Đồng Nai hiện có 2 tuyến đường cao tốc đi qua là cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây và cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây giúp rút ngắn thời gian kết nối giữa TP.HCM, Đồng Nai và các tỉnh lân cận. Tuy nhiên, hiện nay trên các tuyến đường cao tốc này vẫn xuất hiện tình trạng xe chạy ngược chiều, chạy vào làn khẩn cấp; gia súc đi vào cao tốc và người dân đốt rơm làm khói lan vào cao tốc gây ảnh hưởng giao thông.
Khói đốt rơm từ cánh đồng thuộc xã Xuân Phú (H.Xuân Lộc) tràn vào đường cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây ngày 7-9. Ảnh: C.T.V |
* Những tình huống “thót tim”
Đường cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây và đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây đi xuyên qua nhiều khu vực vườn, rẫy, cánh đồng của người dân các huyện: Long Thành, Cẩm Mỹ, Xuân Lộc... Do đó, không ít lần các tài xế gặp tình trạng khói đốt cỏ, rơm từ 2 bên đường tràn vào đường cao tốc. Không chỉ vậy, nhiều loại gia súc đã “đi lạc” vào đường cao tốc, khiến người lái xe giật mình.
Gần nhất, vào chiều 7-9, khói đốt đồng tại xã Xuân Phú (H.Xuân Lộc) tràn vào đường cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây khiến không ít tài xế lúng túng do khuất tầm nhìn. Trước đó, sáng 1-8, 1 đàn bò 4 con đã đi lạc vào đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây (đoạn qua H.Long Thành) khiến các phương tiện giao thông phải giảm tốc độ khi đi trên cao tốc.
Hiện nay đơn vị thi công đang đẩy nhanh tiến độ hoàn tất các đường dẫn và trạm thu phí tại đường cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây. Qua đó sẽ hạn chế được tình trạng xe máy, gia súc di chuyển nhầm vào đường cao tốc mới này. |
Anh Nguyễn Bảo Vĩnh (ngụ P.Trảng Dài, TP.Biên Hòa - tài xế xe khách) nhận định: “2 tuyến đường cao tốc nói trên có tốc độ tối đa cho phép lên đến 120 km/giờ, nên nếu bị khuất tầm nhìn sẽ tăng nguy cơ va chạm với xe phía trước, rất nguy hiểm. Thực trạng này đã diễn ra không ít lần, nhất là vào mùa khô, vào lúc thu hoạch xong và người dân đốt rơm rạ, cỏ trên diện rộng”.
Không chỉ vậy, thời gian gần đây, khi đường cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây được đưa vào khai thác đã xuất hiện tình trạng người dân các địa phương có đường cao tốc đi qua chạy xe máy hoặc đi bộ băng ngang đường cao tốc. Nguyên nhân được xác định là do một số hộ dân có rẫy 2 bên đường cao tốc vẫn đi tắt bằng cách trèo qua rào chắn, băng ngang đường cao tốc cho tiện.
* Nhắc nhở người dân lưu ý
Theo Ban An toàn giao thông tỉnh, đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây, đường cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây cùng với các tuyến quốc lộ đang đóng vai trò rất quan trọng trong liên kết vùng. Do đó, việc đảm bảo an toàn, thông suốt cho 2 tuyến đường cao tốc này là nhiệm vụ mà các địa phương, đơn vị cần phối hợp với nhau.
Người đi xe máy ngược chiều trên đường cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây (đoạn qua H.Xuân Lộc) ngày 9-8. Ảnh: M.Thành |
Phó trưởng ban chuyên trách Ban An toàn giao thông tỉnh Não Thiên Anh Minh cho biết, thời gian tới, Ban sẽ cùng với các địa phương tổ chức tuyên truyền, nhắc nhở người dân không đi bộ, xe máy vào đường cao tốc. Đặc biệt không chăn thả gia súc tại các đoạn đường dẫn gần đường cao tốc, hạn chế tình trạng gia súc đi vào tuyến đường này.
Chủ tịch UBND xã Xuân Phú Huỳnh Tấn Hậu cho hay, để hạn chế việc đốt rơm rạ làm ảnh hưởng môi trường, giao thông, chính quyền địa phương cũng thường xuyên tuyên truyền cho người dân nhằm chấn chỉnh tình trạng này; đặc biệt là không đốt rơm rạ, cỏ rác gần khu vực đường cao tốc, giảm nguy cơ sự cố trên tuyến đường này.
Cùng với đó, Phòng Hướng dẫn tuần tra kiểm soát giao thông đường bộ (Cục Cảnh sát giao thông - phụ trách các tuyến đường cao tốc) sẽ phối hợp với Công an các địa phương và Phòng Cảnh sát giao thông Công an tỉnh đảm bảo an toàn giao thông trên các tuyến đường cao tốc. Nhất là bố trí lực lượng điều tiết, phân luồng xe từ đường cao tốc xuống quốc lộ, đường tỉnh (và ngược lại) khi đường cao tốc xuất hiện sự cố va chạm, ùn tắc.
Đồng thời, lực lượng chức năng sẽ xử lý nghiêm các trường hợp chăn thả gia súc, chạy xe máy vào đường cao tốc. Hạn chế thấp nhất sự cố do các hành vi trên gây ra.
Minh Thành
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin