Báo Đồng Nai điện tử
En

Ám ảnh tai nạn lao động

Hạnh Dung - Nguyễn Hòa
07:19, 30/05/2024

>>> Bài 1:Ký ức kinh hoàng
Mặc dù đã có những quy định rất cụ thể về vấn đề an toàn vệ sinh lao động nhưng vì nhiều lý do khác nhau mà chủ doanh nghiệp, người lao động không tuân thủ, thực hiện không đúng dẫn đến nhiều vụ tai nạn lao động (TNLĐ) làm nhiều người chết và bị thương. Những vụ TNLĐ xảy ra gần đây trên cả nước, trong đó có Đồng Nai, đã gióng lên hồi chuông cảnh báo đối với các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, người lao động và cả cơ quan quản lý nhà nước.

Đội ngũ y, bác sĩ Bệnh viện Đa khoa Thống Nhất tích cực cấp cứu, điều trị cho các bệnh nhân vụ tai nạn nổ lò hơi tại Công ty TNHH Sản xuất và thương mại gỗ Bình Minh Việt Nam xảy ra vào sáng 1-5. Ảnh: Hạnh Dung
Đội ngũ y, bác sĩ Bệnh viện Đa khoa Thống Nhất tích cực cấp cứu, điều trị cho các bệnh nhân vụ tai nạn nổ lò hơi tại Công ty TNHH Sản xuất và thương mại gỗ Bình Minh Việt Nam xảy ra vào sáng 1-5. Ảnh: Hạnh Dung

Nhắc đến vụ TNLĐ nổ lò hơi xảy ra tại Công ty TNHH Sản xuất và thương mại gỗ Bình Minh Việt Nam (ở huyện Vĩnh Cửu) vào sáng 1-5, nhiều người vẫn còn bàng hoàng, ám ảnh.

Đây là vụ TNLĐ để lại hậu quả nặng nề nhất kể từ đầu năm 2024 đến nay tại Đồng Nai. 6 người chết, 5 người bị thương và hàng loạt hệ lụy phía sau vẫn đang chờ được giải quyết.

Nỗi ám ảnh khôn nguôn

Anh Lò Văn Hạnh (quê tỉnh Sơn La) có người anh trai Lò Văn Lòn tử vong trong vụ TNLĐ nổ lò hơi. Anh Hạnh cho biết, anh cùng anh Lòn từ quê vào Đồng Nai làm chung công ty, ở trọ cùng nhau để sớm hôm đỡ đần, hỗ trợ nhau. Trước ngày định mệnh 1-5, công ty thông báo có đơn hàng gấp, công nhân đi làm sẽ được trả lương gấp đôi cộng sản lượng. Vì miếng cơm manh áo, nhiều công nhân đã đến công ty làm việc. Vụ tai nạn bất ngờ xảy ra đã cướp đi người anh trai của anh Hạnh, để lại nỗi đau khôn nguôi cho gia đình anh.

Vừa có người thân tử vong lẫn bị thương trong vụ tai nạn nổ lò hơi, anh Dương Văn Tuấn (quê tỉnh Bắc Giang) cho hay, anh chưa bao giờ chứng kiến một vụ tai nạn nào kinh hoàng đến thế. Lúc đang xếp gỗ trong xưởng, anh Tuấn nghe một tiếng nổ lớn, rồi tường đổ sập xuống, tối om. Mọi người trong xưởng hoảng loạn, chạy ra ngoài để thoát thân.

Theo báo cáo của Bộ Lao động, thương binh và xã hội, năm 2023, cả nước xảy ra gần 7,4 ngàn vụ TNLĐ khiến hơn 7,5 ngàn người bị nạn, trong đó có 662 vụ TNLĐ làm chết người. Thiệt hại về vật chất và tài sản do TNLĐ lên tới hơn 17 ngàn tỷ đồng. Những địa phương có số người chết vì TNLĐ nhiều nhất là: Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, Bình Dương, Quảng Ninh, Đồng Nai, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Bình Định, Gia Lai.

Sau khi biết cầu dao điện đã ngắt, anh Tuấn chạy vội vào xưởng để tìm anh trai Lương Văn Tùng thì thấy anh trai bị thương nặng, đang lết ra ngoài phía cửa; còn một người em bên vợ của anh Tuấn là Lương Văn Hùng (32 tuổi, quê tỉnh Nghệ An) đã mãi mãi ra đi. Sau vụ tai nạn, cuộc sống của gia đình anh Hùng, anh Tuấn bị đảo lộn, không có nỗi buồn nào hơn thế.

Anh Đỗ Xuân Thanh (34 tuổi, quê tỉnh Thanh Hóa) bị thương nặng nhất trong vụ TNLĐ nổ lò hơi. Anh Thanh bị chấn thương ở nhiều cơ quan, gãy xương sườn hai bên, tổn thương gan độ 4, chấn thương thận độ 4, tràn khí, tràn máu màng phổi. Sau hơn nửa tháng được các bác sĩ tích cực cứu chữa, anh Thanh đã được xuất viện.

Đến nay, dù đã gần một tháng trôi qua, anh Thanh vẫn chưa hết bàng hoàng. Nhớ lại thời điểm tai nạn xảy ra, anh Thanh run run vì không thể quên cảnh tượng hãi hùng sau vụ tai nạn.

“Tôi làm ở bộ phận máy bào thành phẩm, cách vị trí lò hơi khoảng 20m. Lúc tai nạn xảy ra, tôi chỉ nghe một tiếng nổ lớn rồi sau đó nằm rạp xuống đất, bất tỉnh. Tôi bị bóng đèn rớt trúng đầu làm vỡ đầu, bị toác một mảng bụng lớn, bị thương khắp người. Phải một lúc sau đó, tôi mới mở mắt ra được và thấy hoa mắt, bụi tung tóe, đen sì. Tôi thấy tê ở chân, tưởng đâu đã bị mất chân, sờ xuống chân thấy vẫn còn nên cố lết ra ngoài cửa kêu cứu. Nhìn thấy xác đồng nghiệp ở gần chỗ mình, tôi lo sợ vô cùng, cảnh tang thương bao trùm, tiếng khóc xé lòng vang lên. Mọi người la hét, hô hào dìu những người bị thương đi bệnh viện. Lúc tỉnh dậy, tôi thấy mình đã nằm trong bệnh viện” - anh Thanh kể lại.

Anh Thanh bộc bạch, anh may mắn còn giữ được mạng sống nhưng sức khỏe bị tổn hại nghiêm trọng, hiện chưa thể làm được việc gì, không biết đến bao giờ mới có thể đi làm lại được và không biết có làm được những việc như trước không.

“Tôi sống cảnh gà trống nuôi con nhỏ đang học lớp 4 và phụng dưỡng cha già hơn 80 tuổi ở quê. Trước đây, nếu làm việc chăm chỉ, mỗi tháng tôi kiếm được khoảng 14 triệu đồng, lo trang trải cuộc sống, sinh hoạt cho gia đình. Nhưng nay bị TNLĐ, không làm được việc gì, không biết sắp tới cuộc sống sẽ ra sao” - anh Thanh ngậm ngùi.

Nhiều gia đình lâm vào ngõ cụt

Cuối tháng 2-2024, gia đình anh Đ.T.Q. (ngụ phường Trảng Dài, thành phố Biên Hòa) chìm trong nỗi đau khi anh Q. bị TNLĐ tử vong trong lúc làm việc. Nguyên nhân là trong lúc đến một công ty tại xã Sông Trầu (huyện Trảng Bom) để khảo sát thi công sửa chữa nhà xưởng, anh Q. bị ngã ở độ cao 18m. Anh Q. là trụ cột của gia đình, vợ làm công nhân, 3 con còn nhỏ, một cháu lại bị bệnh.

Tổng số vụ tai nạn lao động trên địa bàn tỉnh trong năm 2023 và 5 tháng đầu năm 2024. Đồ họa: Lê Duy
Tổng số vụ tai nạn lao động trên địa bàn tỉnh trong năm 2023 và 5 tháng đầu năm 2024. Đồ họa: Lê Duy

Chị Nguyễn Thị Tâm, vợ anh Q., đau buồn nói: “Chồng mất đột ngột khiến gia đình tôi lâm vào ngõ cụt. Cha mẹ già mất con, vợ mất chồng, các con mất cha. Tôi không biết phải xoay xở thế nào để nuôi 3 con ăn học với đồng lương công nhân ít ỏi của mình”.

Từ một người lành lặn, khỏe mạnh, sau một lần bị TNLĐ, anh Nguyễn Văn Vinh (công nhân Công ty TNHH Shing Mark Vina, huyện Trảng Bom) thành người tàn phế do bị máy cắt cắt vào cánh tay trái khi đang làm việc, tỷ lệ thương tật 58%.

Mất đi một phần cơ thể, anh Vinh từ người hoạt bát trở nên tự ti, sống khép kín. Anh Vinh tâm sự: “Tai nạn khiến cuộc đời tôi thay đổi theo hướng không hề mong muốn, làm gì cũng thấy khó khăn, vất vả”.

Còn anh Hồ Hoàng Giang, công nhân Công ty TNHH StarPrint (thành phố Biên Hòa) thì bị cắt cụt 1/3 cẳng tay trái, tỷ lệ thương tật 65%, sau vụ TNLĐ tại công ty. Sau tai nạn, anh Giang lâm vào cảnh bế tắc, chán nản, suy sụp tinh thần, không thể làm được những việc trước đây có thể làm dễ dàng, kinh tế gia đình đã khó khăn lại càng khó khăn hơn.

Tiến sĩ Nguyễn Anh Thơ, Viện trưởng Viện Khoa học an toàn và vệ sinh lao động (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam) cho hay, TNLĐ đã cướp đi sinh mạng của nhiều người, khiến nhiều người khác bị thương, để lại nỗi đau không gì bù đắp nổi cho gia đình người lao động, gây thiệt hại lớn cho doanh nghiệp, địa phương và toàn xã hội.

Bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Thị Kim Loan, Phó giám đốc Bệnh viện Đa khoa Thống Nhất cho biết, bệnh viện thường xuyên tiếp nhận các trường hợp bị TNLĐ. Có những trường hợp bị máy cắt đứt lìa tay, chân, bỏng da, bỏng toàn thân, bị đa chấn thương, tổn thương nhiều cơ quan trong cơ thể.

“Trong các vụ TNLĐ những năm gần đây, tôi nhớ nhất là vụ tai nạn sập tường rào công trình ở Khu công nghiệp Giang Điền (huyện Trảng Bom) làm 10 người chết, 14 người bị thương vào tháng 5-2020. Mới đây nhất là vụ tai nạn nổ lò hơi ở huyện Vĩnh Cửu. Gặp những tình huống cấp cứu đông người, nguy cấp, bệnh viện đã khẩn trương bật báo động đỏ, huy động toàn bộ bác sĩ, điều dưỡng, kỹ thuật viên, hộ lý, lái xe, bảo vệ… cùng chung tay cấp cứu, điều trị cho các bệnh nhân. Bởi nếu chậm trễ, lơ là, hậu quả sẽ rất nghiêm trọng” - bác sĩ Loan cho hay.

Theo bác sĩ Loan, tùy thuộc vào mức độ tổn thương mà các bệnh nhân phải có thời gian nghỉ ngơi, theo dõi sức khỏe, tái khám, tập vật lý trị liệu khác nhau. Có những trường hợp bị nặng không thể quay trở lại công việc lúc đầu, không có thu nhập, phải sống phụ thuộc vào người thân, ảnh hưởng đến vấn đề an sinh xã hội.

Hạnh Dung - Nguyễn Hòa

Bài 2: Trách nhiệm thuộc về ai?

Tin xem nhiều