Báo Đồng Nai điện tử
En

Hệ lụy từ ma túy đá

Tố Tâm
08:21, 15/12/2023

Theo cơ quan chức năng, người sử dụng ma túy đá đang ngày càng tăng và gây ra rất nhiều hệ lụy cho xã hội.

Công an tỉnh tăng cường công tác tuyên truyền pháp luật về ma túy cho người dân trên địa bàn xã Thạnh Phú (H.Vĩnh Cửu). Ảnh: T.Tâm
Công an tỉnh tăng cường công tác tuyên truyền pháp luật về ma túy cho người dân trên địa bàn xã Thạnh Phú (H.Vĩnh Cửu). Ảnh: T.Tâm

Ma túy đá tác động trực tiếp đến bộ não của người sử dụng, gây tổn thương nghiêm trọng không thể phục hồi. Tuy nhiên, hiện chưa có thuốc điều trị nghiện ma túy đá và cũng không có tiêu chuẩn nhất định về thời gian điều trị dứt điểm loạn thần do ma túy đá gây nên.

* Dùng một lần, hại một đời

Trên thực tế, có rất nhiều vụ án mạng xảy ra do người sử dụng ma túy đá quá liều gây ra. Trong cơn ảo giác, loạn thần, người nghiện có thể tự tử, nhảy lầu, phóng hỏa đốt nhà, thậm chí giết người..., gây ảnh hưởng rất lớn đến trật tự xã hội.

Gần nhất, vào chiều 8-12, một người đàn ông trong cơn ngáo đá đã đốt căn nhà tại hẻm 259, đường Sư Vạn Hạnh (P.9, Q.10, TP.HCM). Vụ cháy không làm thiệt hại về người, nhưng đã khiến nhiều tài sản bị hư hỏng và những người dân xung quanh khiếp vía.

Cũng có một số vụ án mạng xảy ra do người nghiện ma túy trong cơn loạn thần thực hiện, trực tiếp tước đoạt sinh mạng của các nạn nhân. Cụ thể, vào ngày 7-12, Công an TX.Sa Pa (tỉnh Lào Cai) đã bắt giữ đối tượng Lò Văn Ngân (35 tuổi, ngụ H.Tam Đường, tỉnh Lai Châu) để điều tra về hành vi giết người. Đối tượng Ngân trong lúc có biểu hiện ngáo đá đã đi bộ ra xã Sơn Đình (H.Tam Đường) vẫy tay xin đi nhờ xe của bà Cư Thị Dế (64 tuổi, ngụ TX.Sa Pa). Trong lúc được cho đi nhờ xe, Ngân cầm cục đá đập nhiều cái vào đầu bà Dế, khiến nạn nhân tử vong.

Trước đó, vào tháng 1-2023, Công an H.Tân Phú đã khởi tố bị can, bắt tạm giam đối tượng Phạm Vũ Hữu Tài (31 tuổi, ngụ xã Trà Cổ, H.Tân Phú) để điều tra về hành vi chống người thi hành công vụ. Theo thông tin ban đầu, vào thời gian trên, Tài đã mang theo cây kéo đến Khu du lịch Suối Mơ (xã Trà Cổ) chơi. Thấy đối tượng cầm hung khí nguy hiểm và có biểu hiện ngáo đá, gây mất trật tự nên nhân viên của Khu du lịch Suối Mơ đã trình báo với Công an xã Trà Cổ. Khi công an viên xã Trà Cổ Lê Cư đến hiện trường xác minh vụ việc thì Tài xông đến chửi bới, cầm kéo đâm liên tiếp về phía anh Cư, khiến anh Cư bị thương.

Không gây ra nguy hiểm cho người khác nhưng nhiều người đã đánh mất cuộc đời vì ma túy đá. Mỗi ngày, dù anh T.T.M. (27 tuổi, ngụ H.Trảng Bom, học viên tại Cơ sở điều trị nghiện ma túy tỉnh, xã Suối Cao, H.Xuân Lộc) cố gắng rất nhiều để thoát khỏi ma túy, thế nhưng sau 3 lần đi cai nghiện, đến nay anh vẫn tiếp tục tái nghiện.

