Thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng hay shisha là những sản phẩm chưa được phép nhập khẩu, kinh doanh và lưu hành tại thị trường Việt Nam.
Nhiều sản phẩm thuốc lá điện tử được phát hiện tại các trường học trên địa bàn TP.Biên Hòa. Ảnh: Sở GD-ĐT |
Tuy nhiên, việc mua bán, quảng cáo và sử dụng các sản phẩm này đang diễn ra phổ biến, đặc biệt trên môi trường mạng và trong giới trẻ.
Hiểm họa từ thuốc lá điện tử
Theo điều tra của Tổ chức Y tế thế giới, năm 2019, tỷ lệ sử dụng thuốc lá điện tử trong học sinh từ 15-17 tuổi tại Việt Nam là 2,6%. Năm 2022, tỷ lệ sử dụng thuốc lá điện tử trong học sinh độ tuổi từ 13-15 là 3,5%. Qua đó cho thấy độ tuổi hút thuốc lá điện tử tại Việt Nam ngày càng trẻ hóa và có dấu hiệu gia tăng.
Mới đây, Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Sản nhi Nghệ An đã tiếp nhận cấp cứu, điều trị cho một học sinh nam bị ngộ độc và phơi nhiễm hóa chất có hại nicotine có trong thuốc lá điện tử. Bệnh nhân nhập viện trong tình trạng nôn mửa, đau đầu, mất ý thức, choáng váng. Trước đó, nhiều bệnh viện khác trong cả nước cũng đã tiếp nhận và điều trị cho nhiều thanh, thiếu niên bị ngộ độc do hút thuốc lá điện tử.
Theo thống kê của Tổ chức Y tế thế giới, hiện có khoảng 42 quốc gia và vùng lãnh thổ đã áp dụng chính sách cấm hoàn toàn các sản phẩm thuốc lá điện tử. Riêng khu vực ASEAN có 5 nước là: Thái Lan, Singapore, Lào, Brunei và Campuchia.
TS-BS Võ Tuấn Anh, Trưởng khoa Ngoại lồng ngực - tim mạch, Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai cho biết, nhiều người lầm tưởng rằng thuốc lá điện tử ít độc hại hơn thuốc lá điếu. Điều này không chính xác vì trong thuốc lá điện tử có chứa chất nicotine, là chất gây nghiện cao, là nguyên nhân gây các bệnh tim mạch, hô hấp, tiêu hóa và ung thư (ung thư phổi, ung thư đường miệng, ung thư bàng quang), nếu sử dụng quá liều sẽ gây ngộ độc.
Cụ thể, nicotine trong thuốc lá điện tử gây hại cho sự phát triển não bộ ở trẻ em vì não bộ của trẻ đang trong giai đoạn phát triển. Ở lứa tuổi này, các em thường có tâm lý thích tò mò nên càng dễ bị dụ dỗ, lôi kéo. Nếu hút thuốc lá điện tử trong thời gian dài sẽ gây rối loạn nhận thức, rối loạn cảm xúc, tâm thần, nặng nề nhất là suy giảm khả năng tư duy, sáng tạo trong học tập.
Bên cạnh đó, thuốc lá điện tử sử dụng nhiều loại hương liệu, hóa chất, có thể bị lợi dụng để sử dụng ma túy thông qua việc phối trộn. Điều này rất nguy hiểm và trên thực tế, cơ quan công an tại một số địa phương trong cả nước đã phát hiện và xử lý nhiều trường hợp trộn ma túy tổng hợp vào thuốc lá điện tử.
Ngoài ra, trong quá trình sử dụng thuốc lá điện tử, các thiết bị điện tử có thể bị hỏng, lỗi, gây cháy nổ, gây thương tích vùng mặt, cổ, mắt, mũi, xương hàm cho người sử dụng.
Người không hút thuốc lá điện tử nhưng hít phải khói, khí tỏa ra từ thuốc lá điện tử cũng bị ảnh hưởng đến sức khỏe. Phơi nhiễm nicotine tác động bất lợi cho sức khỏe bà mẹ và bào thai trong thời kỳ thai nghén, gây ra đẻ non, thai chết lưu, tăng nguy cơ mắc các bệnh lý tim mạch, gây hậu quả nghiêm trọng kéo dài đối với sự phát triển não bộ bào thai, trẻ em và vị thành niên.
Ngăn ngừa mua bán thuốc lá điện tử
Phó giám đốc Công an tỉnh Trần Anh Sơn cho hay, hiện nay tình trạng sử dụng các chất kích thích, trong đó có thuốc lá điện tử trên địa bàn tỉnh diễn biến phức tạp, tập trung vào giới trẻ, đối tượng thanh, thiếu niên. Tình hình mua bán thuốc lá điện tử được giới thiệu bán công khai tại khu vực sinh hoạt, nơi ở, các cửa hàng trên địa bàn tỉnh, đặc biệt là các cửa hàng gần trường học và thông qua các trang mạng xã hội, website thương mại điện tử.
Đối với thuốc lá điện tử, hiện nay, pháp luật chưa có quy định, định nghĩa về thuốc lá điện tử, do đó chưa có cơ chế để kiểm soát. Tuy nhiên trong thuốc lá điện tử chứa chất độc hại nicotine cao gấp nhiều lần so với thuốc lá truyền thống, đặc biệt nhiều đối tượng lợi dụng trộn các chất gây nghiện hoặc ma túy trộn lẫn vào thuốc lá điện tử.
Việc hút thuốc lá điện tử lâu dài dẫn đến loạn thần, hoang tưởng, gây ảo giác, việc sử dụng lượng lớn thuốc lá điện tử gây ra nhiễm độc nặng có thể dẫn đến tử vong, nhiều trường hợp phải nhập viện do hút thuốc lá điện tử ảnh hưởng đến hành vi, lối sống, thể chất, tâm lý của thanh thiếu niên, học sinh, sinh viên, đồng thời gây ra hậu quả trước mắt và lâu dài đối với đời sống kinh tế, xã hội.
Để ngăn ngừa tác hại của thuốc lá điện tử, UBND tỉnh đã ban hành Công văn số 877/UBND-KTNS ngày 3-2-2023 về công tác quản lý thuốc lá điện tử trên địa bàn tỉnh. Sở Công thương đã ban hành Kế hoạch số 1985/KH-SCT ngày 21-4-2023 về giám sát công tác quản lý, kinh doanh thuốc lá thế hệ mới trên địa bàn tỉnh Đồng Nai. Đồng thời thành lập đoàn giám sát công tác quản lý, kinh doanh thuốc lá thế hệ mới trên địa bàn tỉnh.
Trong 6 tháng đầu năm 2023, Sở Công thương đã tổ chức kiểm tra, xử lý 14 vụ vi phạm về kinh doanh thuốc lá điện tử không rõ nguồn gốc, xuất xứ, phạt hành chính với số tiền hơn 95 triệu đồng; thu giữ 2.478 máy hút thuốc lá điện tử, 2.377 tinh dầu thuốc lá điện tử.
Nhằm nâng cao công tác quản lý, phát hiện, kiểm soát tình trạng sử dụng trái phép các chất kích thích gây nghiện, trong đó có thuốc lá điện tử, Công an tỉnh sẽ tiếp tục phối hợp với các sở, ngành tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo tăng cường tuyên truyền về tác hại của thuốc lá điếu thông thường, thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng đến cán bộ, công chức, người lao động, học sinh, sinh viên và người dân trong tỉnh. Qua đó, kịp thời ban hành các quy định để ngăn ngừa việc sử dụng các sản phẩm này tại các cơ quan, công sở, các cơ sở GD-ĐT; tăng cường hoạt động kiểm tra và xử lý nghiêm các trường hợp mua, bán, sử dụng thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng, shisha trên địa bàn tỉnh.
Trước tình trạng học sinh sử dụng thuốc lá điện tử ngày càng tăng, thời gian qua, Sở GD-ĐT cũng đã chỉ đạo các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh tăng cường mối quan hệ giữa nhà trường, gia đình và các cơ quan chức năng; tổ chức các hoạt động tuyên truyền phòng, chống tác hại của thuốc lá điện tử và các chất gây nghiện khác.
Hạnh Dung
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin