Ứng dụng công nghệ để phát triển văn hóa không chỉ nhằm nâng cao hiệu quả quản lý, mà còn giúp người dân tiếp cận dễ dàng hơn với các sản phẩm văn hóa.
Một vở cải lương do Nhà hát Nghệ thuật Đồng Nai biểu diễn được lưu trữ, quảng bá trên môi trường số. Ảnh: L.Na |
Nhờ công nghệ số, các giá trị văn hóa của Đồng Nai đã và đang được quảng bá, đem lại những thay đổi tích cực trong việc lan tỏa hình ảnh vùng đất, con người Đồng Nai đến bạn bè trong nước và quốc tế.
Các đơn vị, địa phương chung tay
Vài năm trở lại đây, ngành văn hóa đã đạt được những bước tiến đáng kể về ứng dụng công nghệ trong công tác cải cách hành chính, phục vụ người dân và doanh nghiệp, nâng cao hiệu quả giải quyết thủ tục hành chính. Hiện ngành có 50% dịch vụ công trực tuyến toàn trình được tích hợp, cung cấp trên Cổng dịch vụ công quốc gia. Việc thanh toán trực tuyến trên Cổng dịch vụ công quốc gia trên tổng số giao dịch thanh toán của dịch vụ công đạt 82,1% và 70% thủ tục hành chính có yêu cầu nghĩa vụ tài chính được thanh toán trực tuyến trên Cổng dịch vụ công quốc gia.
Đặc biệt, ngành văn hóa đã thí điểm thực hiện mô hình Thủ tục nộp ngay - kết quả liền tay từ ngày 3-10-2024 đối với 2 thủ tục: tiếp nhận hồ sơ thông báo sản phẩm quảng cáo trên bảng quảng cáo, băng-rôn và tiếp nhận thông báo tổ chức đoàn người thực hiện quảng cáo. Thời gian thực hiện vào ngày thứ năm (tuần thứ nhất, hàng tháng). Kết quả, trong ngày 3-10 và 7-11, đơn vị đã tiếp nhận 13 thủ tục hành chính quảng cáo băng-rôn, bảng hiệu, đoàn người thực hiện quảng cáo; đồng thời, trả kết quả ngay trong ngày cho các cá nhân, đơn vị, doanh nghiệp.
Trung tâm Văn hóa - điện ảnh Đồng Nai ứng dụng công nghệ, giới thiệu chương trình văn nghệ trên mạng xã hội năm 2024. Ảnh: Đỗ Tuyến |
Bên cạnh cải cách hành chính, thư viện và bảo tàng là những đơn vị đã và đang đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số để tiếp cận bạn đọc, người dân và du khách trong và ngoài tỉnh. Hiện nguồn tài nguyên số của Thư viện tỉnh có hơn 16 ngàn tài liệu, báo, tạp chí, bản đồ số hóa. Thư viện các huyện, thành phố sở hữu hơn 6 ngàn tài liệu số các loại. Từ năm 2022 đến nay, Thư viện tỉnh đã số hóa trên 400 tên tài liệu địa chí với 540 ngàn trang.
Cùng với thành phố Biên Hòa và các huyện: Long Thành, Vĩnh Cửu, Thống Nhất… ứng dụng công nghệ trên lĩnh vực thư viện, một số địa phương còn thực hiện triển lãm thực tế ảo. Chỉ tính riêng năm 2024, huyện Nhơn Trạch thực hiện triển lãm ảo chủ đề Nhơn Trạch 30 năm xây dựng và phát triển; thành phố Long Khánh thực hiện triển lãm chủ đề Không gian văn hóa Hồ Chí Minh, phục vụ khách tham quan thông qua hình thức quét mã QR trên điện thoại thông minh, máy tính bảng…
Giám đốc Bảo tàng Đồng Nai Nguyễn Việt Sơn cho hay, hiện bảo tàng đã cập nhật, số hóa hơn 8,5 ngàn hiện vật, thông tin hiện vật và các di tích đã xếp hạng vào phần mềm quản lý thông tin do Bộ Văn hóa, thể thao và du lịch cung cấp.
Chỉ tính riêng năm 2024, Bảo tàng Đồng Nai đã thực hiện tour tham quan 360 thực tế ảo Di tích quốc gia Đền thờ, mộ Nguyễn Hữu Cảnh (thành phố Biên Hòa); số hóa 2D 31 hồ sơ di tích quốc gia và quốc gia đặc biệt trên địa bàn tỉnh; đồng thời, xây dựng các bước thực hiện Triển lãm ảo Đa dạng sinh học Vườn quốc gia Cát Tiên và bảo vật quốc gia.
Thực hiện Nghị quyết số 05-NQ/TU ngày 28-3-2022 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về chuyển đổi số, tại Sở Văn hóa, thể thao và du lịch, 100% hồ sơ công việc được xử lý trên môi trường mạng thông qua việc ứng dụng chữ ký số. Về phát triển xã hội số, sở đã thực hiện hạ tầng mạng băng rộng cáp quang phủ trên 90% hộ gia đình trong ngành văn hóa năm 2024. Tỷ lệ người dân trong ngành văn hóa có tài khoản thanh toán điện tử đạt trên 60%.
Quảng bá và lan tỏa giá trị văn hóa
Nhà hát Nghệ thuật Đồng Nai là một trong những đơn vị nghệ thuật tiên phong ứng dụng công nghệ trong giới thiệu, quảng bá và lan tỏa tác phẩm nghệ thuật đến với công chúng trong và ngoài tỉnh. Với hơn 300 suất diễn mỗi năm, nhà hát đã và đang tiếp cận khán giả thông qua biểu diễn trực tiếp và trực tuyến, live stream trên Facebook, YouTube của đơn vị.
Cũng nhờ ứng dụng công nghệ số, việc lưu trữ các chương trình nghệ thuật, các vở diễn cải lương trở nên thuận lợi và dễ dàng hơn. Công chúng có thể xem lại bất kỳ chương trình, vở diễn nào của nhà hát và có thể tương tác trực tiếp, gián tiếp với nghệ sĩ, diễn viên thông qua kết nối công nghệ. Điều này góp phần tạo cơ hội cho nghệ sĩ và công chúng gặp gỡ nhau, đưa nghệ thuật của Đồng Nai vươn xa hơn.
Các vở cải lương của Nhà hát Nghệ thuật Đồng Nai được lưu trữ, quảng bá trên môi trường số. Ảnh: L.Na |
Trung tâm Văn hóa - điện ảnh Đồng Nai thời gian qua liên tục giới thiệu đến công chúng hàng chục chương trình văn nghệ, tuyên truyền lưu động và các triển lãm thực tế ảo thông qua fanpage và website của đơn vị. Chỉ tính riêng năm 2024, đơn vị đã thực hiện các triển lãm ảo chủ đề Biển, đảo - trái tim Việt Nam; Đất nước trọn niềm vui; Đồng Nai - vùng đất văn hóa và con người.
Phó giám đốc Trung tâm Văn hóa - điện ảnh Đồng Nai Đỗ Thị Hồng cho biết, việc ứng dụng công nghệ vào tuyên truyền được đơn vị thực hiện từ nhiều năm qua. Trong đó, đơn vị chú trọng xây dựng các triển lãm ảo, vừa phục vụ công tác tuyên truyền các nhiệm vụ chính trị, vừa đưa những câu chuyện, hình ảnh sinh động đến với nhân dân, nhất là đồng bào vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Các triển lãm thực tế ảo và chương trình văn nghệ nhằm góp phần quảng bá hình ảnh, con người, văn hóa Đồng Nai đến với công chúng.
Ly Na
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin