Báo Đồng Nai điện tử
En

Phòng bệnh dại: Không thể chủ quan

Hạnh Dung
07:45, 23/08/2023

Dịch bệnh dại trên địa bàn tỉnh đang tiếp tục có những diễn biến phức tạp, số người bị chó dại (nghi bị bệnh dại) cắn ngày càng tăng.

Người dân tiêm vaccine phòng bệnh dại tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Đồng Nai, (ảnh nhỏ) Một người đàn ông bị chó cào, cắn trên tay

Các bác sĩ khuyến cáo, người dân khi bị chó, mèo cắn cần khẩn trương đi tiêm vaccine phòng bệnh dại càng sớm càng tốt. Những hộ nuôi chó, mèo cần tiêm vaccine phòng bệnh dại định kỳ cho chó, mèo, có biện pháp nhốt, rọ mõm, không thả rông chó, mèo ra đường, gây hậu quả nghiêm trọng.

Liên tiếp ghi nhận chó dại, nghi bị bệnh dại cắn người

BS CKII Dương Minh Tân, Phó giám đốc phụ trách Trung tâm Y tế H.Long Thành cho biết, từ đầu tháng 8 đến nay, trên địa bàn huyện ghi nhận 2 ổ dịch chó dại tại xã An Phước và xã Long Phước. Có 7 người được xác định bị chó mắc bệnh dại cắn hoặc có tiếp xúc với chó mắc bệnh dại.

Cụ thể, ngày 5-8, Trung tâm Y tế H.Long Thành phối hợp với Trạm Chăn nuôi - thú y xã An Phước, Trạm Thú y huyện, Chi cục Chăn nuôi và thú y Đồng Nai điều tra, lấy mẫu xét nghiệm virus dại đối với 1 con chó nghi ngờ bị bệnh dại tại ấp 7, xã An Phước. Kết quả xét nghiệm khẳng định con chó dương tính với virus bệnh dại.

4 người bị chó dại cắn ở huyện Long Thành

Chiều 22-8, thông tin từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Đồng Nai cho biết, đã có 4 người dân ở tổ 1, ấp Bình Lâm, xã Lộc An (H.Long Thành) bị chó dại cắn, cào.

Cụ thể, ngày 27-7, anh L.M.N., hàng xóm nhà ông Trần Hạnh Phúc (gia đình có con chó dại) sang nhà ông Phúc chơi, tiếp xúc với chó thì bất ngờ bị chó cắn vào miệng. Ngoài ra, còn có anh N.M.V. (em vợ ông Phúc); bà N.T.H. (vợ của ông Phúc) và chị T.N.B.N. (con ông Phúc) cũng bị chó cắn.

Theo điều tra dịch tễ, khoảng tháng 4-2023, có con chó lạ xuất hiện ở khu vực xung quanh nhà ông Trần Hạnh Phúc và tấn công con chó trong nhà ông này. Sau vài ngày thì con chó lạ chết.

Nhà ông Phúc có nuôi 2 con chó cỏ và 2 con mèo, toàn bộ đều chưa được tiêm vaccine phòng bệnh dại, thả rông và không rọ mõm, hàng ngày vẫn tiếp xúc với các con chó khác trong khu vực.

Ngày 17-8, con chó bị con chó lạ tấn công trước đó có biểu hiện tăng động bất thường, cào cấu, cắn xé và thay đổi tính tình. Trưa 19-8, con chó chết. Phát hiện chó chết, ông Phúc đã báo Trung tâm Y tế H.Long Thành và Trạm Chăn nuôi và thú y huyện để tiến hành lấy mẫu xét nghiệm. Ngày 20-8, kết quả xét nghiệm xác định con chó trên dương tính với virus bệnh dại.

Ông Nguyễn Trí Thành, chủ hộ nuôi chó cho hay, giữa tháng 7-2023, có con chó lạ chạy vào nhà ông và cắn một trong 3 con chó nuôi trong nhà rồi bỏ đi. Nửa tháng sau, con chó bị cắn có biểu hiện bỏ ăn, lừ đừ, sùi bọt mép. Gia đình ông đã nhốt con chó này vào lồng và báo với chính quyền địa phương; 2 con còn lại được nhốt cách ly trong lồng. Cả 3 con chó nhà ông Thành chưa được tiêm vaccine phòng bệnh dại.

