Tỷ lệ độ che phủ rừng là một trong những tiêu chí đánh giá sự phát triển kinh tế - xã hội mang tính bền vững của một địa phương, khu vực, quốc gia.
Tỷ lệ độ che phủ rừng là một trong những tiêu chí đánh giá sự phát triển kinh tế - xã hội mang tính bền vững của một địa phương, khu vực, quốc gia. Theo đánh giá của Bộ NN-PTNT, Đồng Nai có diện tích rừng và tỷ lệ độ che phủ rừng cao nhất khu vực Đông Nam bộ.
Du khách tham quan rừng thuộc Khu Bảo tồn thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai (H.Vĩnh Cửu). Ảnh: B.Nguyên |
Đạt được thành quả trên không chỉ do Đồng Nai có lợi thế lớn về nguồn tài nguyên rừng, mà còn do tỉnh luôn đặt mục tiêu bảo vệ, phát triển rừng lên hàng đầu. Trong đó, ngành lâm nghiệp nói chung, lực lượng kiểm lâm nói riêng luôn giữ vai trong tiên phong thực hiện mục tiêu bảo vệ rừng, phục hồi hệ sinh thái rừng, trồng phủ xanh đất trống, bảo vệ môi trường, đa dạng sinh học.
* Giữ rừng luôn xanh
Theo Quyết định số 2357/QĐ-BNN-KL ngày 14-6-2023 của Bộ NN-PTNT về việc công bố hiện trạng rừng toàn quốc năm 2022, đến hết năm 2022, cả nước có gần 14,8 triệu ha rừng. Trong đó, rừng tự nhiên trên 10,1 triệu ha. Diện tích rừng đủ tiêu chí tính tỷ lệ che phủ gần 14 triệu ha. Tỷ lệ độ che phủ rừng toàn quốc đạt trên 42%. vùng Bắc Trung bộ và duyên hải miền Trung là khu vực có tỷ lệ độ che phủ rừng cao nhất toàn quốc với tỷ lệ trên 54,2%. Vùng đồng bằng sông Cửu Long là nơi có tỷ lệ độ che phủ rừng thấp nhất với tỷ lệ hơn 5,4%.
Tại Đông Nam bộ, tổng diện tích có rừng gần 479,4 ngàn ha, tỷ lệ độ che phủ rừng trên 19,6%. Trong đó, Đồng Nai diện tích có rừng gần 181,4 ngàn ha. Trong đó, rừng đặc dụng chiếm 57,9%, rừng phòng hộ chiếm 22,4%, rừng sản xuất chiếm 19,7%. Tỷ lệ độ che phủ rừng đạt 29,24% và được duy trì trong hơn 10 năm qua.
Theo Phó chủ tịch UBND tỉnh VÕ VĂN PHI, những cố gắng, kết quả đạt được của Kiểm lâm Đồng Nai đã góp phần khắc phục dần tình trạng suy thoái rừng, tỷ lệ che phủ rừng đạt trên 29%, đảm bảo chỉ tiêu theo Nghị quyết của Tỉnh ủy, HĐND tỉnh đề ra và phát triển bền vững kinh tế - xã hội tỉnh Đồng Nai. Thời gian tới, lực lượng kiểm lâm cần tiếp tục phát huy, phấn đấu thi đua thực hiện mục tiêu 3 giảm: giảm diện tích rừng bị cháy, bị phá; giảm số vụ vi phạm; giảm sai sót về chuyên môn nghiệp vụ. |
Với tỷ lệ trên, Đồng Nai là địa phương có diện tích rừng và tỷ lệ độ che phủ rừng cao nhất khu vực Đông Nam bộ. Ngoài ra, Đồng Nai có khu dự trữ sinh quyển thứ 211 của thế giới, thành công trong công tác bảo tồn voi hoang dã, các loài linh trưởng, là điểm duy nhất ở Việt Nam có thể xem thú rừng tự nhiên.
Mấy mươi năm trước, độ che phủ rừng của Đồng Nai đạt 47,8%. Tuy nhiên, những năm sau đó, do yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, khai thác rừng để xây dựng thủy điện Trị An; bên cạnh đó, người dân dựa vào rừng để khai thác lâm sản trong thời kỳ bị cấm vận kinh tế, hệ thống pháp luật chưa đầy đủ, nhận thức về bảo vệ tài nguyên rừng của người dân còn hạn chế nên đã dẫn đến tình trạng khai phá rừng, khai thác lâm sản không đúng quy hoạch, cho nên độ che phủ rừng của tỉnh ngày càng giảm, chỉ còn 25,48%.
Trước bối cảnh đó, vào năm 1997, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 631/QĐ-UBT về việc đóng cửa tất cả các loại rừng tự nhiên trên địa bàn Đồng Nai, là quyết định đóng cửa rừng tự nhiên sớm nhất cả nước, nhằm phục hồi, bảo vệ tốt diện tích rừng tự nhiên.
Sau hơn 25 năm đóng cửa rừng tự nhiên, rừng ở Đồng Nai đã từng bước phục hồi, nhiều diện tích rừng phủ một màu xanh tràn đầy sức sống. Đây là nhờ chủ trương xuyên suốt trong công tác bảo vệ, phát triển rừng của cả hệ thống chính trị, trong đó có vai trò rất quan trọng của ngành lâm nghiệp tỉnh.
* Vai trò xung kích của lực lượng kiểm lâm
Kiểm lâm Đồng Nai vừa tổ chức kỷ niệm 47 năm xây dựng và phát triển. Ôn lại lịch sử hình thành của ngành, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Đồng Nai Ngô Văn Vinh chia sẻ, mục tiêu chung, xuyên suốt, kiên định của lực lượng kiểm lâm Đồng Nai từ khi thành lập đến nay là bảo vệ rừng, phục hồi hệ sinh thái rừng, trồng phủ xanh đất trống, bảo vệ môi trường, đa dạng sinh học.
Ngay từ những ngày đầu thành lập, Kiểm lâm Đồng Nai đã tập trung kiện toàn tổ chức và nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, thực thi pháp luật cho lực lượng kiểm lâm và lực lượng bảo vệ rừng. Đào tạo, huấn luyện chuyên sâu nghiệp vụ quản lý, bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng. Đồng thời, trang bị các phương tiện, thiết bị bảo vệ rừng và chữa cháy rừng; nâng cao năng lực dự báo...
Đặc biệt, Chi cục Kiểm lâm Đồng Nai luôn tạo điều kiện, động viên công chức có trình độ trung cấp, sơ cấp tham gia đào tạo bổ sung trình độ đại học để đạt chuẩn vị trí việc làm. Cử công chức tham gia các lớp đào tạo sau đại học, góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đảm bảo đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong giai đoạn mới khi bộ máy ngày càng tinh giản, đòi hỏi không ngừng ứng dụng khoa học công nghệ, chuyển đổi số trong công tác quản lý, bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng để đạt hiệu quả cao.
Ngành lâm nghiệp tỉnh rất quan tâm ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý, bảo vệ rừng. Được sự quan tâm của Tỉnh ủy, UBND tỉnh và các nguồn lực hỗ trợ khác, Chi cục Kiểm lâm Đồng Nai ưu tiên đầu tư nhiều trang thiết bị hiện đại, ứng dụng công nghệ trong công tác quản lý rừng như: trong việc cập nhật theo dõi diễn biến rừng, xây dựng bản đồ trồng rừng, bản đồ xác nhận hiện trạng rừng và đất lâm nghiệp phục vụ cho công tác chuyển mục đích sử dụng rừng, bản đồ quy hoạch 3 loại rừng, phòng cháy chữa cháy rừng…
Bằng việc số hóa thông tin, ngành Nông nghiệp tỉnh đã quản lý rừng và đất lâm nghiệp hiệu quả; đồng thời, các cơ quan từ tỉnh đến huyện, xã cũng dễ dàng theo dõi để quản lý, bảo vệ rừng.
Bình Nguyên