểm tra nồng độ cồn người lái xe trên quốc lộ 20 đoạn qua H.Thống Nhất. Ảnh: Đ.Tùng

Trong năm 2024, việc xử lý vi phạm nồng độ cồn vẫn tiếp tục được thực hiện nghiêm với phương châm “không ngoại lệ, không vùng cấm”.

* Hình thành thói quen tốt

Những ngày trước, trong và sau Tết Nguyên đán 2024, nhiều cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp tổ chức các buổi tiệc liên hoan, tất niên, tân niên… Điểm đáng chú ý là nhiều đơn vị đã khuyến cáo khách mời đi xe ôm, taxi hoặc chủ động lên phương án bố trí phương tiện đưa đón khách. Lý do được nhiều đơn vị đưa ra là dù tốn kém thêm một chút nhưng không muốn để khách mời gặp nguy hiểm hoặc bị xử phạt khi lái xe sau khi đã uống rượu, bia tại tiệc.

Ông T.A.D. (nhân viên công sở tại TP.Biên Hòa) bày tỏ, mọi năm, cứ gần dịp Tết Nguyên đán là ông phải đi dự nhiều buổi tiệc, sau đó ông tự chạy xe về chứ ít khi nào gọi xe ôm, taxi đưa về, vì muốn chủ động giờ giấc. Tuy nhiên, từ khi lực lượng cảnh sát giao thông xử lý nghiêm vi phạm nồng độ cồn, ông đã có suy nghĩ khác và tập thói quen mỗi khi đi ăn tiệc (có dùng rượu, bia) là sẽ gọi taxi.

Theo báo cáo của cơ quan chức năng, trong năm 2023, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 692 vụ tai nạn giao thông (TNGT), làm chết 569 người, bị thương 326 người. Đáng chú ý, nguyên nhân TNGT do người điều khiển phương tiện sử dụng rượu, bia chiếm 4,49%.

Phó thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông quốc gia TRẦN LƯU QUANG:

Kiên quyết từ chối bất kỳ sự “gửi gắm” nào khi xử lý các hành vi vi phạm an toàn giao thông

Phải triển khai các giải pháp một cách đồng bộ, trong đó phải ứng xử nghiêm khắc hơn với các hành vi vi phạm về an toàn giao thông. Chú ý áp dụng rộng rãi giải pháp “phạt nguội” vốn đang có hiệu quả tại Việt Nam cũng như nhiều quốc gia khác.

Đề nghị các bộ, ngành, địa phương quan tâm hơn nữa đến công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông, trong đó người đứng đầu phải làm gương trong chấp hành quy định về an toàn giao thông. Đặc biệt, các lực lượng chức năng phải giữ được sự nghiêm túc và kiên quyết từ chối bất kỳ sự “gửi gắm” khi xử lý vi phạm.

Phó chủ tịch chuyên trách Ủy ban An toàn giao thông quốc gia KHUẤT VIỆT HÙNG:

Kiên trì xây dựng văn hóa giao thông an toàn

Một trong 8 nhóm nhiệm vụ trọng tâm được Ủy ban An toàn giao thông quốc gia đề ra trong năm 2024 là kiên trì xây dựng văn hóa giao thông an toàn đối với tổ chức, cá nhân trong quá trình xây dựng, thực thi pháp luật, cung ứng kết cấu hạ tầng giao thông, phương tiện, dịch vụ vận tải và tham gia giao thông. Trong đó tập trung đổi mới công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên và nhân dân về bảo đảm trật tự an toàn giao thông theo hướng lấy thay đổi hành vi làm tiêu chí đánh giá kết quả. Đặc biệt, tiếp tục xây dựng thói quen không lái xe sau khi đã uống rượu, bia...        

  MInh Thành (ghi)

Trong năm 2023, lực lượng cảnh sát giao thông toàn tỉnh đã phát hiện, xử lý hơn 157,3 ngàn trường hợp vi phạm trật tự an toàn giao thông, xử phạt số tiền hơn 297 tỷ đồng. Trong đó đã phát hiện, xử lý hơn 27,2 ngàn trường hợp vi phạm nồng độ cồn, phạt số tiền hơn 125 tỷ đồng, tước hơn 16,6 ngàn giấy phép lái xe và tạm giữ hơn 27,2 ngàn phương tiện.

Cùng với đó, theo Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, trong năm 2023, lực lượng cảnh sát giao thông toàn quốc đã kiểm tra, xử lý 3,4 triệu trường hợp vi phạm trật tự an toàn giao thông; phạt tiền hơn 6,5 ngàn tỷ đồng; tước giấy phép lái xe, chứng chỉ chuyên môn hơn 664 ngàn trường hợp; tạm giữ hơn 1 triệu phương tiện các loại. Bên cạnh đó, khi phân tích trên 2,86 triệu hành vi vi phạm, lực lượng chức năng ghi nhận vi phạm về nồng độ cồn chiếm tỷ lệ cao nhất với hơn 770 ngàn trường hợp (26,8%).

Lực lượng cảnh sát giao thông kiểm tra nồng độ cồn người lái xe khách trên quốc lộ 1 đoạn qua H.Xuân Lộc
Lực lượng cảnh sát giao thông kiểm tra nồng độ cồn người lái xe khách trên quốc lộ 1 đoạn qua H.Xuân Lộc

Việc này không chỉ được ghi nhận bằng các số liệu của lực lượng chức năng mà ngay cả với những người có nghề nghiệp, công việc liên quan cũng cảm nhận rõ rệt sự thay đổi ý thức của người uống rượu, bia; nhất là với những tài xế xe ôm công nghệ, xe taxi hoạt động ở các đô thị.

Anh H.T.T. (người lái xe công nghệ tại TP.Biên Hòa) cho hay, khoảng 1 năm trở lại đây, anh có thêm nhiều khách là những người đã uống rượu, bia và cần đưa về nhà. Trước đây, việc đưa đón khách ở những chặng ngắn khoảng 2-3km từ nhà hàng, quán nhậu về nhà là điều hiếm hoi nhưng thời gian qua, việc chở những vị khách như vậy giúp nguồn thu nhập của anh tăng
khoảng 20%.

* Tiếp tục “không khoan nhượng với ma men”

Năm 2024, Ban An toàn giao thông tỉnh đặt mục tiêu phấn đấu giảm TNGT ở cả 3 tiêu chí số vụ, số người chết và số người bị thương, trong đó giảm ít nhất 5% số người chết so với năm 2023; nhất là giảm TNGT đặc biệt nghiêm trọng; giảm TNGT do nguyên nhân sử dụng rượu, bia khi điều khiển phương tiện tham gia giao thông.

Trong dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán 2024, UBND tỉnh yêu cầu Công an tỉnh huy động tối đa lực lượng, thành lập các tổ ra quân thực hiện tốt công tác kiểm tra, kiểm soát, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trật tự an toàn giao thông đường bộ, trong đó có vi phạm nồng độ cồn. Việc này được thực hiện xuyên suốt kỳ nghỉ Tết và trên các tuyến giao thông, nhất là các tuyến quốc lộ, đường tỉnh trọng điểm.

Để đạt được mục tiêu đó, Công an tỉnh đã chỉ đạo lực lượng cảnh sát giao thông thực hiện nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát và bố trí chốt tại các vị trí phù hợp nhằm xử lý kịp thời các vi phạm của người điều khiển phương tiện trên các tuyến đường, đặc biệt là tuyến quốc lộ và khung thời gian thường xuyên xảy ra TNGT. Trong đó sẽ triển khai các cao điểm xử lý theo chuyên đề, kế hoạch, hoặc tổng kiểm soát các phương tiện giao thông, đặc biệt là chuyên đề về nồng độ cồn.

Trung tướng Nguyễn Văn Long, Thứ trưởng Bộ Công an đề nghị các bộ, ngành, địa phương yêu cầu cán bộ, công nhân viên chức phải nghiêm chỉnh chấp hành quy định pháp luật về an toàn giao thông. Đồng thời, phải kiên quyết xử lý các trường hợp bất chấp, cố tình vi phạm quy định về an toàn giao thông; đặc biệt phải xử lý nghiêm với vi phạm về nồng độ cồn, qua đó kiềm chế, kéo giảm TNGT trên toàn quốc.

Lực lượng cảnh sát giao thông kiểm tra nồng độ cồn người lái xe trên quốc lộ 20 đoạn qua H.Thống Nhất. Ảnh: Đăng Tùng
Lực lượng cảnh sát giao thông kiểm tra nồng độ cồn người lái xe trên quốc lộ 20 đoạn qua H.Thống Nhất. Ảnh: Đăng Tùng

Gần đây nhất, ngày 14-11-2023, Công an tỉnh đã có Thư kêu gọi chung tay bảo đảm trật tự an toàn giao thông trên toàn tỉnh. Qua đó, Công an tỉnh kêu gọi cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, người lao động… và toàn thể nhân dân nghiêm chỉnh chấp hành các quy định pháp luật về trật tự an toàn giao thông, nhất là thực hiện văn hóa “đã uống rượu bia, không lái xe”, tích cực phát hiện, phản ánh, cung cấp thông tin cho lực lượng chức năng về hành vi vi phạm trật tự an toàn giao thông qua đường dây nóng của Công an tỉnh, mạng xã hội Zalo, ứng dụng VneID trên điện thoại.

Tại lễ ra quân Năm An toàn giao thông 2024 của TP.Biên Hòa, Chủ tịch UBND thành phố Đỗ Khôi Nguyên đã yêu cầu lực lượng cảnh sát giao thông huy động tối đa lực lượng, trang thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ, phối hợp các lực lượng chức năng triển khai đồng bộ các giải pháp, chủ động phát hiện, ngăn chặn, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm về trật tự an toàn giao thông. Trong đó tập trung vào các hành vi vi phạm là nguyên nhân trực tiếp gây TNGT, trong đó có vi phạm về nồng độ cồn.           

Đăng Tùng

Tin xem nhiều