Thông qua các nền tảng mạng xã hội (Zalo, Facebook, Telegram...), các đối tượng lừa đảo dễ dàng tiếp cận và lừa đảo nhiều người. Với các thủ đoạn lừa đảo tinh vi, liên tục thay đổi, kẻ gian đã khiến nhiều người bị “sập bẫy”.
Poster cảnh báo các thủ đoạn lừa đảo trực tuyến được Công an tỉnh tuyên truyền đến người dân |
* Đủ mọi chiêu lừa trên không gian mạng
Thời gian gần đây, khi các giao dịch thông qua việc sử dụng công nghệ ngày càng thuận tiện, phổ biến như: mua bán, trao đổi hàng hóa, chuyển khoản ngân hàng... thì kẻ gian đã nghĩ ra nhiều chiêu thức mới, tinh vi để lừa đảo. Một trong những chiêu thức đó là sử dụng biên lai chuyển khoản giả để lừa đảo. Các biên lai chuyển khoản giả với giao diện đầy đủ thông tin và phông chữ như thật, rất khó phân biệt.
Vào giữa tháng 4-2023, bà T.H. (chủ một quán ăn ở TT.Trảng Bom, H.Trảng Bom) trình báo cơ quan công an về việc bị một đối tượng lừa đảo hàng trăm triệu đồng bằng cách dùng biên lai chuyển khoản giả để lừa đặt mua hàng.
Cụ thể, bà H. nhận được cuộc gọi từ một đối tượng tự xưng tên Vũ ngỏ ý đặt tiệc và 40 thùng rượu vang Pháp. Vì khách đặt số lượng lớn nên bà H. yêu cầu người này chuyển tiền trước. Chỉ sau khoảng 10 phút, đối tượng này đã gửi 1 bản giao dịch thể hiện đã chuyển thành công số tiền hơn 420 triệu đồng vào tài khoản mà bà H. đã gửi. Tin tưởng đối tượng đã chuyển khoản tiền cho mình, bà H. liên hệ đặt mua 40 thùng rượu vang từ thông tin mà người tên Vũ giới thiệu và chuyển khoản 300 triệu đồng để thanh toán tiền rượu. Tuy nhiên, khi thấy đối tượng này tiếp tục đặt mua rượu với số lượng lớn hơn, bà H. sinh nghi bèn kiểm tra lại thì mới biết bản giao dịch chuyển hơn 420 triệu đồng mà đối tượng gửi cho bà trước đó là giả.
Theo Công an TP.Biên Hòa, hiện có rất nhiều nhóm Zalo, Telegram lập ra với mục đích dụ dỗ những người nhẹ dạ rơi vào cạm bẫy lừa đảo như: chơi chứng khoản, tham gia làm cộng tác viên... Người dân tuyệt đối không tham gia và làm theo. |
Không chỉ có thủ đoạn nói trên, thời gian qua, các đối tượng lừa đảo còn sử dụng chiêu thức yêu cầu người dân mua hàng tích điểm để nhận thưởng.
Mới đây, một người dân ở TP.HCM được đối tượng sử dụng sim khuyến mãi gọi điện thông báo đã trúng thưởng hàng trăm triệu đồng rồi dụ người này mua hàng để lừa đảo. Liên quan đến vụ việc này, ngày 22-11, Công an TP.HCM đã bắt giữ T.T.D.C. (31 tuổi) và H.T.M.L. (37 tuổi), đều ngụ TP.HCM, là những đối tượng tham gia vụ lừa đảo nói trên, để phục vụ công tác điều tra.
Ngoài ra, các đối tượng lừa đảo còn sử dụng các chiêu thức cho vay tiền online; giả danh nhân viên ngân hàng lừa đảo bằng hình thức chào mời mở thẻ tín dụng online, nâng hạn mức thẻ tín dụng, mời rút tiền từ thẻ tín dụng, hỗ trợ đóng phí bảo hiểm thẻ tín dụng hoặc hoàn phí tham gia bảo hiểm để lừa đảo...
* Nâng cao cảnh giác
Trước những chiêu thức lừa đảo ngày càng tinh vi, mới đây Cục An toàn thông tin (Bộ TT-TT) đã đưa ra các khuyến cáo đối với người dân. Theo đó, người dân cần nâng cao cảnh giác trước các đối tượng đề nghị mua hàng số lượng lớn; khi sử dụng giao dịch qua tài khoản ngân hàng cần lưu ý kỹ hóa đơn chuyển khoản, không giao hàng cho bất kỳ ai nếu chưa nhận được tiền trong tài khoản ngân hàng, kể cả khi đối tượng đã cung cấp hình ảnh chuyển khoản thành công. Đặc biệt lưu ý, tuyệt đối không cung cấp tên đăng nhập, mật khẩu ứng dụng, mã xác thực OTP, email hoặc thông tin cá nhân, tài khoản ngân hàng… cho bất kỳ ai, kể cả khi đối tượng tự xưng là nhân viên ngân hàng, cơ quan nhà nước...
Trong thông báo gửi đến người dân và các cơ quan chức năng mới đây, Công an TP.Biên Hòa thông tin, thời gian qua, trên địa bàn thành phố đã xảy ra nhiều vụ lợi dụng không gian mạng để lừa đảo. Chiêu thức của các đối tượng rất tinh vi, phức tạp, gây không ít khó khăn cho công tác điều tra.
Tại các buổi tuyên truyền pháp luật cho người dân, học sinh, công nhân... trên địa bàn thành phố, đại úy Phan Hoàng Sử, cán bộ Đội Cảnh sát hình sự Công an TP.Biên Hòa cho biết, trên cơ sở những cảnh báo về các thủ đoạn của các đối tượng tội phạm, lực lượng công an đưa ra những biện pháp phòng ngừa loại tội phạm này.
Theo đại úy Phan Hoàng Sử, người dân không tham gia, thực hiện bất kỳ yêu cầu nào của các đối tượng trên các trang mạng xã hội như: yêu cầu làm cộng tác viên, tuyển mẫu ảnh, làm việc nhẹ lương cao; không thực hiện việc chuyển tiền làm nhiệm vụ để hưởng hoa hồng... Đặc biệt, người dân luôn phải cảnh giác trước chiêu thức tặng quà, gửi quà từ những người lạ. Không nạp tiền để nhận thưởng, nhận quà, bưu phẩm từ người lạ. Nếu có bất kỳ vấn đề nào liên quan đến tài khoản ngân hàng thì trực tiếp đến gặp nhân viên ngân hàng để giải quyết; tuyệt đối không làm theo hướng dẫn thông qua điện thoại hoặc tin nhắn.
Cũng theo đại úy Phan Hoàng Sử, đối với những chiêu thức lừa đảo giả danh cán bộ các cơ quan nhà nước, người dân cần hiểu rằng, các cơ quan như: công an, viện kiểm sát, tòa án... không làm việc qua điện thoại, không yêu cầu người dân nạp tiền vào tài khoản để xác minh. Các cơ quan này nếu có vấn đề liên quan muốn làm việc thì hẹn đến trực tiếp tại công an phường, xã nơi cư trú để giải quyết.
Trần Danh
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin