Báo Đồng Nai điện tử
En

Du lịch ở huyện vùng xa

Ngọc Liên
08:25, 08/12/2023

Không có nhiều lợi thế để phát triển công nghiệp nhưng huyện vùng xa Tân Phú có rừng, có hồ và một hệ sinh thái nông nghiệp - nông thôn khá đặc sắc, có thể khai thác thế mạnh từ du lịch.

Du khách vui chơi tại Khu du lịch Suối Mơ (H.Tân Phú). Ảnh: N.LIÊN
Du khách vui chơi tại Khu du lịch Suối Mơ (H.Tân Phú). Ảnh: N.LIÊN

Tân Phú có những địa danh nổi tiếng như: Vườn quốc gia Cát Tiên, Khu du lịch Suối Mơ, hồ Đa Tôn, làng quê lúa Phú Điền, làng trầm, làng đan chổi đót, làng dệt thổ cẩm Tà Lài… H.Tân Phú đang tìm giải pháp để tạo ra những sản phẩm và chuỗi sản phẩm du lịch thu hút khách tham quan cũng như mời gọi các nhà đầu tư khai thác những tiềm năng du lịch của địa phương.

* Khám phá làng nghề và những vùng chuyên canh

Tân Phú không có những làng nghề cổ với tuổi đời trăm năm, nhưng vùng đất này lại mới hình thành một số làng nghề từ 2-3 thập niên. Bên cạnh đó, huyện còn xây dựng được những vùng chuyên canh các loại cây trồng chủ lực đem lại hiệu quả kinh tế cao và cũng có thể khai thác phát triển du lịch sinh thái vườn.

Làng nghề trầm hương nằm trên địa bàn 2 xã Phú Trung và Phú Sơn là làng nghề trầm lớn của cả nước. Làng nghề trầm hương Tân Phú có hơn 150 hộ gia đình tham gia vào hoạt động trồng cây dó bầu, tạo trầm, chế biến bán trầm thô, chưng cất, chiết xuất tinh dầu trầm hương tự nhiên... Đến với làng nghề trầm hương, du khách sẽ được lạc vào giữa những vườn cây dó bầu xanh mướt, hay lang thang trong những kho gỗ trầm thô mới thu hoạch. Thú vị hơn, du khách còn được xem và trải nghiệm công việc của những người thợ sủi trầm, được tìm hiểu hành trình tạo trầm trên cây dó bầu cho đến quy trình sơ chế, gia công các sản phẩm từ trầm như: nước cất hương trầm; tinh dầu trầm; sản phẩm thủ công mỹ nghệ từ trầm hương…

Rời làng trầm hương, du khách có thể đến với làng du lịch cộng đồng Tà Lài, nơi sinh sống của một số đồng bào dân tộc thiểu số. Tuy nhiên, nổi tiếng nhất là làng của đồng bào Mạ tại ấp 5, xã Tà Lài với nghề dệt thổ cẩm. Đây cũng là Làng du lịch cộng đồng được đầu tư, xây dựng, phát triển từ hơn 10 năm nay và đã được nhiều du khách gần xa biết đến. Trước năm 2019, làng du lịch cộng đồng Tà Lài là điểm đến lý tưởng của khách du lịch trong và ngoài nước. Thế nhưng, do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, Tà Lài đang ở giai đoạn trầm lắng do lượng khách du lịch giảm, đặc biệt là khách quốc tế.

Hoạt động du lịch ở Tà Lài vẫn đang được bà con nơi đây tìm cách khôi phục. Chị Ka Hương, một trong những nữ thanh niên Mạ ở xã Tà Lài cho biết: “Tôi luôn góp sức để khôi phục, phát triển du lịch Tà Lài và du lịch H.Tân Phú. Bởi phát triển du lịch sẽ tạo thêm việc làm, thu nhập cho bà con trong vùng; đồng thời, bảo tồn, lưu giữ và quảng bá những giá trị văn hóa, lịch sử của Tân Phú để phục vụ khách nội địa, quốc tế”.

Cùng với những làng nghề khá nổi tiếng, Tân Phú còn có những vùng chuyên canh lớn độc đáo như: vùng nuôi tôm càng xanh công nghệ cao ở xã Trà Cổ. Đến vùng nuôi tôm Trà Cổ, du khách có thể trải nghiệm hoạt động nuôi thủy sản và được nghe những câu chuyện sinh động về hành trình đưa con tôm càng xanh lên núi và những đặc trưng trong quy trình nuôi tôm của vùng đất Trà Cổ.

Ngoài ra, Tân Phú còn có những vùng trồng cây ăn trái nổi tiếng như: sầu riêng Phú An, bưởi da xanh Tà Lài, hay vùng trồng lúa trải dài hơn 3 ngàn ha nối liền các xã: Phú Điền, Phú Lâm, Phú Thanh và Phú Bình với những câu chuyện về làm lúa hữu cơ và thưởng thức hương vị chế biến từ nông sản.

* Đến với giá trị văn hóa, lịch sử và thiên nhiên

Bên cạnh những lợi thế về làng nghề, những vùng cây trồng, vật nuôi tập trung nổi tiếng, Tân Phú còn có những lợi thế về thiên nhiên như: rừng, hồ, thác… H.Tân Phú có nhiều di tích lịch sử, nơi lưu giữ những chiến công, sự hy sinh anh dũng của những chiến sĩ cách mạng trong các cuộc kháng chiến giành độc lập dân tộc. Trong đó có di tích lịch sử địa điểm ghi dấu sự kiện vượt ngục Tà Lài (xã Tà Lài) là nơi đã xảy ra sự kiện vượt ngục của các chiến sĩ cách mạng trong ngày 27-3-1941 dưới sự giúp đỡ của đồng bào dân tộc S'tiêng trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc.

Tân Phú đã hình thành và phát triển 3 dòng sản phẩm du lịch chính: du lịch sinh thái nghỉ dưỡng; du lịch cộng đồng (dạng Homestay) và du lịch nông nghiệp, nông thôn... Bên cạnh đó, Tân Phú còn có các sản phẩm du lịch khác như: Du lịch kết hợp hội thảo và tổ chức sự kiện (MICE); du lịch văn hóa - tâm linh; du lịch trải nghiệm - học tập, chăm sóc sức khỏe…

Tân Phú là vùng đất có nhiều danh thắng đẹp như: Suối Mơ, thác Hòa Bình, chùa Linh Phú, hồ Đa Tôn, thác Hàng ngang, Nhà dài... Đặc biệt, Vườn quốc gia Cát Tiên là khu rừng đa dạng sinh học; là điểm đến nổi tiếng không chỉ ở Việt Nam mà trên toàn thế giới, nhất là những nhà nghiên cứu khoa học. Từ lâu, Vườn quốc gia Cát Tiên đã trở thành biểu tượng du lịch của Tân Phú nói riêng và Đồng Nai nói chung.

Cùng với Vườn quốc gia Cát Tiên, Tân Phú còn có những địa danh nổi tiếng khác như: Khu du lịch Suối Mơ với diện tích 180ha; dự án Hồ Đa Tôn đang mời gọi đầu tư. Đây là hồ nước ngọt có vẻ đẹp thơ mộng, nếu tìm được doanh nghiệp có kinh nghiệm, năng lực đầu tư thì đây sẽ là điểm du lịch nổi tiếng Đông Nam bộ.

Giám đốc Công ty TNHH Du lịch trải nghiệm Trị An Adventure (H.Trảng Bom) Thân Văn Linh cho biết, công ty của anh đang khai thác điểm du lịch cộng đồng tại xã Phú Điền khá thành công, lượng khách đăng ký ngày một tăng. Bên cạnh đó, công ty của anh khai thác các sản phẩm du lịch khám phá, trải nghiệm hang động, rừng, thác… khá hiệu quả. Theo anh Linh, khách du lịch rất thích thú với những sản phẩm mà Trị An Adventure cung cấp trên địa bàn H.Tân Phú. Mỗi sản phẩm có một sắc thái độc đáo riêng nên khá ấn tượng với du khách.

Chia sẻ về hướng phát triển du lịch trong thời gian tới, Chủ tịch UBND H.Tân Phú Nguyễn Hữu Ký cho biết, Tân Phú sẽ tiếp tục phát huy tối đa những tiềm năng, lợi thế nguồn tài nguyên thiên nhiên sẵn có và các nguồn lực nhằm tạo bước đột phá phát triển du lịch của huyện. Theo đó, sản phẩm du lịch được tạo ra phải có sức cạnh tranh và thương hiệu mang đậm nét văn hóa, truyền thống của dân tộc. Phấn đấu đến năm 2030, Tân Phú trở thành huyện du lịch trọng điểm của tỉnh. Tiếp tục đẩy mạnh phát triển dịch vụ ẩm thực, mua sắm các sản phẩm nông nghiệp và sản phẩm OCOP của địa phương. Cùng với các sản phẩm du lịch làng nghề, ẩm thực..., Tân Phú hướng tới vừa thu hút, vừa kéo dài thời gian lưu trú và tăng chi tiêu của du khách để tăng thu nhập từ du lịch cho địa phương. Trên cơ sở đó, ngành du lịch huyện định hướng đầu tư phát triển cả phân khúc du lịch cao cấp (từ 3 sao trở lên) để thu hút du khách nghỉ dưỡng, trải nghiệm; kết hợp hội thảo, tổ chức sự kiện và cả phân khúc bình dân...

Ngọc Liên

 

Tin xem nhiều