Báo Đồng Nai điện tử
En

Đề xuất điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021-2025

09:00, 15/08/2023

Nguồn vốn còn lại theo kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 phải thực hiện trong 2 năm 2024 và 2025 trên địa bàn Đồng Nai là rất lớn và khó có thể giải ngân hết. Do đó, cần thiết phải rà soát và điều chỉnh lại kế hoạch đầu tư công trong giai đoạn này cho phù hợp với thực tế.

Dự án Xây dựng hương lộ 2 đoạn 1 - giai đoạn 1 nhiều năm qua chưa thể hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng. Ảnh: P.Tùng

Sở KH-ĐT vừa đề xuất UBND tỉnh cho phép phối hợp với các sở, ngành và các địa phương rà soát để lên phương án điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025.

* Khó “tiêu” hết gần 60 ngàn tỷ đồngtrong 2 năm

Theo kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn tỉnh sau điều chỉnh, tổng vốn đầu tư công của tỉnh là hơn 93 ngàn tỷ đồng.

Theo ông Phan Trung Hưng Hà, Phó giám đốc Sở KH-ĐT, trong tổng vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025, tổng vốn đã bố trí tính đến hết năm 2023 là 35 ngàn tỷ đồng. Như vậy, để hoàn thành mục tiêu giải ngân theo kế hoạch vốn ban đầu, trong 2 năm còn lại của giai đoạn này, Đồng Nai phải giải ngân được nguồn vốn khoảng 58 ngàn tỷ đồng. Đây là thách thức rất lớn và trong bối cảnh hiện nay, rất khó để có thể hoàn thành được mục tiêu này.

Tại buổi làm việc về tình hình giải ngân nguồn vốn đầu tư công trên địa bàn tỉnh vào đầu tháng 8 vừa qua, Quyền Chủ tịch UBND tỉnh VÕ TẤN ĐỨC đã giao Sở KH-ĐT rà soát lại kế hoạch đầu tư công cụ thể cho 2 năm 2024 và 2025 để trình xin ý kiến các thành viên UBND tỉnh hướng thực hiện điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025.

Trên thực tế, nhiều năm qua, công tác giải ngân nguồn vốn đầu tư công trên địa bàn tỉnh gặp rất nhiều khó khăn và hầu như đều không thể hoàn thành mục tiêu giải ngân hàng năm đã đề ra. Do đó, việc phải giải ngân nguồn vốn gần 60 ngàn tỷ đồng trong 2 năm còn lại của giai đoạn 2021-2025 gần như bất khả thi.

Phó chánh Văn phòng UBND tỉnh Lê Sỹ Lâm cho biết, qua theo dõi của Văn phòng UBND tỉnh, trong 3 năm đầu của giai đoạn 2021-2025, mỗi năm kế hoạch vốn đầu tư công trên địa bàn tỉnh chỉ nằm trong mức từ 12-14 ngàn tỷ đồng. Do đó, với số vốn còn lại theo kế hoạch, trong 2 năm tới, mỗi năm phải thực hiện giải ngân khoảng 29 ngàn tỷ đồng là rất lớn và rất khó để hoàn thành.

* Xây dựng lại “kịch bản” kế hoạch vốn đầu tư công

Từ thực tế khó có thể “tiêu” hết vốn theo kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 trong 2 năm còn lại, đầu tháng 8 vừa qua, tại buổi làm việc về tình hình giải ngân nguồn vốn đầu tư công trên địa bàn tỉnh, nhiều đơn vị đã kiến nghị cần có sự rà soát, điều chỉnh lại kế hoạch đầu tư công trong giai đoạn này.

Ông Lê Sỹ Lâm đề xuất UBND tỉnh giao Sở KH-ĐT phối hợp với các sở, ngành rà soát kỹ và chốt lại phương án để xử lý kế hoạch vốn đầu tư công trong 2 năm 2024 và 2025. “Thời điểm hiện nay cần bắt đầu xây dựng lại kế hoạch vốn đầu tư công trung hạn cho giai đoạn 2021-2025 bởi lẽ quỹ thời gian chỉ còn 2 năm. Cần tính toán, có kế hoạch điều chỉnh giảm vốn để thực hiện đạt mục tiêu” - ông Lê Sỹ Lâm kiến nghị.  

Đồng thuận với kiến nghị này, ông Phan Trung Hưng Hà đưa ra giải pháp về tổng nguồn vốn đầu tư công trung hạn của giai đoạn 2021-2025. Theo đó, trước mắt Sở KH-ĐT sẽ phối hợp với các sở, ngành và các địa phương rà soát lại tổng nguồn để có thể xây dựng lại “kịch bản” về nguồn vốn, cũng như lộ trình thực hiện giải ngân vốn đầu tư công cho 2 năm còn lại của giai đoạn này.

Theo kế hoạch vốn đã xây dựng, trong 2 năm còn lại của giai đoạn 2021-2025, nguồn vốn đầu tư công trên địa bàn tỉnh còn khoảng 58 ngàn tỷ đồng. Việc huy động đủ nguồn vốn theo kế hoạch này không thật sự khả thi. Bởi, trong tổng kế hoạch vốn đầu tư công trung hạn của giai đoạn này có đến 45 ngàn tỷ đồng, tức chiếm gần 50% kế hoạch vốn, được xác định đến từ việc bán đấu giá đất. Thế nhưng, việc bán đấu giá đất đang gặp rất nhiều khó khăn và khó có thể đạt được mục tiêu đã đề ra.

Chính vì vậy, việc rà soát, điều chỉnh lại kế hoạch vốn đầu tư công trung hạn cho toàn giai đoạn 2021-2025 là rất cần thiết để phù hợp với tình hình huy động nguồn vốn, tính khả thi trong lộ trình giải ngân nguồn vốn.

Phạm Tùng

Tin xem nhiều