Báo Đồng Nai điện tử
En

Tạo chuyển biến mạnh mẽ trong văn hóa giao thông

Đặng Ngọc
08:15, 23/09/2023

Từ đầu năm 2023 đến nay, với sự vào cuộc quyết liệt của lực lượng chức năng, nhiều vụ vi phạm liên quan đến nồng độ cồn, sử dụng ma túy khi tham gia giao thông bị phát hiện và xử lý nghiêm. Qua đó, góp phần ngăn ngừa các vụ tai nạn giao thông do người điều khiển phương tiện giao thông có sử dụng chất kích thích (rượu, bia, ma túy) gây ra; đồng thời, góp phần tạo chuyển biến về ý thức tuân thủ pháp luật trong các tầng lớp nhân dân.

Mới đây, vào sáng 19-9, tổ công tác thuộc Đội Cảnh sát giao thông - trật tự Công an TP.Long Khánh phát hiện xe tải biển số 60C-528.51 do tài xế Phan Xuân Trung (31 tuổi, ngụ H.Thống Nhất) chạy quá tốc độ trên đường Hồ Thị Hương (hướng H.Xuân Lộc đến TP.Long Khánh). Khi tổ công tác ra hiệu lệnh dừng xe, tài xế đã không chấp hành mà tăng tốc bỏ chạy hơn 10km về tận quốc lộ 20 (đoạn qua H.Thống Nhất) thì bị lực lượng công an chặn lại. 

Đến nay, cơ quan công an xác định, tài xế Trung vi phạm 5 lỗi gồm: điều khiển xe vượt quá tốc độ quy định, không tuân thủ hiệu lệnh của lực lượng chức năng, vượt đèn tín hiệu giao thông, điều khiển xe hết hạn đăng kiểm, điều khiển phương tiện sau khi sử dụng chất gây nghiện. Việc kiên quyết truy chặn xe tải, xử phạt tài xế vi phạm cho thấy sự quyết liệt của lực lượng chức năng trong việc ngăn ngừa nguy hiểm cho người đi đường; cũng như chấn chỉnh thái độ bất chấp pháp luật giao thông của tài xế.

Có thể nói, chính sự kiên quyết xử lý các vi phạm giao thông đã tạo chuyển biến đáng kể trong văn hóa giao thông, nhất là việc không sử dụng rượu, bia khi điều khiển phương tiện tham gia giao thông. Hiện nay, nhiều người sau khi uống, rượu bia đã đón taxi, Grab hoặc nhờ người thân, bạn bè chở về. Thậm chí, không ít người sẵn sàng từ chối các lời mời uống rượu, bia sau giờ làm việc vì lo ngại vi phạm nồng độ cồn khi điều khiển xe về nhà. Đây là những thay đổi rất tích cực góp phần hạn chế tình trạng lạm dụng rượu, bia; ngăn ngừa tai nạn giao thông, tai nạn thương tích do rượu, bia gây ra. 

Bên cạnh đa số người dân chấp hành pháp luật về an toàn giao thông thì vẫn còn một bộ phận người dân còn vi phạm, trong đó có vi phạm về nồng độ cồn. Một số nguyên nhân chính là thói quen sử dụng rượu, bia trong giao tiếp, làm ăn vẫn phổ biến; ý thức tuân thủ pháp luật của một bộ phận người dân chưa cao; ngành chức năng không có đủ lực lượng để kiểm tra tất cả các tuyến đường, vào tất cả thời gian trong ngày; việc xử lý vi phạm liên quan đến nồng độ cồn có lúc, có nơi còn chưa nghiêm nên tạo tâm lý chủ quan, ỷ lại…

Trước thực trạng đó, để tạo chuyển biến mạnh mẽ hơn trong việc thực hiện văn hóa giao thông đã uống rượu, bia thì không lái xe, lực lượng chức năng cần “siết chặt”, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo phương châm “không có vùng cấm, không có ngoại lệ”. Trong công tác kiểm tra cần linh động chứ không cố định tại một số điểm quen thuộc, người dân sẽ dễ biết cách né tránh để không bị phát hiện vi phạm. Tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền ý thức chấp hành pháp luật giao thông sâu rộng trong các tầng lớp nhân dân.

Việc đồng lòng, quyết tâm xử lý các vi phạm liên quan đến nồng độ cồn, ma túy khi tham gia giao thông của lực lượng chức năng các cấp sẽ góp phần tạo chuyển biến mạnh mẽ hơn trong việc thượng tôn pháp luật, xây dựng văn hóa giao thông trong thời gian tới.

Đặng Ngọc

 

Tin xem nhiều
Liên kết hữu ích