Do buông lỏng công tác thanh tra, giám sát, nguyên lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) chi nhánh Đồng Nai đã để 6 quỹ tín dụng nhân dân (quỹ TDND) có nhiều sai phạm, gây thất thoát số tiền hơn 1,35 ngàn tỷ đồng.
Một số bị cáo nguyên là lãnh đạo quỹ tín dụng nhân dân trên địa bàn tỉnh bị xét xử trước đây. Ảnh minh họa: Tố Tâm |
Với hành vi trên, các bị cáo nguyên Giám đốc và Phó giám đốc NHNN chi nhánh Đồng Nai gồm: Trần Quốc Tuấn (62 tuổi, ngụ P.Bửu Long, TP.Biên Hòa) và Võ Khắc Hiển (55 tuổi, ngụ P.Tam Hiệp, TP.Biên Hòa) đã bị truy tố về tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.
* Bao che cho hành vi sai trái của Quỹ TDND Thanh Bình
Theo cáo trạng của Viện KSND tỉnh, bị cáo Trần Quốc Tuấn với chức năng, nhiệm vụ được giao đã buông lỏng công tác thanh tra, giám sát các quỹ TDND trên địa bàn tỉnh. Trong nhiều năm (từ tháng 10-2014 đến tháng 3-2017), bị cáo đã không tiến hành thanh tra Quỹ TDND Tân Tiến (P.Tân Tiến, TP.Biên Hòa), Quảng Tiến (H.Trảng Bom) mà chỉ tiến hành thanh tra các Quỹ TDND: Gia Kiệm (H.Thống Nhất), Thái Bình (P.Tân Hòa, TP.Biên Hòa), Dầu Giây (H.Thống Nhất), Thanh Bình (P.Thanh Bình, TP.Biên Hòa) mỗi đơn vị 1 lần; can thiệp vào kết quả thanh tra của đoàn thanh tra; không thực hiện thanh tra theo chỉ đạo của NHNN; chấp thuận dự kiến bầu Chủ tịch HĐQT Quỹ TDND Thanh Bình khi chưa đủ điều kiện dẫn đến không phát hiện sai phạm của các quỹ TDND; để các quỹ bị vỡ nợ, mất khả năng chi trả, gây thiệt hại số tiền hơn 1,35 ngàn tỷ đồng.
Phiên tòa xét xử nguyên lãnh đạo NHNN chi nhánh Đồng Nai dự kiến diễn ra trong 2 ngày 25 và 26-10. |
Cụ thể, vào tháng 11-2016, nguyên Chủ tịch HĐQT Quỹ TDND Tân Tiến Văn Văn Nghĩa mua lại Quỹ TDND Thanh Bình. Theo quy định, một mình ông Nghĩa không được đứng tên tại 2 quỹ TDND nên ông đã để vợ là Trần Thị Hồng Lan đứng tên Chủ tịch HĐQT Quỹ TDND Thanh Bình. Dù được cấp dưới báo cáo hồ sơ bổ sung nhân sự đối với bà Lan chưa đầy đủ theo quy định nhưng ông Tuấn vẫn phê duyệt chấp thuận dự kiến nhân sự bầu bà Lan giữ chức Chủ tịch HĐQT Quỹ TDND Thanh Bình khi chưa đủ điều kiện và cho bổ sung hồ sơ sau.
Vào năm 2017, ông Tuấn ký quyết định thanh tra đối với Quỹ TDND Thanh Bình. Quá trình thanh tra, đoàn công tác phát hiện 98 hồ sơ tín dụng với số tiền hơn 93 tỷ đồng có dấu hiệu là hồ sơ khống và trưởng đoàn thanh tra đề nghị ông Tuấn gia hạn thời gian để xác minh, đối chiếu thực tế, nhưng bị cáo chỉ đạo không cần xác minh. Ngoài ra, quá trình thanh tra cũng phát hiện số tiền dư của Quỹ TDND Thanh Bình trên hệ thống (hơn 193 tỷ đồng) khác với số tiền thực tế (50 tỷ đồng) nên đã yêu cầu xác minh số dư, nhưng ông Tuấn không đồng ý.
Bên cạnh đó, đoàn thanh tra còn phát hiện Quỹ TDND Thanh Bình có hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ, hoạt động ngân hàng và lập biên bản 7 lỗi vi phạm với mức xử phạt đề nghị hơn 220 triệu đồng. Tuy nhiên, ông Tuấn chỉ đạo bỏ qua tất cả hành vi vi phạm nghiêm trọng và chỉ cho phép xử lý 3 hành vi vi phạm với mức xử phạt 26 triệu đồng. Ngoài ra, đoàn thanh tra đã kết luận Quỹ TDND Thanh Bình có nguy cơ mất khả năng chi trả, nhưng bị cáo Tuấn chỉ cho áp dụng hình thức tăng cường giám sát thường xuyên mà không áp dụng biện pháp kiểm soát đặc biệt. Do đó, đến tháng 11-2017, Quỹ TDND Thanh Bình vỡ nợ, mất khả năng chi trả, gây thiệt hại hơn 275 tỷ đồng.
* Không cho thanh tra các quỹ TDND có nguy cơ vỡ nợ
Ngoài việc thanh tra chậm trễ và “bao che” đối với hành vi sai phạm xảy ra tại Quỹ TDND Thanh Bình, bị cáo Trần Quốc Tuấn còn không cho thanh tra theo kế hoạch đối với một số quỹ TDND khác.
Cụ thể, vào năm 2014, NHNN chi nhánh Đồng Nai đã ban hành kế hoạch thanh tra đối với Quỹ TDND Tân Tiến. Tuy nhiên, bị cáo Tuấn không tổ chức thanh tra theo đúng kế hoạch, mà ký quyết định điều chỉnh thanh tra Quỹ TDND Tân Tiến sang năm 2015. Khi đến hạn thanh tra lại tiếp tục dời sang những năm tiếp theo. Đến năm 2017, NHNN tiếp tục có văn bản yêu cầu thanh tra, kiểm tra Quỹ TDND Tân Tiến, nhưng bị cáo Tuấn không ký quyết định thanh tra mà chỉ đạo bị cáo Võ Khắc Hiển cùng cấp dưới kiểm tra nắm tình hình hoạt động của Quỹ TDND Tân Tiến. Dù biết Quỹ TDND Tân Tiến sai phạm nghiêm trọng nhưng bị cáo Tuấn vẫn không chỉ đạo thanh tra, chỉ ký văn bản (đóng dấu mật) yêu cầu chấn chỉnh, khắc phục các sai phạm tại đây. Hậu quả, đến năm 2017, Quỹ TDND Tân Tiến vỡ nợ, mất khả năng chi trả, gây thiệt hại gần 810 tỷ đồng.
Đối với Quỹ TDND Quảng Tiến có hành vi huy động vốn với lãi suất cao, chỉ đạo kế toán lập 2 hệ thống sổ sách kế toán với mục đích theo dõi để ngoài phần lớn vốn huy động tiền gửi của khách hàng trái quy định, nhưng bị cáo Tuấn vẫn không cho tiến hành thanh tra, không phát hiện vi phạm dẫn đến việc nguyên Giám đốc Quỹ TDND Quảng Tiến Nguyễn Tiến Lãm rút tiền chiếm đoạt hơn 130 tỷ đồng.
Ngoài ra, vì không thanh tra kịp thời nên bị cáo Tuấn đã để Quỹ TDND Thái Bình cho vay sai nguyên tắc, huy động vốn lãi suất cao, lập báo cáo sai sự thật gây thiệt hại hơn 53 tỷ đồng; Quỹ TDND Dầu Giây hoạt động thua lỗ, gây thiệt hại 8 tỷ đồng; Quỹ TDND Gia Kiệm mất khả năng cân đối về nguồn vốn kinh doanh, mất khả năng chi trả, gây thiệt hại hơn 32 tỷ đồng.
Đối với bị cáo Võ Khắc Hiển nguyên là Phó giám đốc, Chánh Thanh tra NHNN chi nhánh Đồng Nai được phân công trực tiếp phụ trách công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát hoạt động của tất cả các tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, trong quá trình làm nhiệm vụ, bị cáo Hiển đã không làm đúng chức năng, nhiệm vụ trong công tác thanh tra, giám sát; không kiên quyết thanh tra các quỹ TDND khi có dấu hiệu vi phạm; không thực hiện thanh tra theo chỉ đạo của NHNN; không kiên quyết xử lý vi phạm các quỹ TDND theo kết quả thanh tra, giám sát. Từ đó, không phát hiện những hành vi vi phạm pháp luật dẫn đến 6 quỹ TDND mất khả năng chi trả, vỡ nợ, gây thiệt hại hơn 1,35 ngàn tỷ đồng.
Tố Tâm
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin