Báo Đồng Nai điện tử
En

Hiệu quả công tác giám sát của Ban Pháp chế HĐND tỉnh

Trần Danh
08:14, 29/09/2023

Thời gian qua, Ban Pháp chế HĐND tỉnh luôn chú trọng công tác kiểm tra, giám sát việc thực thi pháp luật của các sở, ngành, địa phương. Qua đó, đã kịp thời kiến nghị tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, cũng như kiến nghị giải quyết nhiều vấn đề “nóng”, phức tạp trong hoạt động của các cơ quan tư pháp (tòa án, viện kiểm sát, thi hành án)…

Phó trưởng ban phụ trách Ban Pháp chế HĐND tỉnh Hồ Sĩ Tiến phát biểu tại buổi giám sát về công tác thanh tra ở TP.Biên Hòa vào tháng 5-2023. Ảnh: T.Danh
Phó trưởng ban phụ trách Ban Pháp chế HĐND tỉnh Hồ Sĩ Tiến phát biểu tại buổi giám sát về công tác thanh tra ở TP.Biên Hòa vào tháng 5-2023. Ảnh: T.Danh

* Tập trung giám sát lĩnh vực “nóng”

Một trong những vấn đề “nóng” được Ban Pháp chế HĐND tỉnh triển khai giám sát gần đây là: giám sát kết quả thực hiện các kết luận thanh tra tại một số đơn vị, sở, ngành và các địa phương.

Phó trưởng ban phụ trách Ban Pháp chế HĐND tỉnh Hồ Sĩ Tiến  cho biết, thực hiện chỉ đạo của HĐND tỉnh, tháng 6-2023, Ban Pháp chế HĐND tỉnh đã tổ chức triển khai các đoàn giám sát kết quả thực hiện các kết luận thanh tra giai đoạn 2018-2022 tại một số sở, ngành, địa phương như: Sở
TN-MT, Thanh tra tỉnh, UBND TP.Biên Hòa, UBND H.Cẩm Mỹ. Trong đó, tập trung giám sát kết quả thực hiện các kết luận thanh tra đối với những lĩnh vực “nóng”, dễ phát sinh tham nhũng, tiêu cực như: quản lý đất đai, xây dựng cơ bản, tài chính ngân sách, đầu tư hạ tầng…

Theo Ban Pháp chế HĐND tỉnh, qua hoạt động giám sát, nhìn chung các kết luận thanh tra sau khi có hiệu lực pháp luật đều được các sở, địa phương chỉ đạo các đơn vị, tổ chức và cá nhân tổ chức thực hiện nghiêm túc, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả của công tác thanh tra.

Ngoài ra, Ban Pháp chế HĐND tỉnh triển khai hoạt động giám sát trên các lĩnh vực: giám sát việc tạm đình chỉ và kiểm sát các quyết định tạm đình chỉ giải quyết các vụ án của TAND tỉnh và Viện KSND tỉnh trong năm 2022 và một số vụ án theo kiến nghị khắc phục vi phạm pháp luật của Viện KSND tỉnh. Đây cũng là một trong những vấn đề còn tồn tại, vướng mắc cần tháo gỡ.

* Kịp thời kiến nghị, tháo gỡ khó khăn

Qua các hoạt động giám sát, Ban Pháp chế HĐND tỉnh đã kịp thời phát hiện, kiến nghị tháo gỡ khó khăn, khắc phục những hạn chế tồn tại trong hoạt động thanh tra, tư pháp…

Cụ thể như, qua giám sát các kết luận thanh tra giai đoạn 2018-2022 tại một số sở, ngành, địa phương, Ban Pháp chế HĐND tỉnh phát hiện còn một số hạn chế, tồn tại trong thực hiện các kết luận thanh tra như: các cuộc thanh tra còn ít; một số cuộc thanh tra, thời gian ban hành kết luận còn kéo dài, chất lượng kết luận chưa cao, kiến nghị còn chung chung, một số quy định của pháp luật còn nhiều bất cập; công tác tuyên truyền pháp luật về thanh tra vẫn còn hạn chế, chưa phong phú...

Theo Ban Pháp chế HĐND tỉnh, trong 9 tháng của năm 2023, Ban Pháp chế HĐND tỉnh đã tiến hành 7 đợt giám sát trên các lĩnh vực tư pháp. Ban đã tham gia nhiều đợt khảo sát của Thường trực HĐND tỉnh về các dự án, công trình xây dựng trên địa bàn tỉnh; đồng thời, các thành viên trong Ban Pháp chế tham gia hàng chục cuộc khảo sát, giám sát chuyên đề của nhiều đơn vị khác.

Phát biểu tại buổi giám sát các kết luận thanh tra giai đoạn 2018-2022 của Ban Pháp chế HĐND tỉnh tại UBND TP.Biên Hòa vào ngày 15-5, Phó chủ tịch UBND TP.Biên Hòa  Nguyễn Ngọc Liên cho biết, hoạt động giám sát đã chỉ ra những tồn tại, hạn chế trong công tác thanh tra của địa phương. Qua đó, giúp địa phương chấn chỉnh một số bất cập trong công tác thanh tra như: các kết luận thanh tra còn có thiếu sót cần phải bổ sung, điều chỉnh; chất lượng báo cáo của các cuộc thanh tra còn mang tính chung chung, chưa đi vào cụ thể…, góp phần nâng cao chất lượng hoạt động thanh tra, phục vụ cho sự phát triển chung của địa phương.

Riêng trong đợt giám sát việc tạm đình chỉ giải quyết các vụ án của TAND tỉnh, Ban Pháp chế HĐND tỉnh đã chỉ ra một số nội dung tồn tại, hạn chế cần khắc phục như: số vụ án có quyết định tạm đình chỉ còn khá cao; việc tạm đình chỉ các vụ án chủ yếu là chờ cung cấp tài liệu, chứng cứ từ các cơ quan, ban, ngành; án tạm đình chỉ chủ yếu tập trung vào vụ án dân sự; việc theo dõi, đôn đốc và có văn bản nhắc nhở đương sự, các đơn vị liên quan để tiếp tục giải quyết vụ án còn hạn chế…

Tại đợt giám sát Viện KSND tỉnh về công tác kiểm sát các quyết định tạm đình chỉ giải quyết các vụ án vào năm 2022, Ban Pháp chế HĐND tỉnh chỉ rõ, mặc dù công tác kiểm sát các quyết định tạm đình chỉ giải quyết vụ án được chú trọng, kịp thời phát hiện những sai sót và kiến nghị nhưng chất lượng kiểm sát chưa cao, chưa kiểm sát chặt chẽ, chưa chủ động phát hiện kịp thời các vi phạm của tòa án khi ra quyết định tạm đình chỉ; công tác kiến nghị, kháng nghị còn hạn chế về số lượng...

Ông Hồ Sĩ Tiến cho biết, trước những tồn tại, hạn chế nêu trên, Ban Pháp chế HĐND tỉnh đã kiến nghị UBND tỉnh chỉ đạo các đơn vị, địa phương tăng cường công tác phối hợp, xác định rõ trách nhiệm trong việc cung cấp, xử lý thông tin, tài liệu, tiến độ giải quyết án để đảm bảo đúng thời hạn theo quy định. Đối với các cơ quan, đơn vị liên quan như: tòa án, viện kiểm sát, thanh tra phải tập trung chỉ đạo, quản lý, kiểm tra, giám sát hoạt động của đơn vị để tránh phát sinh những bất cập, hạn chế trong quá trình thực thi nhiệm vụ.

Theo kế hoạch của Ban Pháp chế HĐND tỉnh, trong những tháng cuối năm 2023, đơn vị sẽ tiếp tục triển khai các hoạt động giám sát việc chấp hành pháp luật trong công tác tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố trên địa bàn tỉnh; giám sát một số bản án phúc thẩm của tòa án các địa phương. Ngoài ra, Ban Pháp chế HĐND tỉnh sẽ tổ chức giám sát các nội dung theo kiến nghị của cử tri, đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân; yêu cầu của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; các Ủy ban của Quốc hội; Thường trực HĐND tỉnh...

Trần Danh

Tin xem nhiều