Phía sau mâu thuẫn và cơn nóng giận không thể kiềm chế của đôi bên, nhiều khi để lại những hậu quả nặng nề. Bị hại chịu những thương tích trên cơ thể, để lại vết sẹo muôn đời và tổn hại về sức khỏe; còn bị cáo lại phải nhận những bản án nghiêm khắc.
Bi cáo Mai Chấn Thiên cùng đồng phạm lãnh mức án nặng vì thói hung hăng, ngông cuồng. Ảnh: T.Tâm |
Dù chỉ gây thương tích cho đối phương nhưng mọi hành vi sử dụng hung khí nguy hiểm gây tổn hại đến vùng trọng yếu trên cơ thể người khác đều bị lãnh án nặng về tội giết người.
* Chỉ vì nóng giận
Vì tranh giành chỗ bán nước mà giữa bị cáo và bị hại đã xảy ra mâu thuẫn. Để rồi người bị thương tích 28%, người còn lại lãnh án 10 năm tù về tội giết người.
Nước da đen sạm, thân hình gầy gò, mái tóc muối tiêu đã lộ rõ sự khắc khổ, già nua của bị cáo Phạm Tuấn Kiệt (45 tuổi, ngụ xã Tam An, H.Long Thành). Chỉ vì một phút nóng giận nhất thời, bị cáo đã tự đẩy mình vào chốn lao tù.
Theo Hội đồng xét xử TAND tỉnh, ở độ tuổi xuân xanh đẹp nhất của đời người, đáng ra một số bị cáo phải học hành, phải rèn luyện bản thân để xây dựng tương lai tốt đẹp, sống có ích thì các bị cáo lại tụ tập đánh nhau, hơn thua nhau bằng bạo lực. Cuối cùng cả đôi bên đều mất mát. Đây là bài học đắt giá trên đường đời dành cho các bị cáo. Đừng vì thói hung hăng, ngông cuồng của tuổi trẻ mà đẩy bản thân đến vòng tù tội, đẩy gia đình vào những bất hạnh. |
Theo lời khai của bị cáo cũng như hồ sơ vụ án xác định, chị N.T.T.N. (34 tuổi) cùng cha dượng là bị cáo Kiệt bán quán nước giải khát tại khu vực chợ chiều thuộc ấp 2, xã Tam An. Quá trình bán nước giải khát, chị N. có mâu thuẫn với bà N.T.T.M. (58 tuổi, ngụ xã Tam An) trong việc tranh giành vị trí đặt bàn. Vào ngày 24-3-2021, cha con Kiệt dọn hàng ra bán thì xảy ra mâu thuẫn với bà M. cùng con trai là anh M.V.T. (33 tuổi), dẫn đến xô xát. Trong lúc 2 bên xô xát, bị cáo Kiệt đã dùng dao đâm anh T. gây thương tích 28%.
Tương tự, chỉ vì nóng giận tức thời mà không ít thanh thiếu niên vướng vào vòng lao lý. Lúc đánh nhau, các bị cáo: Mai Chấn Thiên (19 tuổi, ngụ xã Phú Xuân, H.Tân Phú); Phạm Đoàn Việt Quang (21 tuổi, ngụ xã Thanh Sơn, H.Tân Phú); Trần Gia Huy (21 tuổi, ngụ xã Thanh Sơn) hùng hổ như muốn “ăn tươi, nuốt sống” đối phương. Thế nhưng, khi đứng trước tòa với bản án nghiêm khắc về tội giết người, các bị cáo lại sợ hãi.
Hai tay đan vào nhau, khuôn mặt non nớt với đôi mắt cúi cụp xuống tỏ vẻ sợ hãi. Mỗi khi Hội đồng xét xử hỏi thì các bị cáo trả lời lí nhí câu rõ, câu không. Các bị cáo khai nhận, vào ngày 20-1-2023, Huy, Quang và Thiên rủ nhau đi chơi. Khi đến TT.Tân Phú thì gặp nhóm thanh niên lạ mặt điều khiển xe máy rú ga, nẹt pô, lạng lách, đánh võng thách thức. Tức giận, cả 3 bị cáo về nhà lấy dao tự chế đi tìm nhóm thanh niên lạ mặt trên để đánh. Một lúc sau, Thiên, Huy, Quang nhìn thấy anh Phan Trung Hiếu (19 tuổi, ngụ TT.Tân Phú) cùng 3 người khác chạy xe máy ngang qua, bấm còi, la hú nên chặn đầu xe nhóm anh Hiếu lại yêu cầu nói chuyện. Lúc này, giữa hai bên phát sinh mâu thuẫn, xảy ra xô xát, làm anh Hiếu bị thương tích 18%.
* Hối hận muộn màng
Ngồi lặng lẽ nơi bục khai trong giờ nghị án, bị cáo Kiệt ủ rũ kể, bản thân quê ở tỉnh Cà Mau, vì gia đình quá nghèo nên Kiệt đã cùng với vợ và con riêng của vợ rời quê mưu sinh. Lúc ở TP.HCM, khi thì về Đồng Nai, nơi nào kiếm ra tiền là cả nhà dắt díu nhau đến.
Bị cáo vốn làm công nhân của một công ty tại H.Long Thành với nguồn thu nhập không cao. Vợ bị cáo phải ở nhà làm nội trợ và chăm sóc một người con bị bệnh bại não. Để có đủ tiền trang trải cuộc sống, hàng ngày tranh thủ thời gian rảnh, bị cáo thường phụ con riêng của vợ là chị N. dọn hàng quán ra bán. Ngờ đâu, trong lúc nóng giận nhất thời, bị cáo đã sa vào con đường tội lỗi với mức án nặng.
Bị cáo Phạm Tuấn Kiệt tại phiên tòa xét xử |
“Người ta nói một ngày ở tù bằng ngàn thu ở ngoài là đúng. Những ngày tháng vừa qua, mất đi tự do tôi mới thấy cuộc sống như không còn gì cả. Chỉ vì một phút nóng giận, tôi phải đổi lấy 10 năm mất tự do. Giờ tôi thật sự hối hận thì quá muộn rồi” - bị cáo Kiệt ngậm ngùi chia sẻ.
Đứng trước bục khai, bị cáo Thiên cho biết, chỉ vì một phút nông nổi, bốc đồng, sai lầm của tuổi trẻ đã đánh mất cơ hội sống tự do. Hành vi của bị cáo không chỉ khiến bản thân phải gánh chịu hậu quả, mà còn kéo theo nỗi đau cho cha mẹ và người thân.
“Bị cáo biết lỗi của mình rồi, bị cáo cũng phải trả giá cho sự sai trái của bản thân. Nếu có cơ hội khác thì bị cáo sẽ sống tốt hơn, lương thiện hơn và có ích hơn bây giờ” - giọng bị cáo Thiên nghẹn lại vì hối hận.
Nhìn con dại đứng trước bục khai vì hành vi giết người, cha mẹ các bị cáo rơi nước mắt thương con. Ai nấy đều tự trách bản thân mãi lo kiếm sống mà quên mất việc phải giáo dục con nên người. Khi sự việc xảy ra, cha mẹ của các bị cáo dù có hối hận cũng đã muộn. Họ cho rằng, mỗi ngày con đều đi chơi nhưng không rõ tụ tập cùng ai. Cho đến khi thấy con phải tra tay vào còng khi tuổi đời quá trẻ thì mới xót xa, hối hận vì đã không dành thời gian quan tâm, dạy dỗ con tử tế hơn.
Tố Tâm
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin