Báo Đồng Nai điện tử
En

Chuyển biến tích cực về chuyển đổi số

07:34, 18/08/2023

Sự thay đổi về nhận thức của người đứng đầu, lãnh đạo các cấp ủy Đảng, chính quyền, cơ quan, đơn vị, địa phương là một trong những yếu tố quan trọng góp phần thúc đẩy chuyển đổi số tại Đồng Nai trên cả 3 trụ cột. Đó là chính quyền số, kinh tế số và xã hội số.

Người dân trải nghiệm công nghệ ảo Metaverse để đi du lịch tại hội thảo do Sở KH-CN tổ chức. Ảnh: H.DUNG

Qua đó, từng bước đổi mới căn bản, toàn diện hoạt động quản lý, điều hành của các cơ quan nhà nước trên địa bàn tỉnh; các hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp; lối sống, cách làm việc của người dân…

Kết quả bước đầu đáng ghi nhận

Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Sơn Hùng cho biết, sau khi Nghị quyết số 05-NQ/TU ngày 28-3-2033 của Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XI về chuyển đổi số tỉnh Đồng Nai đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030 (Nghị quyết 05) được ban hành, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, các kế hoạch, chương trình nhằm thúc đẩy chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh.

Sáng 18-8, tại Hội trường Tỉnh ủy, Tỉnh ủy tổ chức hội nghị sơ kết 1 năm thực hiện Nghị quyết số 05-NQ/TU ngày 28-3-2022 của Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh về Chuyển đổi số tỉnh Đồng Nai đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030.

Tỉnh cũng đã đầu tư xây dựng hoàn thiện Trung tâm Tích hợp dữ liệu; Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính của tỉnh (phần mềm Một cửa điện tử và Cổng Dịch vụ công tỉnh) kết nối với Cổng Dịch vụ công quốc gia và được triển khai đồng bộ từ cấp tỉnh đến cấp xã để phục vụ người dân, doanh nghiệp nộp hồ sơ thủ tục hành chính qua mạng.

Nhiều cơ sở dữ liệu nền được hình thành như: công dân, nhân hộ khẩu, đất đai, cán bộ, công chức, viên chức, thủ tục hành chính… Các sở, ngành, địa phương đã triển khai Phần mềm quản lý cơ sở dữ liệu chuyên ngành nhằm mô phỏng toàn bộ hoạt động và hình thành dữ liệu dùng chung trong từng cơ quan, đơn vị và địa phương. Hiện, đang tiếp tục thu thập, xây dựng cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử, kết nối với cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử toàn quốc. Bước đầu hình thành cơ sở dữ liệu hạ tầng đô thị trên nền GIS (hệ thống thông tin địa lý) với các lớp dữ liệu về đất đai, quy hoạch, xây dựng, giao thông.

Đại tá Trần Tiến Đạt, Phó giám đốc Công an tỉnh cho biết, triển khai dự án cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, đến nay cơ quan chức năng đã thu thập, cập nhật dữ liệu dân cư của hơn 3,1 triệu người có hộ khẩu thường trú và gần 300 ngàn người tạm trú tại Đồng Nai. Công an Đồng Nai cũng đã hoàn thành, vượt 2 chỉ tiêu quan trọng. Đó là cấp căn cước công dân cho 2,7 triệu người và cấp 1,5 triệu tài khoản định danh điện tử cho công dân trong tỉnh.

Nhằm từng bước xây dựng chính quyền số, có 3 xã trong tỉnh đã được lựa chọn để thực hiện thí điểm. Đó là xã Long Phước, H.Long Thành; xã Bình Lợi, H.Vĩnh Cửu và xã Bảo Hòa, H.Xuân Lộc. Qua hơn 1 năm thực hiện cho thấy, công tác chuyển đổi số ở các địa phương có nhiều chuyển biến tích cực, nhận được sự hưởng ứng, đồng tình cao từ phía người dân.

Chị Phạm Thị Nhàn, người dân xã Bình Lợi chia sẻ, nhiều người dân địa phương đã quen với việc thực hiện các thủ tục hành chính trên mạng. Ở khu vực chị sinh sống, hầu hết các gia đình đều có mạng internet, điện thoại thông minh. Riêng bản thân chị, khi có giao dịch mua bán gì đều thực hiện thanh toán qua thẻ, qua app chứ không dùng tiền mặt như trước.

Vẫn còn nhiều việc phải làm

Bên cạnh những kết quả đạt được, phải thẳng thắn nhìn nhận công tác chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh Đồng Nai còn nhiều hạn chế cần phải khắc phục.

Trung tâm Điều hành thông minh TP.Biên Hòa được đưa vào vận hành từ tháng 11-2021đến nay

Đó là tỷ lệ các dịch vụ công trực tuyến phát sinh hồ sơ và tỷ lệ hồ sơ trực tuyến của tỉnh còn thấp, đặc biệt là ở cấp huyện, xã. Nhân lực về công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong các cơ quan nhà nước trên địa bàn tỉnh còn rất mỏng, chưa đảm bảo để triển khai chuyển đổi số, thành phố thông minh. Tổ Công nghệ số cộng đồng tuy được thành lập cơ bản đầy đủ với hơn 1 ngàn tổ và hơn 6,4 ngàn thành viên nhưng vẫn chưa có cơ chế, chính sách hỗ trợ kinh phí từ ngân sách nhà nước để khuyến khích, tạo động lực đẩy mạnh hoạt động hiệu quả.

Tháng 2-2023, Nền tảng số - Ứng dụng Đồng Nai CĐS đã chính thức được triển khai. Đến nay, đã hoàn thành việc xây dựng, cài đặt cấu hình và đưa ứng dụng lên chợ AppStore, CHPlay; thu thập, kết nối dữ liệu giai đoạn 1 tại 12 đơn vị trong tỉnh và 6 cơ quan trung ương gồm: phiên bản dành cho người dân (thông tin thuê nhà, khuyến mại, ăn, uống, du lịch, giải trí, việc làm…), phiên bản dành cho doanh nghiệp (dịch vụ công liên quan đến doanh nghiệp, diễn đàn doanh nghiệp, thông tin sản phẩm…).

Theo Giám đốc Sở TT-TT Tạ Quang Trường, chuyển đổi số là quá trình thay đổi toàn diện của cá nhân, tổ chức về cách sống, cách làm việc và phương thức sản xuất dựa trên các công nghệ số. Do đó, để chuyển đổi số thành công, trước hết cần phải thay đổi nhận thức của người đứng đầu cơ quan, đơn vị, địa phương. Khi người đứng đầu có nhận thức đúng, hành động quyết liệt sẽ kéo theo cả bộ máy cùng thay đổi. Dĩ nhiên, cần phải có cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin, trang thiết bị đồng bộ, hiện đại…

Đặc biệt, cần phải tuyên truyền sâu rộng để người dân, doanh nghiệp hiểu được lợi ích và chủ động thực hiện chuyển đổi số. Điều này có ý nghĩa quan trọng để xây dựng thành công công chính quyền số, kinh tế số và xã hội số.

Tại cuộc họp về phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh 7 tháng đầu năm 2023 mới đây, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Hồng Lĩnh đề nghị các sở, ngành, địa phương trong tỉnh cần tiếp tục cố gắng hơn nữa trong thực hiện chuyển đổi số. Cần phải gắn chuyển đổi số với cải cách hành chính và thực hiện các tiêu chí về năng lực cạnh tranh cấp tỉnh.

Hạnh Dung

Tin xem nhiều
Liên kết hữu ích