Mặc dù con chó bị bệnh dại chưa cào, cắn ai nhưng do có tiếp xúc với chó và cho chó ăn hàng ngày nên ông Thành đã đi tiêm vaccine phòng bệnh dại sau khi thấy con chó có biểu hiện lạ.

Qua điều tra, cơ quan chức năng ghi nhận khu vực xung quanh nhà ông Thành có 17 hộ gia đình nuôi 30 con chó và 4 con mèo, hầu hết đều thả rông, không có rọ mõm. Trong đó, mới chỉ có 7 con chó được tiêm vaccine phòng bệnh dại, tiềm ẩn nguy cơ dịch bệnh dại trên đàn chó, mèo tại địa phương.

Mới đây, trên địa bàn ấp Phước Hòa, xã Long Phước (H.Long Thành) có 3 người và một số con chó nuôi bị một con chó lạ nghi ngờ bị bệnh dại cắn, tấn công.

Điều tra dịch tễ cho thấy, cả 3 người đang đi bộ ở ngoài đường thì bị con chó lạ có biểu hiện kích động, mắt đỏ chạy tới cắn vào chân, gây chảy máu khá nguy hiểm. Con chó này sau đó tiếp tục lao vào cắn 2 con chó nuôi khác rồi bỏ đi, người dân địa phương không biết chó của nhà ai, từ đâu tới.

Ngay sau khi bị chó lạ cắn, 3 người dân đã đi tiêm vaccine phòng bệnh dại và huyết thanh kháng dại SAR 1000UI tại Trung tâm Y tế H.Long Thành.

Nâng cao ý thức phòng bệnh của người dân

BS Phan Văn Phúc, Trưởng khoa Phòng chống bệnh truyền nhiễm (Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Đồng Nai) chia sẻ, sau 9 năm không ghi nhận trường hợp tử vong do bệnh dại trên người, từ cuối năm 2022 đến nay, toàn tỉnh đã ghi nhận 3 trường hợp tử vong do bệnh dại. Số ổ dịch chó dại tiếp tục có xu hướng tăng. Số người bị chó dại, nghi bị bệnh dại cắn cũng tăng, cho thấy dịch bệnh dại đang ở mức đáng báo động.

Nói về nguyên nhân dẫn đến dịch bệnh dại lan rộng trên địa bàn tỉnh, BS Phúc cho rằng, thời gian qua, do người dân chủ quan nên không tiêm vaccine phòng bệnh dại cho đàn chó, mèo. Kết quả điều tra tại các địa phương có ổ dịch chó dại cho thấy, tỷ lệ chó, mèo được tiêm chủng rất thấp.

Không những thế, nhiều gia đình có thói quen thả rông chó, mèo ra đường mà không rọ mõm, không có biện pháp để bảo vệ. Vì thế, khi một con chó bị bệnh dại sẽ đi cắn những con chó khác và cắn người làm lây lan virus dại. Ngoài những trường hợp sau khi bị chó cắn báo cáo cho chính quyền địa phương, còn có những người không báo cáo nên khả năng con số người dân bị chó dại cắn nhiều hơn số liệu ngành chức năng thống kê được.

Theo báo cáo của Sở NN-PTNT, ngoài những con chó mắc bệnh dại đã chết, từ đầu năm đến nay, cơ quan chức năng đã tiến hành tiêu hủy 8 con chó bị bệnh dại, nghi bệnh dại khác. Có 5/11 địa phương trong tỉnh ghi nhận có từ 1-3 ổ dịch chó dại gồm: Trảng Bom, Thống Nhất, Vĩnh Cửu, Nhơn Trạch, Long Thành. Điều này cho thấy mầm bệnh dại đã lây lan âm thầm trên diện rộng. Trong khi đó, ý thức phòng bệnh dại của nhiều người dân chưa cao.

Để phòng, chống dịch bệnh dại tiếp tục lây lan, Sở NN-PTNT đã giao Chi cục Chăn nuôi và thú y phối hợp chặt chẽ với các địa phương trong công tác giám sát, chủ động cảnh báo nguy cơ phát sinh dịch bệnh dại. Huy động toàn bộ lực lượng thú y để hỗ trợ các địa phương trong công tác phòng, chống dịch. Chuẩn bị đầy đủ vật tư, vaccine, thiết bị để phục vụ công tác phòng, chống dịch.

BS CKI Trần Mạnh Tuấn, Phó giám đốc phụ trách Trung tâm Y tế H.Thống Nhất cho biết, sau khi trên địa bàn huyện ghi nhận ca tử vong do bệnh dại tại TT.Dầu Giây, ngành Y tế đã tích cực phối hợp với Chi cục Thú y huyện tổ chức rà soát, tiêm vaccine phòng bệnh dại cho đàn chó, mèo trên địa bàn. Đồng thời, tổ chức tuyên truyền để người dân nắm rõ các quy định về tiêm vaccine cho vật nuôi, chủ động nhốt chó, mèo, không thả rông ra đường. Những ai bị chó, mèo cắn cần đi tiêm vaccine phòng bệnh dại ngay để tránh những hậu quả đáng tiếc.

Để phòng ngừa bệnh dại, theo BS Phan Văn Phúc, người dân không nên trêu chọc chó, tránh để bị chó, mèo cắn, cào. Nếu chẳng may bị chó, mèo cắn thì phải rửa sạch vết thương dưới vòi nước sạch từ 5-10 phút bằng xà phòng và sát khuẩn bằng dung dịch sát khuẩn thông thường. Không được nặn máu từ vết thương, không bôi, đắp bất cứ dung dịch, lá thuốc theo quan niệm dân gian để tránh nhiễm trùng vết thương, khiến virus xâm nhập vào sâu hơn trong cơ thể. Sau đó, đi tiêm vaccine phòng bệnh dại càng sớm càng tốt. Tùy thuộc vào vị trí trên cơ thể bị chó, mèo cắn và mức độ tổn thương, tình trạng sức khỏe của con chó/mèo, bác sĩ sẽ có chỉ định về số mũi tiêm cần thiết cho người dân.

Cần biện pháp mạnh trong phòng, chống bệnh dại

Tháng 12-2022, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 265 về Phòng, chống bệnh dại trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2022-2030, nhằm kiểm soát được bệnh dại trên đàn chó, mèo nuôi và phấn đấu không có người tử vong vì bệnh dại, góp phần bảo vệ sức khỏe người dân.

Theo kế hoạch này, UBND cấp huyện có thẩm quyền ra quyết định thành lập đội bắt chó chạy rông của địa phương để bắt giữ, xử lý các trường hợp chó, mèo thả rông ngoài đường không có người chăn dắt, không có dây xích, không đeo rọ mõm, chưa tiêm vaccine phòng bệnh dại. Đồng thời, tăng cường xử phạt các trường hợp vi phạm trong quản lý nuôi chó, mèo theo quy định.

Mỗi huyện, thành phố phải có ít nhất 1 điểm tiêm vaccine phòng bệnh dại có đủ cơ sở vật chất, trang thiết bị, vật tư, nguồn lực cho điều trị dự phòng, đảm bảo đủ trang thiết bị, vaccine và huyết thanh kháng bệnh dại đã được cấp phép sử dụng.

Tổng kinh phí thực hiện kế hoạch phòng, chống bệnh dại trên địa bàn tỉnh giai đoạn từ 2022-2030 là hơn 29,9 tỷ đồng.

Tuy nhiên cho đến nay, theo ghi nhận của các lực lượng chức năng, tình trạng chó thả rông, không đeo rọ mõm, không có dây xích còn khá nhiều. Tỷ lệ chó, mèo được tiêm vaccine phòng bệnh dại đạt thấp dẫn đến nguy cơ lây lan dịch bệnh dại trên diện rộng…

Do đó, rất cần có những biện pháp mạnh để đảm bảo an toàn sức khỏe cho người dân, nâng cao ý thức trách nhiệm của những gia đình nuôi chó, mèo. Đây là những việc cần phải làm ngay, không thể chủ quan hay chần chừ, bởi hậu quả gây ra chính là mạng sống và sức khỏe của người dân trong cộng đồng. 

An Yên

Hạnh Dung

Tin xem nhiều