Theo anh M. kể lại, từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường, anh đã bị bạn bè lôi kéo sử dụng ma túy đá với lời mời sử dụng ma túy “bao phê”, “không nghiện”. Anh cho biết, sử dụng ma túy một lần thì không nghiện ngay, nhưng luôn có cảm giác thích và muốn sử dụng lại. Cứ thế, anh liên tiếp tìm đến ma túy trong các cuộc nhậu để tạo thêm hưng phấn và sớm trở thành người nghiện ma túy. Cho đến khi anh nhận ra bản thân đã vướng vào ma túy không lối thoát thì đã muộn.

* Đừng biến bản thân thành “nô lệ” của ma túy đá

Theo Trưởng phòng Phòng chống tệ nạn xã hội (Sở LĐ-TBXH) Đặng Xuân Hòa, hiện số người nghiện ma túy đang quản lý trên địa bàn tỉnh là gần 3,4 ngàn, trong đó có gần 1,7 ngàn người nghiện ma túy đang ở ngoài cộng đồng. Tình hình người sử dụng trái phép chất ma túy (tái nghiện, nghiện mới...) tiếp tục có chiều hướng tăng.

Một vấn đề trong thực tiễn đặt ra là việc phòng ngừa đối tượng sử dụng ma túy đá gây ra các vụ án mạng rất khó khăn, bởi đối tượng sử dụng ma túy rất đa dạng. Thông thường, các đối tượng sau khi sử dụng ma túy sẽ có ảo giác, loạn thần dẫn đến hành vi giết người, thậm chí giết cả người thân như: cha mẹ, anh chị em ruột, con cái trong gia đình. Đa số các đối tượng sử dụng ma túy đá thường không rõ ràng về hội chứng cai, rất khó phát hiện sớm để có biện pháp quản lý ngay từ khi đối tượng mới sử dụng. Thậm chí, trong giới trẻ còn một bộ phận nhận thức sử dụng ma túy đá sẽ không gây nghiện.

Theo bác sĩ Chu Văn Phương (Cơ sở điều trị nghiện ma túy tỉnh), hiện nay đối tượng sử dụng các loại ma túy tổng hợp nói chung và ma túy đá nói riêng chiếm tỷ lệ rất cao (hơn 80% người nghiện). Người sau khi sử dụng ma túy đá thường có cảm giác phấn khích, sảng khoái nhưng nó sẽ biến mất sau đó khiến cho hoạt động bình thường của cơ thể bị giảm sút, rơi vào trạng thái mệt mỏi, suy nhược. Tùy vào mức độ, liều lượng sử dụng mà người nghiện ma túy đá thường có đặc điểm chung là diễn biến tâm lý phức tạp như: trầm cảm, lo âu, cáu gắt, trí nhớ kém, mê sảng, tự hủy hoại bản thân. Đặc biệt, khi sử dụng quá liều, người nghiện thường hung hăng, to tiếng, gây sự đánh nhau hoặc gây ra những hành vi nguy hiểm khác như: giết người, đốt nhà, lao vào đầu xe, nhảy lầu...

Dù rất nguy hiểm nhưng việc sử dụng ma túy đá hiện chưa có thuốc điều trị đặc hiệu. Trong trường hợp sử dụng ma túy đá trên 6 tháng sẽ có khả năng gây loạn thần, tổn thương trực tiếp vào não không thể phục hồi.

Do đó, để đẩy lùi ma túy đá, đòi hỏi sự vào cuộc tích cực từ gia đình, nhà trường và xã hội. Ngoài sự tích cực vào cuộc của lực lượng công an trong việc ngăn chặn nguồn cung cấp ma túy thì rất cần sự chung tay của gia đình, nhà trường và xã hội. Các bậc cha mẹ cần phải quan tâm nhiều hơn đến con để sớm phát hiện và ngăn chặn kịp thời khi trẻ vừa có biểu hiện sử dụng ma túy. Nhà trường cần tăng cường phối hợp tuyên truyền để học sinh sớm nhận biết tác hại của các loại ma túy, nhất là ma túy đá, từ đó nâng cao nhận thức và tránh xa ma túy.

Tố Tâm

 

Tin xem nhiều