Báo Đồng Nai điện tử
En

FDI giữ vai trò chủ đạo trong phát triển công nghiệp

Khánh Minh
07:32, 31/08/2023

Đồng Nai là một trong những trung tâm lớn của Việt Nam về phát triển công nghiệp. Trong đó, doanh nghiệp (DN) có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) luôn giữ vai trò chủ đạo trong phát triển công nghiệp. Hơn 73% kim ngạch xuất khẩu của tỉnh thuộc về DN khối FDI.

Sản xuất linh kiện máy móc xuất khẩu tại Công ty Hữu hạn công nghiệp Boss ở Khu công nghiệp Sông Mây (H.Trảng Bom). Ảnh: K.MINH
Sản xuất linh kiện máy móc xuất khẩu tại Công ty Hữu hạn công nghiệp Boss ở Khu công nghiệp Sông Mây (H.Trảng Bom). Ảnh: K.MINH

Tính đến nay, Đồng Nai đã có hơn 30 năm thu hút đầu tư FDI, tổng vốn đăng ký gần 34 tỷ USD. Đồng Nai hiện là một trong 6 tỉnh, thành dẫn đầu cả nước về thu hút vốn FDI.

Đồng Nai đón dòng vốn FDI đầu tiên

Từ cuối những năm 1980, Đồng Nai đã bắt đầu mở cửa để đón các nhà đầu tư FDI vào tỉnh trên các lĩnh vực. Tuy nhiên, trước năm 1995, toàn tỉnh chỉ thu hút được 69 dự án đầu tư với tổng vốn đăng ký 1,8 tỷ USD.

Giai đoạn 1995-2000 được xem là đột phá của Đồng Nai trong tăng trưởng công nghiệp và các lĩnh vực khác khi có nhiều dự án FDI của các tập đoàn lớn đầu tư vào như: Fujitsu, Kao, Samsung, Kolon, Chrysler, CP, Cargill... Đồng Nai đã thành công khi đón được “làn sóng đầu tư nước ngoài” đầu tiên vào Việt Nam. Thời điểm này, trong mắt nhà các đầu tư FDI, Đồng Nai cũng như Việt Nam có môi trường đầu tư kinh doanh hấp dẫn. Trong đó, chi phí đầu tư, kinh doanh thấp hơn so với một số nước trong khu vực, lực lượng lao động dồi dào với giá rẻ. Các dự án FDI đa số đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp, sản xuất các mặt hàng để tiêu thụ ở thị trường trong nước và xuất khẩu. Vì thế, Đồng Nai trở thành trung tâm sản xuất công nghiệp lớn của Việt Nam. Đồng thời, tỉnh cũng là một trong 5 tỉnh, thành có thu hút vốn FDI, xuất khẩu, thu ngân sách lớn nhất cả nước.

Hội trưởng Hiệp hội Thương mại Đài Loan tại Đồng Nai Wu Ming Ying cho biết: “Nhiều DN Đài Loan đã đến Đồng Nai đầu tư từ đầu những năm 1990 và đa số thành công. Sau vài năm hoạt động hiệu quả, các DN đã tăng thêm vốn gấp 2-3 lần so với đăng ký ban đầu để mở rộng hoạt động sản xuất, kinh doanh. Các DN đầu tư vào Đồng Nai sớm và thành công đã giúp cho những DN FDI mới yên tâm chọn tỉnh làm nơi triển khai các dự án lớn”.

Hiện các DN Đài Loan đã đầu tư vào Đồng Nai khoảng 282 dự án với tổng vốn đăng ký gần 6 tỷ USD, đứng thứ 2 trong các quốc gia, vùng lãnh thổ đầu tư vào tỉnh.

Theo Cục Thống kê Đồng Nai, trong cơ cấu kinh tế của tỉnh thì công nghiệp - xây dựng chiếm hơn 60%. Kim ngạch xuất khẩu của khối FDI năm 2021 là hơn 15,9 tỷ USD; 2022 gần 18,3 tỷ USD và 8 tháng của năm 2023 hơn 10,4 tỷ USD.

Từ năm 2001-2010, Đồng Nai thu hút FDI trên 9 tỷ USD, bình quân mỗi năm vốn đăng ký 900 triệu USD. Dự án đầu tư lớn nhất trong giai đoạn này thuộc về Tập đoàn Formosa (Đài Loan) có vốn 951 triệu USD, Tập đoàn Hyosung (Hàn Quốc) với vốn đầu tư hơn 563 triệu USD. Cả hai dự án lớn trên đều sản xuất các loại sợi xuất khẩu.

Từ năm 2011 đến nay là giai đoạn Đồng Nai thu hút đầu tư dự án FDI có chọn lọc.

Theo Giám đốc Sở KH-ĐT Nguyễn Hữu Nguyên, Đồng Nai đi trước cả nước trong việc định hướng thu hút đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp có chọn lọc. Trong đó, tỉnh ưu tiên mời gọi dự án thuộc ngành công nghiệp hỗ trợ, các ngành sản xuất có công nghệ cao, ít ô nhiễm môi trường… Do đó, “làn sóng đầu tư nước ngoài” thứ 2 vào Đồng Nai phần lớn là những dự án phù hợp với định hướng ưu tiên thu hút đầu tư của tỉnh.

Tiến đến nền công nghiệp xanh

Hơn 3 năm trở lại đây, dịch bệnh Covid-19, khủng hoảng chính trị giữa Nga - Ukraine đã gây ảnh hưởng nặng nề đến nền kinh tế toàn cầu và Đồng Nai. Các chỉ tiêu về tăng trưởng kinh tế đa số không đạt so với kế hoạch năm đề ra. Thế nhưng, thu hút đầu tư FDI của tỉnh đều đạt hơn 1,3-1,4 tỷ USD/năm, vượt kế hoạch năm, dù thu hút đầu tư có chọn lọc. Điều này chứng tỏ sức hút của Đồng Nai với các DN FDI trên lĩnh vực công nghiệp vẫn rất lớn.

Nhiều tập đoàn FDI sau vài năm đầu tư vào tỉnh đã tăng vốn lớn để mở rộng sản xuất, chuyển đổi công nghệ đáp ứng đòi hỏi của khách hàng quốc tế là sản xuất xanh để phát triển bền vững. Các DN FDI đi đầu trong lĩnh vực này là: Nestlé, Bosch, Schaeffler, UPM, Fleming, Nok…

Tổng giám đốc Công ty TNHH Nestlé Việt Nam Binu Jacob chia sẻ, đổi mới sáng tạo và phát triển bền vững là hai yếu tố quan trọng đem lại lợi thế cạnh tranh cho DN về lâu dài, đồng thời giúp DN tạo ra giá trị cho nhà đầu tư và cộng đồng. Bên cạnh đó, còn hỗ trợ DN thực hiện các mục tiêu phát triển công nghiệp xanh, bền vững. DN phát triển bền vững sẽ tạo ra giá trị cho cổ đông và tác động tích cực đến xã hội, môi trường, làm chậm lại diễn biến tiêu cực của biến đổi khí hậu. Hiện Nestlé Việt Nam đầu tư nhiều nhà máy ở Đồng Nai và đều có công nghệ hiện đại sản xuất theo quy trình tuần hoàn.

Đồng Nai cũng là một trong 3 tỉnh, thành đang được Bộ KH-ĐT chọn làm thí điểm mô hình khu công nghiệp sinh thái theo tiêu chí toàn cầu tại Khu công nghiệp Amata (TP.Biên Hòa). Dự tính của tỉnh, khi có kết quả sẽ nhân rộng mô hình ra các khu công nghiệp khác trên địa bàn.

Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Hoàng cho biết: “Đồng Nai là tỉnh có quá trình hội nhập, phát triển công nghiệp sớm và mạnh ở vùng Đông Nam bộ. Nhiều năm qua, tỉnh luôn là địa phương nằm trong nhóm các tỉnh, thành phố dẫn đầu cả nước về phát triển công nghiệp, thu hút đầu tư FDI. Đạt được kết quả trên là do Đồng Nai có nhiều ưu thế về điều kiện tự nhiên, hạ tầng kỹ thuật, kinh tế - xã hội. Đồng Nai cam kết luôn đồng hành cùng DN”.

Đến cuối tháng 8-2023, Đồng Nai đã thành lập được 33 khu công nghiệp, trong đó 31 khu công nghiệp đang hoạt động. Hiện có gần 1,6 ngàn dự án FDI đầu tư vào tỉnh, chủ yếu vào lĩnh vực công nghiệp. Các DN FDI luôn đi đầu trong đổi mới công nghệ, chuyển đổi số để tham gia vào kinh tế tuần hoàn, sản xuất xanh, phát triển bền vững.

Khánh Minh

Tin xem nhiều