Báo Đồng Nai điện tử
En

Gỡ khó cho chuỗi liên kết về nông nghiệp

Bình Nguyên
08:36, 19/08/2023

Nhằm thoát khỏi sản xuất nông nghiệp manh mún, nhỏ lẻ và luôn gặp khó khăn về đầu ra cho nông sản, Đồng Nai đã ưu tiên khuyến khích liên kết sản xuất, sơ chế và chế biến sâu.

Chuỗi liên kết sản xuất, chế biến cây ca cao tại H.Định Quán. Ảnh: B.Nguyên
Chuỗi liên kết sản xuất, chế biến cây ca cao tại H.Định Quán. Ảnh: B.Nguyên

Phó chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Phi khẳng định, việc liên kết sản xuất, sơ chế và chế biến sâu là yêu cầu bắt buộc để thoát khỏi tình trạng sản xuất nông nghiệp mang tính manh mún, nhỏ lẻ. Chỉ có liên kết mới đi được xa, có được hàng hóa lớn, có tên tuổi vững chắc và cạnh tranh được khi bước vào hội nhập.

* Liên kết để cùng thắng

Từ cuối năm 2018, cùng với việc thực hiện Nghị định 98/2018/NĐ-CP của Chính phủ, Đồng Nai đã ban hành Nghị quyết 143/2018/NQ-HĐND nhằm đẩy mạnh các chuỗi liên kết sản xuất trong nông nghiệp. Kết quả, toàn tỉnh đã có 22 dự án liên kết với sự tham gia của 16 doanh nghiệp, 20 HTX, 921 trang trại và hộ nông dân. Nhiều mô hình liên kết về chăn nuôi, trồng trọt đã mang lại hiệu quả cao.

Ông Trương Văn Mỹ, Giám đốc HTX Ca cao Suối Cát (H.Xuân Lộc) so sánh, trước đây nông dân tại địa phương trồng điều cho thu nhập rất thấp nhưng khi thành lập HTX, chuyển đổi sang trồng ca cao thì thu nhập tăng lên từ 200-300 triệu đồng/năm. Nông dân rất yên tâm và phấn khởi khi tham gia dự án Liên kết sản xuất và tiêu thụ ca cao vì được hỗ trợ từ chính sách cánh đồng lớn như: hướng dẫn áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, sản phẩm được bao tiêu... Hiện HTX tiếp tục xây dựng mô hình du lịch sinh thái vườn, vườn ca cao trở thành điểm tham quan, du lịch và là nơi học tập, trải nghiệm bổ ích cho các sinh viên, học sinh.

Theo ông NGUYỄN VĂN THẮNG, Phó giám đốc Sở NN-PTNT, các giải pháp ngành Nông nghiệp sẽ thực hiện trong thời gian tới gồm: tăng cường công tác tuyên truyền đến doanh nghiệp, HTX, nông dân; phát triển các hình thức tổ chức sản xuất đủ năng lực tham gia chuỗi liên kết; đẩy mạnh quảng bá, xúc tiến thương mại.

HTX Nông nghiệp công nghệ cao Long Thành Phát (H.Long Thành) là một trong những mô hình điểm trong chương trình liên kết, tiêu thụ sản phẩm của Đồng Nai khi đi đầu ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, sản phẩm xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản.

Ông Lê Văn Quyết, Chủ tịch Hội đồng quản trị HTX Nông nghiệp công nghệ cao Long Thành Phát chia sẻ, chỉ liên kết lại mới đi xa và phát triển bền vững. Nếu cứ làm rời rạc thì sẽ thua ngay trên sân nhà với cả lĩnh vực chăn nuôi, trồng trọt vì không doanh nghiệp nào đủ điều kiện làm việc với từng nông dân riêng lẻ. Lúc mới thành lập, HTX chỉ sản xuất được khoảng 500 ngàn con gà/năm thì nay tăng lên hàng triệu con/năm. Sự ra đời của HTX giúp giải quyết những bài toán khó về sản lượng, chất lượng, huy động được nguồn tài chính và nhất là tập hợp được nhiều doanh nghiệp trong các lĩnh vực sản xuất giống, sản xuất thức ăn chăn nuôi, giết mổ, chế biến, xuất khẩu... để xây dựng chuỗi liên kết theo quy trình khép kín.

* Cần đẩy nhanh giải ngân vốn hỗ trợ

Việc xây dựng chuỗi sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp tuy đã được chứng minh về hiệu quả nhưng vẫn còn nhiều hạn chế cần khắc phục như: số lượng chuỗi được phê duyệt còn ít, chưa tương xứng với tiềm năng của tỉnh; sự thiếu bền vững của các chuỗi liên kết do các bên chưa tuân thủ cam kết; một bộ phận nông dân còn tâm lý tham gia chuỗi liên kết để nhận hỗ trợ của Nhà nước; năng lực, vai trò của HTX trong chuỗi liên kết còn hạn chế...

Đặc biệt, quy mô các dự án được phê duyệt hỗ trợ còn nhỏ; số lượng nông dân tham gia ít… nên HTX, nông dân vẫn chưa tiếp cận được các chính sách, nhất là nguồn vốn hỗ trợ cho chuỗi liên kết. Giai đoạn 2018-2023, tổng kinh phí UBND tỉnh phê duyệt hỗ trợ cho các chuỗi liên kết trên địa bàn tỉnh là hơn 63,8 tỷ đồng nhưng đến nay chỉ mới giải ngân được hơn 10 tỷ đồng.

Một góc cánh đồng lớn trồng tiêu tại xã Lâm San, H.Cẩm Mỹ

Bà Hồ Thị Sự, Phó chủ tịch Hội Nông dân tỉnh nhận xét, khó khăn hiện nay là chuỗi liên kết vẫn thiếu tính bền vững. Cơ chế, chính sách hỗ trợ nhiều nhưng khi triển khai vào thực tế còn vướng về thủ tục, hồ sơ, mong các sở, ngành liên quan cùng quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi nhất; tháo gỡ những nút thắt, khó khăn để chính sách đi vào thực tế. Ngoài ra, các địa phương cần xây dựng được những chuỗi mẫu để nhân rộng vào thực tế.

Phó chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Phi nhấn mạnh, Đồng Nai có nhiều lợi thế về khí hậu, đất đai để phát triển nông nghiệp, đặc biệt lợi thế lớn nhất là nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, thị trường tiêu thụ nông sản lớn nhất nước. Đề nghị Sở NN-PTNT và các địa phương cần gỡ khó kịp thời để đẩy nhanh công tác giải ngân vốn hỗ trợ cho chuỗi liên kết. Ngành nông nghiệp phải cụ thể hóa các giải pháp bằng kế hoạch, chương trình để tham mưu cho UBND tỉnh; thực hiện hiệu quả công tác phối hợp để triển khai tốt hơn các chính sách hỗ trợ chuỗi liên kết trong giai đoạn tới.

Bình Nguyên

Tin xem nhiều