Bên cạnh một số cơ sở y tế được đầu tư bài bản về cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế, vẫn còn nhiều cơ sở đang xuống cấp, thiếu máy móc, thiết bị để hoạt động.
Việc đầu tư máy móc, thiết bị hiện đại sẽ giúp các cơ sở y tế nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh. Trong ảnh: Hệ thống máy xét nghiệm hiện đại của Bệnh viện Đa khoa Thống Nhất. Ảnh: H.Dung |
Việc đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án đầu tư xây dựng, mua sắm máy móc cho các trung tâm y tế, trạm y tế là cần thiết, nhằm đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh ngày càng cao của nhân dân, nhất là người dân ở vùng sâu, vùng xa.
Cần xây mới nhiều cơ sở y tế
Giám đốc Sở Y tế Lê Quang Trung cho biết, hiện 26 đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc Sở Y tế đã được giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, biên chế và tài chính theo 3 mức. Trong đó, 5 đơn vị tự bảo đảm chi thường xuyên, 20 đơn vị bảo đảm một phần chi thường xuyên và 1 đơn vị được ngân sách đảm bảo toàn bộ.
Việc thực hiện cơ chế tự chủ tài chính đã giúp các cơ sở y tế phát huy được tính năng động, sáng tạo, chủ động tìm giải pháp tăng nguồn thu, nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh. Hầu hết các đơn vị sự nghiệp y tế công lập đã tự bảo đảm được phần kinh phí chi thường xuyên. Tuy nhiên, cơ sở vật chất của các đơn vị đa số đều xuống cấp, chưa được đầu tư xây dựng, sửa chữa kịp thời, trang thiết bị y tế còn thiếu, chưa được bổ sung. Điều này ảnh hưởng ít nhiều đến việc triển khai các kỹ thuật cao tại các đơn vị.
Lãnh đạo một trung tâm y tế tuyến huyện chia sẻ, cơ sở vật chất xuống cấp là một trong những nguyên nhân dẫn đến khó thu hút được nhân lực chất lượng cao về đơn vị. Nhiều bác sĩ về công tác được một thời gian ngắn lại ra đi.
Nói về nhu cầu đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế, Giám đốc Sở Y tế Lê Quang Trung cho hay, để “đón đầu” Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành, cần thiết phải xây dựng mới Bệnh viện Đa khoa khu vực Long Thành với quy mô 1 ngàn giường bệnh, diện tích từ 5-10 hécta; xây dựng mới Trung tâm Y tế thành phố Long Khánh.
Ngoài ra, cần đầu tư sửa chữa, nâng cấp, mở rộng 6 bệnh viện tuyến tỉnh gồm: Bệnh viện Đa khoa khu vực Long Khánh, Bệnh viện Đa khoa khu vực Định Quán, Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai, Bệnh viện Y dược cổ truyền Đồng Nai, Bệnh viện Da liễu Đồng Nai, Bệnh viện Phổi Đồng Nai; đầu tư sửa chữa, nâng cấp, mở rộng trung tâm y tế các huyện: Trảng Bom, Xuân Lộc, Thống Nhất; đầu tư, nâng cấp, mở rộng Phòng khám Đa khoa khu vực Sông Ray, huyện Cẩm Mỹ; xây mới Khu điều trị methadone thuộc Trung tâm Y tế huyện Long Thành; đầu tư xây mới, sửa chữa 50 trạm y tế trong giai đoạn 2025-2030.
Theo Phó chủ tịch UBND huyện Long Thành Nguyễn Hữu Thành, Bệnh viện Đa khoa khu vực Long Thành hiện đã xuống cấp nhiều, rất cần được đầu tư xây mới sớm để đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe của nhân dân trên địa bàn. Ngoài ra, huyện đang tiến hành xây mới 3 trạm y tế: Tam An, Bình Sơn và thị trấn Long Thành. Với 7 trạm y tế sửa chữa tổng kinh phí hơn 19 tỷ đồng, huyện đã triển khai mở thầu, sẽ thực hiện các bước tiếp theo.
Phó chủ tịch UBND huyện Cẩm Mỹ Nguyễn Thị Phương kiến nghị Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh đẩy nhanh tiến độ thực hiện Dự án Cải tạo, sửa chữa, nâng cấp Trung tâm Y tế huyện Cẩm Mỹ, nếu không sẽ khó hoàn thành vào tháng 6-2024 như dự kiến.
Lãnh đạo huyện Cẩm Mỹ chia sẻ, địa phương gần Cảng hàng không quốc tế Long Thành, sát các tuyến đường vành đai, cao tốc. Trong tương lai, các cụm công nghiệp sẽ tiếp tục phát triển nên dự báo mật độ dân cư sẽ đông, nhu cầu chăm sóc sức khỏe của người dân ngày càng lớn và rất cần xây dựng một bệnh viện đa khoa mới với quy mô 500 giường bệnh. Vì vậy, huyện Cẩm Mỹ kiến nghị Sở Y tế và các sở, ban, ngành nghiên cứu đề xuất này của huyện để đưa vào kế hoạch phát triển của ngành, của tỉnh trong thời gian tới.
Đầu tư mua sắm trang thiết bị y tế cho nhiều đơn vị
Giám đốc Sở Y tế LÊ QUANG TRUNG cho biết, đối với dự án đầu tư mua sắm bổ sung trang thiết bị y tế cho 20 trạm y tế do Sở Y tế làm chủ đầu tư, đến nay Sở Kế hoạch và đầu tư đang thẩm định trình UBND tỉnh phê duyệt báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư dự án.
Dự án Mua sắm bổ sung trang thiết bị y tế cho Bệnh viện Đa khoa khu vực Long Khánh và Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai với kinh phí 98 tỷ đồng đã có chủ trương, nhưng chưa được phân bổ vốn sự nghiệp để triển khai thực hiện.
Dự án Đầu tư thiết bị đầu cuối công nghệ thông tin phục vụ chuyển đổi số ngành y tế Đồng Nai; Dự án Triển khai hệ thống tư vấn khám, chữa bệnh từ xa; Dự án Bệnh án điện tử tại 4 đơn vị: Trung tâm Y tế huyện Cẩm Mỹ, Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai, Bệnh viện Đa khoa Thống Nhất, Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai; Dự án Trung tâm Tích hợp dữ liệu đang thực hiện.
Gấp rút triển khai
Phó giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh Nguyễn Anh Tuấn cho hay, về cơ bản, đa số dự án do đơn vị làm chủ đầu tư thực hiện theo đúng tiến độ. Có 10 dự án đã cơ bản hoàn thiện, còn một số hạng mục nhỏ chưa hoàn thành do liên quan đến cấp phép môi trường.
Còn một số dự án khác do vướng về vấn đề đất đai, sáp nhập địa giới hành chính dẫn đến thay đổi địa điểm xây dựng, khó khăn về quy mô đầu tư. Cụ thể là Trung tâm Y tế thành phố Biên Hòa, sau nhiều năm mới xác định được vị trí đất để xây dựng tại phường Hóa An với diện tích khoảng 3 hécta, công suất từ 350-400 giường bệnh. Một số dự án khác như: Nâng cấp, mở rộng Trung tâm Y tế huyện Trảng Bom; Mở rộng khối nhà khám bệnh Trung tâm Y tế huyện Xuân Lộc; Nâng cấp, mở rộng Trung tâm Y tế huyện Thống Nhất; Xây dựng mới Trạm Y tế phường Phước Tân đang thực hiện các bước tiếp theo để triển khai thực hiện nhanh nhất có thể.
Ngành y tế đề xuất UBND tỉnh tiếp tục đầu tư, mua sắm bổ sung trang thiết bị cho các bệnh viện đa khoa, chuyên khoa tuyến tỉnh để phục vụ công tác khám, chữa bệnh (dự kiến hơn 300 tỷ đồng); mua sắm bổ sung trang thiết bị cho trung tâm y tế các huyện, thành phố với kinh phí khoảng 141 tỷ đồng; mua sắm trang thiết bị y tế bổ sung cho các trạm y tế tuyến xã với kinh phí khoảng 48 tỷ đồng. |
Ngoài các dự án do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh làm chủ đầu tư, còn có 56 dự án trạm y tế do UBND các huyện, thành phố làm chủ đầu tư xây mới và 46 trạm y tế sửa chữa, cải tạo.
Đến nay, đối với 55 trạm y tế xây dựng mới, có 22 trạm đã được duyệt dự án; đang thẩm định dự án 18 trạm; chưa trình thẩm định dự án 15 trạm. Có một trạm y tế đã được khởi công xây dựng là Trạm Y tế phường Suối Tre (thành phố Long Khánh).
Với 46 trạm y tế sửa chữa, cải tạo, đã khởi công xây dựng 17 trạm. Các trạm còn lại đã được duyệt dự án hoặc đang thẩm định dự án.
Phó chủ tịch UBND huyện Xuân Lộc Huỳnh Thị Lành cho hay, năm 2023, huyện làm chủ đầu tư sửa chữa 6 trạm y tế với tổng mức đầu tư 6,5 tỷ đồng. Đến nay, các dự án này đã hoàn thành. Đối với 5 trạm y tế xây mới là: Xuân Bắc, Bảo Hòa, Xuân Định, Xuân Hiệp và thị trấn Gia Ray có tổng mức đầu tư 44,7 tỷ đồng, huyện đã phê duyệt chủ trương, hoàn thành báo cáo kinh tế kỹ thuật và chuyển về Sở Kế hoạch và đầu tư để thẩm định.
Tại buổi làm việc với các sở, ngành, địa phương về thực hiện tiến độ các dự án đầu tư cho ngành y tế, Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Sơn Hùng đề nghị Sở Y tế phối hợp chặt chẽ với Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh, các địa phương rà soát tiến độ thực hiện các dự án để triển khai chặt chẽ, đồng bộ, hiệu quả, nhằm nâng cao hơn nữa chất lượng khám, chữa bệnh trên địa bàn tỉnh, để người dân không phải di chuyển lên tuyến trên.
Hạnh Dung
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin