Báo Đồng Nai điện tử
En

Điều chỉnh giá điện hàng quý: Còn nhiều ý kiến trái chiều

08:48, 19/08/2023

Tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ ngày 5-8 vừa qua, Bộ Công thương đã đề xuất chu kỳ điều chỉnh giá điện tối thiểu 3 tháng/lần. Đề xuất này nhận được nhiều ý kiến trái chiều về tính khả thi khi áp dụng.

Nhân viên Công ty TNHH MTV Điện lực Đồng Nai kiểm tra hệ thống điều khiển điện tại Trạm biến áp 110kV Định Quán. Ảnh: H.Lộc

Điện là mặt hàng quan trọng và tác động trực tiếp đến mỗi lĩnh vực từ kinh tế vĩ mô đến đời sống từng người dân. Vì vậy, mức độ, chu kỳ điều chỉnh giá bán điện cần được tính toán kỹ.

* Dự thảo chu kỳ điều chỉnh 3 tháng/lần

Chia sẻ tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ ngày 5-8, Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải cho biết, Bộ đã nghiên cứu và dự thảo quy định rút ngắn chu kỳ điều chỉnh giá điện xuống còn 3 tháng/lần. Việc rút ngắn chu kỳ là nhằm phản ánh kịp thời biến động đầu vào, tránh điều chỉnh giật cục và phù hợp với quy định cập nhật giá điện hàng quý.

Trước đó, trong tháng 7-2023, Bộ Công thương đã xây dựng phương án với thời gian điều chỉnh giá điện tối thiểu là 3 tháng/lần. Phương án đưa ra các trường hợp tăng, giảm giá cụ thể. Về điều chỉnh giảm giá, nếu các yếu tố đầu vào giảm từ 1% trở lên so với giá hiện hành, EVN sẽ điều chỉnh giảm giá điện ở mức tương ứng.

Bộ Công thương đang lấy ý kiến về dự thảo quyết định thay thế Quyết định 24/2017/QĐ-TTg ban hành năm 2017 của Thủ tướng về cơ chế điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân. Ở dự thảo này, thời gian điều chỉnh giá điện là 3 tháng thay vì 6 tháng.

Tương tự, khi các yếu tố đầu vào tăng, giá điện sẽ được điều chỉnh. Việc điều chỉnh tăng sẽ được áp dụng như sau: Trường hợp giá điện tăng bình quân từ 3% đến dưới 5% thì EVN tự điều chỉnh, giá điện tăng từ 5% đến dưới 10% xin ý kiến Bộ Công thương và trường hợp giá điện điều chỉnh tăng trên 10%, xin ý kiến Thủ tướng Chính phủ.

Liên quan đến các đề xuất trên, Thủ tướng Chính phủ đã giao trong tháng 8-2023, Bộ Công thương hoàn thành và trình Chính phủ sửa đổi quy định về cơ chế điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân và cơ cấu biểu giá bán lẻ điện.

Nếu đề xuất của Bộ Công thương được chấp thuận, tới đây chu kỳ điều chỉnh giá điện sẽ được rút ngắn còn 3 tháng thay vì 6 tháng như quy định hiện hành. Bên cạnh những ý kiến đồng thuận, vẫn còn những ý kiến băn khoăn về tính khả thi nếu đưa vào áp dụng. Bởi lẽ từ năm 2017 đến nay áp dụng quy định chu kỳ điều chỉnh giá điện tối thiểu 6 tháng/lần nhưng không thực hiện được, nay rút còn 3 tháng sẽ khó thực hiện hơn. Bên cạnh đó, điều chỉnh tăng giá điện liên tục trong thời gian ngắn sẽ gây tâm lý hoang mang cho người dân. Về phía người dùng điện cho rằng, lâu nay ngành điện chỉ có điều chỉnh tăng mà ít khi điều chỉnh giảm giá bán. Sau mỗi lần điều chỉnh giá điện hầu hết các hàng hóa đều lập mặt bằng giá mới.

Điện là hàng hóa đặc biệt quan trọng, tác động đến mọi lĩnh vực của đời sống, xã hội. Vì thế mà chu kỳ, mức độ và thời điểm điều chỉnh phải được tính toán hợp lý tránh giật cục, gây tâm lý hoang mang cho người dùng điện.

* Khó thích ứng với tần suất tăng liên tục

Trên thực tế, lý giải của Bộ Công thương về việc rút ngắn chu kỳ điều chỉnh giá điện là vì thời gian qua, giá đầu vào phát điện liên tục tăng, nếu để 6 tháng hoặc 1 năm mới điều chỉnh giá bán thì mức điều chỉnh sẽ cao vừa bất lợi cho ngành điện vừa bất ổn cho nền kinh tế vĩ mô. Tuy nhiên, nếu cứ 3 tháng lại điều chỉnh giá điện một lần, thì người dân, doanh nghiệp (DN) sẽ khó thích ứng kịp.

Ông Nguyễn Văn Thanh, quản lý điện Công ty TNHH Hyosung Đồng Nai ở Khu công nghiệp Nhơn Trạch 5 (H.Nhơn Trạch) cho rằng, điện là một trong những yếu tố quan trọng cấu thành giá sản phẩm. Nếu như 1 năm thay đổi giá điện đến 4 lần sẽ rất khó cho DN. Vì hàng năm, DN phải xây dựng kế hoạch sản xuất kinh doanh, kế hoạch này thường duy trì cả năm hoặc ít nhất 6 tháng mới điều chỉnh, nếu cứ 3 tháng điều chỉnh giá điện DN sẽ không thích ứng kịp.

“Chúng tôi có những đối tác ký hợp đồng 1 năm, thậm chí 2 năm. Khi đã ký hợp đồng, DN phải chịu toàn bộ các rủi ro liên quan đến yếu tố đầu vào. Việc thay đổi giá điện hàng quý trong trường hợp giảm không có gì đáng nói nhưng nếu cả 4 lần đều tăng sẽ vô cùng khó khăn” - ông Thanh cho hay.

Cùng chia sẻ vấn đề này, ông Nguyễn Đình Quy, Phó giám đốc kỹ thuật Công ty CP Visual Plastic ở Khu công nghiệp Biên Hòa 2 (TP.Biên Hòa) cho rằng, đặc thù ngành nhựa chi phí tiền điện chiếm hơn 40% giá thành. Nếu cứ 3 tháng lại tăng giá điện chắc chắn DN phải thu hẹp sản xuất hoặc chuyển sang nguồn nhiên liệu khác chứ khó chạy theo chu kỳ giá điện.

“Khi giá điện tăng thì chi phí tiền điện tăng, kèm theo đó là các nguyên vật liệu đầu vào sẽ tăng trong khi công ty không thể hàng quý tăng giá bán hàng với khách. Giải pháp sắp tới của công ty là chuyển sang dùng điện mặt trời áp mái theo hình thức hợp tác đầu tư. Nhà đầu tư điện mặt trời sẽ lắp các tấm pin trên mái nhà xưởng và bán điện cho công ty. Điện mặt trời vừa có giá thấp hơn vừa là năng lượng sạch” - ông Quy nói.

Không chỉ DN sản xuất, mà đơn vị kinh doanh dịch vụ, người dân dùng điện cũng khó thích ứng khi giá điện điều chỉnh hàng quý. Thực tế thời gian qua cho thấy, sau mỗi lần điều chỉnh giá điện, mức tăng dù không lớn (lần gần đây nhất tháng 5-2023 là tăng 3%) cũng đều tác động nhiều đến hoạt động sản xuất, kinh doanh, sinh hoạt và tiêu dùng.

Hoàng Lộc

Từ khóa:

giá điện

Tin xem nhiều