(ĐN)- Ngày 29-12, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh do Phó bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Quản Minh Cường làm trưởng đoàn đã tiến hành giám sát tại TAND H.Long Thành đối với việc thực hiện chính sách pháp luật về công tác xét xử của TAND hai cấp trên địa bàn Đồng Nai từ năm 2020-2022.
Tham gia cùng đoàn có Ủy viên thường trực, Ủy ban Tư pháp Quốc hội Nguyễn Công Long; Phó trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bùi Xuân Thống; Phó chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Lưu Thị Hà.
Phó bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Quản Minh Cường phát biểu tại buổi giám sát |
Theo báo cáo của TAND H.Long Thành, từ năm 2020 đến nay khối lượng công việc của tòa án tăng theo từng năm. Do đó, TAND H.Long Thành đã luôn chú trọng thực hiện các giải pháp nhằm không ngừng nâng cao chất lượng xét xử; đề ra nhiều giải pháp nhằm thực hiện tốt các nhiệm vụ công tác được giao; luôn có nhiều cố gắng trong việc đảm bảo chỉ tiêu giải quyết án. Đối với án hình sự không để kết án oan sai hoặc bỏ lọt người phạm tội; các tranh chấp dân sự không để xảy ra vụ án kéo dài quá hạn luật định do lỗi chủ quan của thẩm phán…
Từ năm 2020-2022, TAND H.Long Thành đã giải quyết hơn 4,6 ngàn vụ/hơn 5 ngàn vụ, việc thụ lý; còn tồn 280 vụ, việc. Trong đó, án hình sự đã giải quyết án đạt tỷ lệ gần 99,5%; án dân sự đã giải quyết đạt tỷ lệ 93,3%.
Lãnh đạo TAND H.Long Thành báo cáo và giải trình một số nội dung tại buổi giám sát |
Kết luận tại buổi giám sát, Phó bí thư Tỉnh ủy Quản Minh Cường yêu cầu ngành tòa án nói chung và TAND H.Long Thành nói riêng phải xét xử kịp thời, công khai, dân chủ, minh bạch các vụ án; không ngừng nâng cao chất lượng xét xử các loại án.
Các cơ quan tư pháp, tố tụng, trong đó có ngành tòa án phải thay đổi kịp thời với sự phát triển của xã hội, đổi mới từ nội dung và hình thức, cách thức tổ chức, hình thức xét xử…; tăng cường giáo dục chính trị tư tưởng, đạo đức lối sống, đạo đức công vụ và đòi hỏi phải nâng kiến thức nghiệp vụ cao hơn, nhanh hơn, nhạy bén hơn cho đội ngũ cán bộ, công chức ngành tòa án…
Trưởng đoàn giám sát cũng đề nghị, thẩm phán phải có năng lực tốt và có tư cách đạo đức để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao; hạn chế đến mức thấp nhất án hủy, sửa. Đặc biệt, quá trình xét xử phải xuất phát từ lợi ích hợp pháp của người dân.
Tố Tâm
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin