Sau mỗi vụ tai nạn giao thông (TNGT) chết người, nỗi đau, sự mất mát đối với những người thân trong gia đình các nạn nhân rất lớn, không có gì bù đắp được. Những cái chết thương tâm không chỉ là nỗi ám ảnh của gia đình các nạn nhân mà cả những người hàng ngày sinh sống ven đường hoặc đi làm trên các cung đường là “điểm đen” về TNGT.
Lãnh đạo Ban An toàn giao thông tỉnh chia buồn với gia đình nạn nhân tử vong do tai nạn giao thông tại H.Long Thành. Ảnh: Đ.Tùng |
* “Khoảng trống” không thể lấp đầy
Hơn 9 tháng sau ngày bé P.Q.C. (8 tuổi, học sinh lớp 3, Trường tiểu học Hà Huy Giáp, P.Trảng Dài, TP.Biên Hòa) qua đời do bị xe đưa rước học sinh đụng phải vào trưa 8-2, ông Phan Viết Sơn, 44 tuổi (cha của bé P.Q.C.) vẫn không thể nguôi ngoai nỗi đau mất con. Mỗi chiều, khi cả nhà quây quần bên mâm cơm trong ngôi nhà nhỏ, ông Sơn vẫn nhói lòng khi thấy chỗ ngồi quen thuộc của cô con gái bé nhỏ trở nên trống vắng.
Ông Sơn tâm sự, vợ chồng ông có 3 người con, bé P.Q.C. là con gái giữa, nếu không có tai nạn xảy ra, lúc này, con gái của ông đã lên lớp 4. Sau ngày con gái mất đột ngột, vợ chồng ông đã phải gắng gượng để động viên nhau vượt qua nỗi đau không thể tả bằng lời; rồi tự bảo ban nhau dành nhiều thời gian hơn để đưa đón, chăm sóc cho 2 người con còn lại.
Với nhiều người, để vượt qua được cú sốc mất đi người thân, mất đi người chia ngọt sẻ bùi hàng ngày không phải điều có thể làm được trong một sớm một chiều. Nhất là khi người “trụ cột” trong nhà ra đi mãi mãi do TNGT khiến bi kịch càng thêm bi kịch với những nỗi lo về “cơm áo, gạo tiền”, gánh nặng mưu sinh cho người ở lại.
Bà Kha Thị Hải (ngụ xã Long Phước, H.Long Thành) vẫn còn lưu giữ giấy khen của con gái B.T.T.T. (15 tuổi, đã qua đời do tai nạn giao thông) |
Điển hình như gia đình bà Huỳnh Thị Kim Phượng, 50 tuổi (ngụ P.Thống Nhất, TP.Biên Hòa), dù đã hơn 1 năm sau khi chồng bà - ông T.H.T. qua đời vì TNGT trên đường Phan Trung (TP.Biên Hòa) nhưng mỗi khi kể lại sự việc, gương mặt bà Phượng vẫn thất thần do nỗi mất mát quá lớn. Bà Phượng kể, hôm đó chồng bà đi đám cưới có uống chút bia, trên đường về ông điều khiển xe máy vượt qua xe ô tô đang chạy cùng chiều. Do không nhìn thấy có xe ô tô đang chạy phía ngược lại nên chẳng may xảy ra va chạm khiến ông T. té xuống đường. Dù được đưa đi cấp cứu ngay nhưng chỉ sau 2 tiếng thì ông đã qua đời do vỡ nội tạng. “Giá như lúc đó chồng tôi cẩn thận hơn thì tai nạn đã không xảy ra” - bà Phượng chia sẻ.
Ông T. mất đi không chỉ khiến con mất cha, vợ mất chồng mà gia đình mất đi trụ cột chính trong nhà. Kinh tế gia đình càng khó khăn hơn khi ông Tài mất không lâu thì công ty nơi bà Phượng đang làm việc do không có đơn hàng nên ngưng sản xuất. Hơn 1 năm nay, bà Phượng mất việc làm và sống nhờ tiền trợ cấp thất nghiệp.
Thống kê từ lực lượng chức năng, TNGT xảy ra do ý thức chủ quan của người tham gia giao thông với các lỗi như: không chú ý quan sát (14%); đi sai làn đường, phần đường (10,9%); không giữ khoảng cách an toàn (3,6%); tránh, vượt sai quy định (3%)… |
Do không xin được việc làm, ai thuê gì bà Phượng cũng làm để trang trải cuộc sống, còn tiền đóng học phí cho 2 con học đại học, bà phải vay mượn họ hàng. Cũng may con trai lớn của bà vừa tốt nghiệp đại học đã kiếm được việc làm. Khó khăn về kinh tế với mẹ con bà Phượng có thể sẽ vượt qua nhưng nỗi đau mất chồng, mất cha do TNGT vẫn luôn day dứt trong tâm người ở lại…
* Ám ảnh ở những “điểm đen” tai nạn
TNGT không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống, kinh tế gia đình những nạn nhân mà còn gây “ám ảnh” với những người sinh sống ven các tuyến đường hay xảy ra TNGT và với những người hàng ngày qua lại các “điểm đen” thường xảy ra TNGT chết người.
Đến giờ, mỗi ngày khi đi làm, đi công việc trên quốc lộ 20, đoạn qua xã Bàu Hàm 2 (H.Thống Nhất), anh Nguyễn Hoàng Minh (ngụ xã Gia Kiệm, H.Thống Nhất) lại không cầm được nước mắt khi nghĩ tới cảnh 2 anh ruột (N.H.Đ., 27 tuổi và N.K.H., 24 tuổi) đã tử vong sau khi bị xe khách Thành Bưởi tông trên đoạn đường này vào tối 23-7.
Nén nỗi đau thương, anh Minh kể lại đêm kinh hoàng với gia đình anh. Tối đó, anh Minh cùng 2 anh ruột đang trên đường từ nhà người quen về nhà. Anh Minh chạy lên phía trước thì bỗng dưng nghe tiếng va chạm rất lớn phía sau. Khi quay nhìn lại anh Minh thất thần khi thấy 2 anh trai bị xe khách tông tử vong tại chỗ.
Bệnh nhân T.T.T.T. (ngụ P.Phước Tân, TP.Biên Hòa) đang được nhân viên Khoa Ngoại Thần kinh Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai chăm sóc. Ảnh: P.Liễu |
“Bây giờ đi trên quốc lộ 20 tôi rất sợ và chạy xe cẩn thận, quan sát kỹ lưỡng. Hiện cha mẹ tôi tuổi đã cao chỉ còn một mình tôi để nương tựa. Tôi phải cố gắng mạnh mẽ để thay 2 anh lo cho cha mẹ khi về già” - anh Minh tâm sự.
Nhiều người dân sống và làm việc gần các giao lộ lớn cũng bị “ám ảnh” khi các vụ TNGT diễn ra liên tục. Ông T.T. (ngụ P.Long Bình, TP.Biên Hòa) cho hay, ông thường chạy xe ôm quanh khu vực cụm nút giao Cổng 11. Từ tháng 10-2022 đến nay, khu vực này xảy ra nhiều vụ TNGT chết người rất thương tâm ở vòng xoay Cổng 11, nút giao quốc lộ 51 - đường Võ Nguyên Giáp, nút giao quốc lộ 51 - đường Bùi Văn Hòa khiến ông rất sợ và quan sát thật kỹ mỗi khi phải đi qua các “điểm đen” trên.
“Lượng xe lớn di chuyển liên tục với mật độ cao nên người đi xe máy dễ lọt vào điểm mù, dẫn tới thương vong khi có va chạm. Rất mong ngành chức năng sớm có giải pháp đảm bảo an toàn giao thông ở cụm nút giao này; đồng thời mong tài xế xe ô tô, nhất là xe tải ben, xe container, xe bồn giảm tốc độ khi qua khu vực này” - ông T.T. kiến nghị.
Đăng Tùng - Kim Liễu
Bài 3: Giảm tai nạn, giảm nỗi đau
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin