Hiện nay, TP.Biên Hòa đang có một số công trình thi công trên các tuyến giao thông (cả đường thủy lẫn đường bộ). Do đó, ngoài việc đảm bảo tiến độ thi công thì vấn đề an toàn giao thông qua khu vực thi công đang được cơ quan chức năng quan tâm.
Các loại máy móc được đặt trên sà lan để thi công cầu Thống Nhất bắc qua sông Cái (TP.Biên Hòa). Ảnh: Đ.TÙNG |
Những vướng mắc hiện hữu
Vài tuần trở lại đây, khi đường Đồng Khởi (đoạn qua P.Tân Phong và P.Trảng Dài) đang được thi công dự án chống ngập thì việc đi lại của người dân liên tục gặp khó khăn. Bên cạnh việc ùn tắc là điều tồn tại từ lâu thì một số vị trí rào chắn, biển cảnh báo của công trình chưa đầy đủ, mặt đường ngổn ngang khiến người đi đường vào ban đêm dễ té ngã.
Thậm chí, bụi từ công trường cuốn vào các nhà dân ven đường khiến việc sinh hoạt, buôn bán của các hộ dân bị ảnh hưởng. Một số hộ dân phải thường xuyên đóng cửa và tưới nước liên tục ngoài sân, hiên nhà để tránh bụi.
Thủ tướng Chính phủ vừa có công điện về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông dịp Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán Giáp Thìn và Lễ hội Xuân 2024. Trong đó, Bộ GT-VT được yêu cầu chỉ đạo sở GT-VT các tỉnh, thành khẩn trương hoàn thành nâng cấp, sửa chữa, bảo trì các tuyến giao thông trọng điểm, trong đô thị. Đồng thời có phương án tổ chức, điều tiết, phân luồng, không để phát sinh ùn tắc kéo dài khi có sự cố, tai nạn giao thông.
Ông Nguyễn Thành Sơn (ngụ P.Tân Phong) phàn nàn: “Biết rằng việc thi công là phải có bụi bặm, có những ảnh hưởng nhất định đến việc tham gia giao thông. Tuy nhiên, đơn vị thi công phải có giải pháp chống bụi và rào chắn kỹ. Vì đã có nhiều xe lớn khi chạy làm đá trên đường văng lên người đi xe máy rất nguy hiểm”.
Cùng với đó, hiện nay, TP.Biên Hòa đã bàn giao cho Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông tỉnh và đơn vị thi công mặt bằng sông Cái với phạm vi 400m trên sông Cái để thi công cầu Thống Nhất. Để đảm bảo an toàn cho thi công, các hộ dân nuôi cá bè đã di dời đến các khu vực neo đậu tạm (2 đầu cù lao Cỏ thuộc P.Thống Nhất). Đồng thời UBND tỉnh đã có quyết định đóng đoạn luồng đường thủy nội địa sông Cái qua khu vực thi công.
Tuy nhiên, thực tế sông Cái qua khu vực trên vẫn còn các loại phương tiện nhỏ qua lại. Đây là những xuồng máy của người đi câu cá hoặc của chính các hộ làng bè đi mua sắm nhu yếu phẩm, chở thức ăn cho cá... Do đó, đang hiện hữu nguy cơ mất an toàn do va chạm với các sà lan thi công, các trụ thép tại công trình.
Ông T.V.Đ. (người dân sống trên làng bè sông Cái) cho hay, một số vị trí cọc đóng gần khu vực thi công chưa được bố trí đèn tín hiệu đầy đủ. Nhiều lúc ban đêm trời tối, người dân di chuyển trên sông sẽ không kịp thấy các trụ công trình, nên khi phát hiện ra thì không đủ khoảng cách an toàn để né, dễ va chạm.
Duy trì tiến độ nhưng phải an toàn
Theo quy định, để đảm bảo an toàn khi thi công trên tuyến giao thông, đơn vị thi công phải có biện pháp phân luồng, hướng dẫn phương tiện. Đồng thời bố trí các biển báo, đèn tín hiệu quanh khu vực thi công. Tuy nhiên, trong quá trình thi công, do tập trung tiến độ nên việc đảm bảo an toàn đã không được đảm bảo một cách chỉn chu.
Lực lượng thanh tra giao thông (Sở GT-VT) tuyên truyền quy định an toàn với người dân làng bè gần khu vực thi công cầu Thống Nhất bắc qua sông Cái (TP.Biên Hòa) |
Riêng tình trạng thiếu an toàn khi thi công trên đường Đồng Khởi đã được các cơ quan báo chí và người dân phản ảnh. Cuối tháng 11-2023, Thanh tra giao thông (Sở GT-VT) đã kiểm tra thực tế và lập biên bản vi phạm hành chính với đơn vị thi công là Công ty TNHH Tư vấn kỹ thuật xây dựng Đồng Nai (trụ sở TP.Biên Hòa). Vài ngày sau, đơn vị này đã bị Thanh tra giao thông xử phạt số tiền 12 triệu đồng về hành vi thi công trên đường bộ đang khai thác có bố trí biển báo hiệu, cọc tiêu di động rào chắn nhưng không đầy đủ theo quy định.
Phó giám đốc Ban Quản lý dự án TP.Biên Hòa Văn Quang Mỹ cho biết, Ban Quản lý dự án TP.Biên Hòa đã có văn bản đề nghị nhà thầu chú ý bố trí thời gian thi công phù hợp như: đào đất, lắp đặt cống thi công vào ban đêm; bố trí nhân sự điều phối giao thông trong suốt quá trình thi công đặc biệt vào các khung giờ cao điểm để đảm bảo an toàn giao thông. Đặc biệt phải bố trí nhân sự tưới nước đảm bảo vệ sinh môi trường; thu dọn các vật liệu, thanh thải trên công trường đúng nơi quy định; rào chắn, che đậy các hố ga đang thi công đảm bảo an toàn giao thông.
Ngoài ra, Ban An toàn giao thông tỉnh đề nghị Công an TP.Biên Hòa chỉ đạo lực lượng cảnh sát giao thông, công an địa phương phối hợp cùng lực lượng dân quân tự vệ các địa phương có liên quan hỗ trợ, hướng dẫn, điều tiết giao thông. Qua đó nhằm giảm thiểu tình trạng ùn tắc giao thông, mất an toàn giao thông tại các khu vực công trình thi công trên tuyến giao thông.
Phó đội trưởng Đội Thanh tra giao thông số 2 (Thanh tra giao thông, Sở GT-VT, phụ trách đường thủy) Trần Quang Châu cho hay, đơn vị sẽ thường xuyên kiểm tra các công trình thi công trên tuyến đường thủy nội địa. Tập trung nhắc nhở, chấn chỉnh đơn vị thi công khi phát hiện các yếu tố mất an toàn giao thông, ảnh hưởng hành lang an toàn giao thông. Ngoài ra, lực lượng thanh tra giao thông sẽ phối hợp kiểm tra khi có phản ảnh về các nguy cơ mất an toàn cho phương tiện giao thông khi di chuyển qua khu vực đang thi công.
Đăng Tùng
Ông Vỹ Sĩ Kỳ Tùng, Chỉ huy trưởng công trình thi công cầu Thống Nhất (TP.Biên Hòa):
Thường xuyên kiểm tra, bố trí biển và đèn cảnh báo
Thi công trên đường thủy có đặc thù là phải thi công theo con nước, trong quá trình thi công, các phương tiện thủy nhỏ vẫn qua lại liên tục mà không theo các làn như trên đường bộ. Trong quá trình thi công trên sông, chúng tôi làm đến đâu thì sẽ bố trí biển cảnh báo, đèn tín hiệu nhấp nháy đến đó. Nhờ vậy, khi lưu thông qua đây, người lái các phương tiện thủy nhỏ có thể quan sát, hạn chế nguy cơ va chạm với công trường.
Anh Đặng Sơn Tùng (ngụ P.Trảng Dài, TP.Biên Hòa):
Lo ngại ùn tắc gia tăng dịp cuối năm
Hiện nay, các vị trí giao lộ lớn như: ngã ba Trảng Dài và ngã tư Vincom đang thi công ráo riết, do đó, tôi rất lo ngại sẽ dẫn tới ùn tắc giao thông vào các dịp lễ hội cuối năm 2023 và đầu năm 2024. Vì vốn dĩ các giao lộ trên đã đông đúc vào các dịp lễ, Tết hàng năm nhưng năm nay còn có thêm yếu tố là công trường thi công.
Vì vậy, tôi đề nghị đơn vị thi công nên đẩy nhanh tiến độ, thậm chí thi công vào ban đêm sau khi có sự thống nhất với các hộ dân lân cận. Việc này có thể tăng thời gian thi công, hạn chế thi công trong giờ cao điểm trong ngày nhưng vẫn đảm bảo tiến độ, thời gian bàn giao mặt bằng.
Minh Thành (ghi)
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin