Báo Đồng Nai điện tử
En

Đậu mùa khỉ: Căn bệnh hiếm gặp, dễ biến chứng

Phương Liễu (thực hiện)
08:40, 02/10/2023
Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh (CDC Đồng Nai) TS-BS Trần Minh Hòa. Ảnh: P.LIỄU

Vào tháng 7-2022, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cảnh báo đậu mùa khỉ là tình huống khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng khi dịch bệnh này đã lây lan ra 92 quốc gia, vùng lãnh thổ, với hơn 35 ngàn ca mắc.  Sau đó, WHO đã đưa dịch bệnh này ra khỏi tình huống khẩn cấp. Tuy nhiên, đây vẫn là dịch bệnh nguy hiểm.

Tuần qua, Việt Nam cũng đã xuất hiện 2 ca đậu mùa khỉ tại 2 tỉnh: Đồng Nai và Bình Dương. Theo Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh (CDC Đồng Nai)  TS-BS TRẦN MINH HÒA, trong khi chưa xác định được nguồn lây nhiễm của ca bệnh thì mỗi người dân cần chú ý đến công tác phòng tránh lây nhiễm.

* Bệnh đậu mùa khỉ là gì? Các dấu hiệu của bệnh như thế nào, thưa ông?

- Theo WHO, bệnh đậu mùa khỉ do virus có họ hàng với bệnh đậu mùa gây nên. Đây là bệnh truyền nhiễm từ động vật nên dễ lây truyền từ động vật sang người và có thể lây truyền từ người sang người.

Triệu chứng điển hình của bệnh đậu mùa khỉ là sốt, đau đầu dữ dội, đau cơ, đau lưng, suy nhược cơ thể, sưng hạch bạch huyết, phát ban. Thời gian kéo dài trong 2-3 tuần. Các nốt ban có xu hướng tập trung ở mặt, lòng bàn tay, lòng bàn chân, mắt, miệng, họng, bẹn và cơ quan sinh dục hoặc quanh vùng hậu môn. Ở một số người, bệnh chỉ xuất hiện các triệu chứng nhẹ nhưng một số người khác lại có các triệu chứng nặng hơn. Những người có nguy cơ cao mắc bệnh và biến chứng nặng là phụ nữ mang thai, trẻ em và người bị suy giảm miễn dịch.

* Cơ chế lây nhiễm của bệnh đậu mùa khỉ như thế nào? Mức độ nguy hiểm đến đâu?

- Bệnh đậu mùa khỉ lây qua các dịch tiết có mang virus từ các sang thương phát ban, đậu mụn nước, mụn mủ. Bệnh lây từ người sang người qua tiếp xúc gần, bao gồm qua tiếp mặt với mặt, cọ sát da với da, miệng với miệng hoặc miệng với da, gồm cả quan hệ tình dục.

Theo WHO, đậu mùa khỉ (Monkey pox) là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm do virus đậu mùa khỉ gây nên. Bệnh được phát hiện vào năm 1970 tại Cộng hòa Dân chủ Congo, nhưng đến những năm 1980 thì bị xóa sổ. Đến năm 2003, bệnh đậu mùa khỉ trỗi dậy và bùng phát tại hơn 90 quốc gia trên thế giới với hàng chục ngàn ca nhiễm, trong đó có một số ca tử vong.

Triệu chứng của bệnh đậu mùa khỉ tự mất đi trong vòng vài tuần. Tuy nhiên, ở một số người khi nhiễm bệnh có thể dẫn tới các biến chứng nghiêm trọng hoặc thậm chí tử vong, nhất là với trẻ sơ sinh, trẻ nhỏ, người già, người bị suy giảm miễn dịch. Các biến chứng ở bệnh đậu mùa khỉ bao gồm: nhiễm trùng da thứ phát, viêm phổi, lú lẫn và các vấn đề về mắt. Tỷ lệ tử vong do bệnh đậu mùa khỉ dao động khoảng từ 1-10%.

* Nhận định của ông thế nào về ca bệnh đậu mùa khỉ đầu tiên của Việt Nam xuất hiện trên địa bàn Đồng Nai?

- Qua điều tra dịch tễ về trường hợp ca bệnh dương tính với virus đậu mùa khỉ đầu tiên ở Đồng Nai, bệnh nhân được xác định là nam, 25 tuổi, thường trú tại xã Xuân Trường (H.Xuân Lộc). Ngày 2-9, bệnh nhân đi làm ở TP.HCM và ngày 17-9 thì khởi phát bệnh với các triệu chứng sốt, ớn lạnh, vã mồ hôi, ngứa, nổi mụn mủ ở cơ quan sinh dục. Ngày 22-9, bệnh nhân đi khám tại phòng khám tư, rồi khám bệnh tại Bệnh viện Da Liễu TP.HCM, ghi nhận hết sốt, còn ngứa, thêm các triệu chứng như nổi hạch bẹn, phát ban dạng mủ tại vùng mặt, niêm mạc miệng, lòng bàn tay, chân, cơ quan sinh dục. Nghi ngờ bệnh nhân nhiễm đậu mùa khỉ, Bệnh viện Da Liễu TP.HCM đã lấy mẫu gửi Viện Pasteur TP.HCM và cho kết quả dương tính với virus đậu mùa khỉ.

Đây là ca đậu mùa khỉ đầu tiên có địa chỉ thường trú tại Đồng Nai và trước mắt chưa xác định được nguồn lây nhiễm của ca bệnh. Về nguy cơ lây nhiễm trong cộng đồng, bệnh nhân có ngày khởi phát đầu tiên là 17-9, lúc đó đang ở TP.HCM. Trước đó, ngày 2-9 bệnh nhân có về nhà, tiếp xúc với 4 người thân trong gia đình nhưng trong giai đoạn ủ bệnh - không nằm trong thời kỳ lây nhiễm của bệnh đậu mùa khỉ nên nguy cơ lây nhiễm rất thấp.

Ảnh minh họa: Dấu hiệu nhận biết bệnh đậu mùa khỉ
Ảnh minh họa: Dấu hiệu nhận biết bệnh đậu mùa khỉ

* Vậy ngành Y tế Đồng Nai đã có những biện pháp nào để ngăn chặn nguy cơ lây nhiễm từ ca bệnh này ra cộng đồng, thưa ông?

- CDC Đồng Nai đã hướng dẫn các trường hợp có tiếp xúc với bệnh nhân theo dõi sức khỏe, nếu có triệu chứng khác thường phải báo ngay cho y tế hoặc chính quyền địa phương. CDC Đồng Nai cũng phối hợp với CDC TP.HCM tiếp tục điều tra lịch sử tiếp xúc của trường hợp bệnh với các đồng nghiệp, người thân xung quanh trong khoảng thời gian từ ngày 17-9 đến nay. Ngoài ra, trước khi khởi phát bệnh, bệnh nhân có tiếp xúc với bạn gái ở Bình Dương, vì vậy CDC tỉnh Đồng Nai đã chuyển thông tin trường hợp bạn gái bệnh nhân cho CDC tỉnh Bình Dương để tiến hành xác minh, điều tra, xử lý. Hiện người này cũng có triệu chứng bệnh đậu mùa khỉ.

* Với cơ chế lây như vậy, theo ông cần làm gì để phòng tránh bệnh đậu mùa khỉ hiệu quả?

- Người dân nên chủ động phòng tránh lây nhiễm bệnh đậu mùa khỉ bằng cách hạn chế tiếp xúc gần với người nghi nhiễm, đã nhiễm hoặc với động vật có thể bị nhiễm bệnh (như khỉ), thực hành tình dục an toàn. Bộ Y tế cũng đã có khuyến cáo đến cơ quan y tế các tỉnh, thành và người dân chủ động thực hiện các biện pháp phòng bệnh như: che miệng và mũi khi ho hoặc hắt hơi; không khạc nhổ bừa bãi nơi công cộng; thường xuyên rửa tay bằng xà phòng và nước sạch hoặc dung dịch sát khuẩn tay. Thường xuyên làm sạch và khử trùng môi trường có thể bị nhiễm virus từ người mắc bệnh. Nếu có những dấu hiệu nghi ngờ mắc bệnh, cần thông báo ngay cho cơ quan y tế để được tư vấn và xử trí kịp thời, không nên tự ý điều trị.

* Xin cảm ơn ông!

Phương Liễu (thực hiện)

Tin xem nhiều