Báo Đồng Nai điện tử
En

Đưa giáo dục môi trường vào trường học

Hoàng Lộc
08:04, 06/12/2023

Hiện nay, nhiều trường học đưa nội dung bảo vệ môi trường (BVMT) vào chương trình học chính khóa lẫn các cuộc thi, hoạt động ngoại khóa. Qua đó nhằm giúp học sinh, sinh viên nâng cao nhận thức và có ý thức tham gia BVMT.

Học sinh Trường tiểu học Nguyễn An Ninh (TP.Biên Hòa) dọn vệ sinh ở trường. Ảnh: H.Lộc
Học sinh Trường tiểu học Nguyễn An Ninh (TP.Biên Hòa) dọn vệ sinh ở trường. Ảnh: H.Lộc

Có thể nói, việc đưa nội dung giáo dục môi trường vào trường học là giải pháp giảm thiểu ô nhiễm môi trường, góp phần vào sự nghiệp BVMT của toàn dân.

* Chương trình giáo dục thường xuyên

Nhiều năm nay, giáo dục BVMT là hoạt động thường xuyên ở Trường tiểu học Nguyễn An Ninh (TP.Biên Hòa). Không chỉ học sinh được hướng dẫn cách phân loại rác, giảm rác thải, giữ gìn vệ sinh môi trường và tái chế sản phẩm từ rác mà các giáo viên cũng được tập huấn công tác BVMT, cách thức tuyên truyền cho học sinh. Nhờ vậy, cảnh quan trường luôn sạch và đẹp, học sinh có thể đọc sách ở nhiều nơi khác nhau mà không cần đến thư viện.

Hiệu trưởng Trường tiểu học Nguyễn An Ninh Hoàng Thị Ngọc chia sẻ, là trường chuẩn quốc gia mức độ 1, lại tổ chức bán trú cho học sinh nên công tác BVMT được đặc biệt chú trọng. Nhà trường mời cán bộ Sở TN-MT về tuyên truyền cho tất cả giáo viên về BVMT. Giáo viên lồng ghép nội dung này vào các môn học đạo đức, tự nhiên xã hội, hoạt động trải nghiệm dạy cho học sinh. Bên cạnh đó, trường tổ chức cho học sinh dọn vệ sinh, thực nghiệm phân loại rác, trồng vườn cây thuốc nam và các cuộc thi liên quan đến BVMT.

“Hàng năm, chúng tôi tổ chức nhiều cuộc thi liên quan đến BVMT. Đó là vẽ tranh tuyên truyền, sáng chế đồ dùng học tập từ rác thải, trang trí góc thư viện xanh và lớp học xanh - sạch - đẹp. Không chỉ có sự hứng thú của các em mà nhiều phụ huynh đồng tình và ủng hộ nguyên vật liệu phế thải để cô trò làm sản phẩm, đồ dùng tái chế”  - cô Ngọc chia sẻ.

Tại Trường THCS Tam Phước (TP.Biên Hòa), công tác BVMT gắn với chấm điểm thi đua tuần các lớp. Cô Phạm Thị Nam, Hiệu trưởng nhà trường chia sẻ, các tuần đầu năm học nhà trường đẩy mạnh truyền thông, giáo dục trong các buổi chào cờ, môn khoa học tự nhiên. Sau đó, nhà trường áp dụng việc hạn chế rác thải nhựa dùng một lần bằng cách học sinh lớp nào mang hộp xốp, ly nhựa dùng 1 lần, túi ny-lông dùng 1 lần đến lớp bị bảo vệ, đội trực phát hiện sẽ bị trừ điểm thi đua lớp. Ngoài ra, nhà trường có quà khen thưởng dành cho học sinh có những hành động đẹp vì môi trường như: chăm chỉ nhặt rác, có sáng chế giúp giảm rác thải hoặc tiết kiệm nước.

“Hiệu quả mang lại là học sinh có ý thức BVMT, lượng rác thải cần phải xử lý của nhà trường giảm, đồng nghĩa với giảm rác thải ra môi trường” - cô Nam thông tin.

Tại nhiều trường học khác, việc tuyên truyền phân loại rác tại nguồn, thi làm đồ dùng tái chế, trồng cây xanh, vẽ tranh cổ động BVMT và đa dạng sinh học, thực hiện kế hoạch nhỏ đã gắn với chương trình học, phong trào thi đua hằng năm.

* Góp phần vào sự nghiệp bảo vệ môi trường

Việt Nam là quốc gia phát sinh nhiều rác thải, đặc biệt là rác thải nhựa. Một trong những nguyên nhân là thói quen tiêu dùng tiện lợi, chưa quan tâm đến môi trường. Do đó, tuyên truyền, giáo dục cho học sinh nhận thức, từ đó có ý thức tham gia BVMT là việc làm cần tăng cường để góp phần vào sự nghiệp BVMT của toàn dân.

Theo Trung tâm Kỹ thuật tài nguyên - môi trường Đồng Nai, giáo dục BVMT trong trường học là việc làm hết sức quan trọng. Do đó, hàng năm, trung tâm tổ chức các cuộc thi dành cho học sinh, sinh viên như: Mô hình ý tưởng sáng tạo xanh, vẽ tranh về đa dạng sinh học, tìm hiểu kiến thức về BVMT, đổi chất thải lấy quà tặng… Thông qua cuộc thi giúp các em hiểu được tác hại của ô nhiễm môi trường, biết cách BVMT, hình thành lối sống xanh.

Giám đốc Quỹ BVMT Đồng Nai Hoàng Thị Nhung cho biết, ngoài nhiệm vụ chính là cho vay vốn lãi suất ưu đãi, tiếp nhận và quản lý tiền ký quỹ cải tạo phục hồi môi trường của các dự án, hàng năm quỹ tài trợ không hoàn lại hàng tỷ đồng cho các hoạt động góp phần BVMT. Trong đó có tuyên truyền BVMT trong trường học, trồng cây xanh, thu gom rác thải khu vực công cộng; tài trợ các cuộc thi nâng cao nhận thức BVMT.

Dự thảo quy định về quản lý chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn tỉnh Đồng Nai do Sở TN-MT xây dựng, có nội dung yêu cầu các trường học từ mầm non đến THPT và các trường nghề phải xây dựng nội quy quản lý chất thải sinh hoạt trong trường học, lồng ghép vào quy chế quản lý và vệ sinh môi trường; tuyên truyền đến từng giáo viên, học sinh, sinh viên và người lao động làm việc trong trường để thực hiện nghiêm túc. Đưa chỉ tiêu về phân loại, quản lý chất thải rắn sinh hoạt thành một trong các tiêu chí bình xét, đánh giá chất lượng rèn luyện của các lớp, các trường.

Phó giám đốc Sở TN-MT Trần Trọng Toàn cho biết, trong dự thảo quy định nói trên cũng phân công trách nhiệm Sở GD-ĐT phối hợp với Sở TN-MT xây dựng kế hoạch, chương trình, nội dung, tài liệu giáo dục về BVMT đưa vào tài liệu giáo dục trong các cấp học trên địa bàn tỉnh. Lồng ghép việc giảng dạy các kiến thức môi trường vào chương trình nội khóa và ngoại khóa nhằm tạo điều kiện cho học sinh hiểu được ý nghĩa của việc BVMT, việc phân loại rác tại nguồn, phòng chống rác thải nhựa và tích cực tham gia thực hiện ở nhà trường và gia đình. Phát động các cuộc thi và tổ chức các buổi triển lãm, trưng bày sản phẩm tái chế, tuyên truyền BVMT nhằm góp phần vào sự nghiệp BVMT của
toàn dân.

Hoàng Lộc

 

Tin xem nhiều