Báo Đồng Nai điện tử
En

Để giám định tư pháp hoạt động hiệu quả

An Nhơn
08:25, 05/10/2023

Giám định tư pháp là công cụ quan trọng, phục vụ đắc lực cho hoạt động khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử và công tác thi hành án hình sự, góp phần vào việc giải quyết các vụ án, vụ việc được chính xác, khách quan và đúng pháp luật.

Phó chánh Văn phòng Bộ Tư pháp Nguyễn Thanh Bình phát biểu tại hội nghị tập huấn công tác giám định tư pháp vào ngày 28-9. Ảnh: Thành Nhân

Phó giám đốc Sở Tư pháp Phan Quang Tuấn cho biết, thời gian qua, công tác giám định tư pháp trên địa bàn tỉnh đã đạt được kết quả khả quan, cơ bản đáp ứng yêu cầu giám định của các cơ quan tiến hành tố tụng, góp phần quan trọng vào công tác phòng, chống tội phạm, giúp cho hoạt động điều tra, truy tố, xét xử xác định đúng người, đúng tội trong các vụ án.

* Vai trò quan trọng của giám định viên tư pháp

Hiện nay, hoạt động giám định tư pháp được xác định là nguồn cung cấp chứng cứ quan trọng nhằm phục vụ hoạt động tố tụng. Điều 86 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 quy định rõ, chứng cứ là những gì có thật, được thu thập theo trình tự, thủ tục do Bộ luật Tố tụng hình sự quy định, được dùng làm căn cứ để xác định có hay không có hành vi phạm tội, người thực hiện hành vi phạm tội và những tình tiết khác có ý nghĩa trong việc giải quyết vụ án…

Để kết luận giám định được sử dụng là “chứng cứ” trong việc giải quyết vụ án, vụ việc, đòi hỏi việc thực hiện giám định phải theo đúng trình tự, thủ tục quy định của pháp luật về giám định tư pháp và pháp luật tố tụng. Do đó, cùng với yêu cầu về tiêu chuẩn chuyên môn, nghiệp vụ, người thực hiện giám định tư pháp hiểu biết pháp luật, nắm được kỹ năng pháp lý liên quan là yêu cầu tất yếu, khách quan.

Trên địa bàn Đồng Nai hiện có 148 giám định viên tư pháp đang công tác tại các sở, ngành, tổ chức giám định và 29 người giám định tư pháp theo vụ việc trong lĩnh vực xây dựng, ngân hàng và pháp y tâm thần.

Tại hội nghị tập huấn công tác giám định tư pháp được tổ chức tại Đồng Nai vào ngày 28-9, Phó chánh Văn phòng Bộ Tư pháp Nguyễn Thanh Bình lưu ý, người giám định tư pháp phải có nghĩa vụ tuân thủ các nguyên tắc thực hiện giám định tư pháp. Bởi việc tuân thủ các nguyên tắc thực hiện giám định tư pháp là tiền đề quan trọng đảm bảo kết luận giám định tư pháp được kịp thời, chính xác, khách quan, đúng pháp luật; phải bảo quản mẫu vật giám định, tài liệu liên quan đến vụ việc giám định; giữ bí mật điều tra mà mình biết được khi thực hiện giám định…

“Người giám định tư pháp không được thông báo kết quả giám định cho người khác, trừ trường hợp được người đã trưng cầu, yêu cầu giám định đồng ý bằng văn bản; phải chịu trách nhiệm cá nhân về kết luận giám định do mình đưa ra, trường hợp cố ý đưa ra kết luận giám định sai sự thật gây thiệt hại cho cá nhân, tổ chức còn phải bồi thường, bồi hoàn theo quy định của pháp luật…” - ông Bình nhấn mạnh.

 Phó giám đốc Sở Tư pháp Phan Quang Tuấn cho biết, một trong những vấn đế đáng quan tâm hiện nay là việc lựa chọn cán bộ, công chức, viên chức để phát triển đội ngũ giám định viên tư pháp chưa được các sở, ngành quan tâm, chú trọng về chuyên môn, nghiệp vụ giám định. Công tác phối hợp giữa các sở, ngành thực hiện chức năng giám định tư pháp và các cơ quan tiến hành tố tụng có lúc, có việc còn chậm, cử giám định viên không đảm bảo yêu cầu giám định tư pháp hoặc có trường hợp từ chối giám định với lý do không phù hợp, dẫn đến tình trạng một số vụ việc, vụ án trưng cầu giám định chậm được thực hiện, ảnh hưởng đến tiến độ giải quyết các vụ án, vụ việc. Do đó, việc tập huấn kỹ năng nghiệp vụ cho các giám định viên tư pháp cần tiếp tục được quan tâm.

* Nâng cao kỹ năng nghiệp vụ

Tại hội nghị tập huấn công tác giám định tư pháp vào ngày 28-9, nhiều giám định viên tư pháp, người giám định tư pháp theo vụ việc đã mạnh dạn nêu ra những thắc mắc như: giám định viên có quyền từ chối đưa ra kết luận theo yêu cầu của cơ quan điều tra hay không; hướng dẫn giám định lần đầu, giám định bổ sung và giám định viên đã kết luận giám định lần đầu có được tiếp tục giám định bổ sung hay phân cho giám định viên khác; hướng dẫn việc triển khai thực hiện giám định tập thể trong nhiều lĩnh vực khác nhau… Những vấn đề trên đã được đại diện Bộ Tư pháp và Sở Tư pháp hướng dẫn, giải đáp đầy đủ.

Trao đổi về những thắc mắc trên, ông Nguyễn Thanh Bình giải thích, công việc của giám định viên tư pháp là xác định các tình tiết chứng cứ (bao gồm khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử…) để phục vụ cho hoạt động tố tụng. Giám định viên là người làm việc bằng khả năng chuyên môn, kinh nghiệm của mình và đưa ra kết luận đánh giá về vấn đề nào đó để phục vụ cho hoạt động tố tụng chứ không phải làm thay cơ quan điều tra về xác định có hay không có phạm tội, mức độ phạm tội. Do đó, khi tiếp nhận nội dung yêu cầu giám định vượt quá khả năng nghiệp vụ chuyên môn thì giám định viên có quyền từ chối và nêu rõ lý do chính đáng.

“Đối với nội dung kết luận giám định lần đầu chưa rõ thì sẽ tiến hành giám định bổ sung và yêu cầu người giám định lần đầu tiếp tục giám định bổ sung hoặc cũng có thể yêu cầu người khác giám định bổ sung vụ việc đó” - ông Bình cho hay.

Trưởng phòng Hành chính và bổ trợ tư pháp (Sở Tư pháp) Trần Trung Nhân cho rằng, cần xác định rõ việc giám định tập thể nhiều lĩnh vực trong một đơn vị hay giám định tập thể ở nhiều đơn vị. Đối với giám định tập thể nhiều lĩnh vực trong một đơn vị, người đứng đầu đơn vị cho thành lập tổ giám định, trong đó có phân công người làm tổ trưởng phụ trách chung và trách nhiệm các giám định viên ở lĩnh vực của mình. Sau khi tổng hợp nội dung giám định, người đứng đầu sẽ xác nhận chữ ký và có thông báo kết quả gửi cho cơ quan điều tra. Đối với giám định tập thể ở nhiều đơn vị, tại Khoản 5, Điều 25 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giám định tư pháp năm 2012 quy định, trường hợp các nội dung giám định liên quan đến nhiều lĩnh vực chuyên môn có quan hệ mật thiết với nhau, thuộc trách nhiệm của nhiều tổ chức mà việc tách riêng từng nội dung gây khó khăn cho việc thực hiện giám định, ảnh hưởng đến tính chính xác của kết quả giám định hoặc kéo dài thời gian giám định thì người trưng cầu giám định phải xác định được nội dung chính cần giám định để xác định tổ chức chủ trì và tổ chức phối hợp trong việc thực hiện giám định…

An Nhơn

Tin xem nhiều