Phát triển kinh tế tuần hoàn là một trong những nhiệm vụ trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2030 của Việt Nam.
[links()]Phát triển kinh tế tuần hoàn (KTTH) là một trong những nhiệm vụ trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2030 của Việt Nam. Mô hình này được kỳ vọng tạo ra cơ hội tăng trưởng kinh tế, việc làm và giảm tác động môi trường.
Lãnh đạo Chính phủ, Bộ TN-MT tham quan mô hình kinh tế tuần hoàn trong sản xuất cà phê của Công ty Nestlé Việt Nam tại hội nghị môi trường toàn quốc lần thứ V-2022. Ảnh: Công ty cung cấp |
Đồng hành với các doanh nghiệp (DN) thực hiện KTTH, Đồng Nai đã có nhiều chính sách, đồng thời kiến nghị Chính phủ, các bộ, ban, ngành có cơ chế khuyến khích phát triển năng lượng tái tạo.
* Tuần hoàn nước thải, chất thải rắn
Tập đoàn Nestlé là một trong số DN nước ngoài có các cam kết mạnh mẽ về môi trường. Tổng giám đốc Công ty TNHH Nestlé Việt Nam Binu Jacob cho biết: “Tất cả nhà máy của Nestlé tại Đồng Nai cũng như ở các tỉnh, thành khác tại Việt Nam đều đã hoàn thành mục tiêu không chất thải ra môi trường trong sản xuất. Nestlé đang áp dụng nhiều giải pháp để giảm, tiến tới không phát thải ra môi trường trong suốt vòng đời sản phẩm”.
Cụ thể, Nestlé Việt Nam đã tái sử dụng bã cà phê làm phân bón, chất đốt. Tro đốt bã cà phê được tái sử dụng thêm lần nữa để sản xuất gạch không nung. Ngoài ra, DN cùng các đối tác thu gom và tái chế vỏ hộp sữa; hỗ trợ xử lý nhựa không thể tái chế và nhựa có giá trị thấp. Đặc biệt là tham gia Liên minh Chống rác thải nhựa Việt Nam để thúc đẩy phân loại, thu gom, tái chế bao bì.
Vài năm trở lại đây, KTTH trở thành vấn đề của nhiều diễn đàn, chương trình thảo luận. Dưới góc độ kinh tế, mô hình này giúp tiết kiệm chi phí thông qua tiết kiệm, tái sử dụng nguyên liệu. Về môi trường, giảm khai thác tài nguyên thiên nhiên. Ở khía cạnh xã hội, nhiều việc làm mới, sản phẩm thân thiện với môi trường được tạo ra.
Chia sẻ tại diễn đàn Kinh tế xanh năm 2022, Giám đốc Truyền thông, đối ngoại và tính bền vững thương hiệu Unilever Việt Nam Lê Thị Hồng Nhi cho rằng, người tiêu dùng đang có xu hướng ủng hộ các DN và sản phẩm có sứ mệnh phù hợp với mục đích sống của họ. Unilever đã xây dựng hệ thống thu gom, xử lý rác thải nhựa nhiều hơn lượng bao bì bán ra, giảm 1/2 lượng nhựa nguyên sinh trong bao bì sản phẩm. Những nỗ lực này giúp DN chinh phục được nhiều khách hàng, đổi tác mới.
Ông Nguyễn Minh Hoàng, Giám đốc Công ty CP Visual Plastic ở Khu công nghiệp (KCN) Biên Hòa 2 (TP.Biên Hòa) cho biết, DN sản xuất nhựa nên rất tốn nước. Để tiết kiệm nước trong sinh hoạt, công ty đã lắp các cảm biến, trường hợp công nhân quên khóa vòi thì nước sẽ tự động tắt sau 30 giây. Đối với nước sản xuất, công ty có hẳn các bồn xử lý để tái sử dụng. Riêng với nguyên liệu nhựa, công ty đầu tư máy trộn để giảm tỷ lệ hao hụt nguyên liệu, đạt màu chuẩn. Từ khi đầu tư máy trộn, tỷ lệ hao hụt nguyên liệu giảm hơn 10%.
* Phát triển năng lượng tái tạo
Trong công nghiệp, KTTH và năng lượng tái tạo là 2 nội dung song hành. DN có thể tạo năng lượng từ nước thải, rác thải hoặc mái nhà xưởng; và các năng lượng này sẽ thúc đẩy tuần hoàn nhanh hơn.
Sản xuất giày thể thao xuất khẩu tại Công ty CP TKG Taekwang Vina (TP.Biên Hòa). Ảnh: H.Lộc |
Phó giám đốc Công ty TNHH MTV Điện lực Đồng Nai Trương Đình Quốc thông tin, 5 năm trở lại đây, mức tăng nhu cầu điện không cao như những năm trước. Nguyên nhân là tỉnh thực hiện mục tiêu xanh hóa sản xuất, chuyển đổi cơ cấu nội bộ ngành công nghiệp theo hướng tăng tỉ trọng các ngành công nghiệp kỹ thuật cao, công nghiệp hỗ trợ ít tiêu hao năng lượng và thân thiện môi trường. Thêm vào đó, có nguồn năng lượng tái tạo bù đắp.
Riêng năng lượng điện mặt trời, trên địa bàn tỉnh có gần 6 ngàn hệ thống được ký hợp đồng mua bán điện (chưa kể DN, hộ gia đình tự lắp đặt sử dụng) với tổng công suất gần 694 ngàn MWp.
Điển hình là Công ty CP Khải Toàn thuộc KCN Tam Phước (TP.Biên Hòa), trong năm 2019 đã chi 60 tỷ đồng lắp đặt hệ thống điện mặt trời. Hiệu quả mang lại là DN giảm được gần 800 triệu đồng tiền điện/tháng, đồng thời thu về khoảng 6 tỷ đồng tiền bán điện/năm. Không chỉ công ty này, hơn 700 nhà xưởng trên địa bàn tỉnh đã gắn hệ thống năng lượng mặt trời để tiết kiệm chi phí, giảm phát thải nhà kính.
Để đa dạng nguồn cung và đáp ứng nhu cầu năng lượng xanh của các DN, tỉnh đã thống nhất chủ trương đầu tư 4 dự án điện rác và khuyến khích DN đầu tư hệ thống điện mặt trời sử dụng nội bộ nhà máy.
Phó trưởng ban Quản lý các KCN Đồng Nai Dương Thị Xuân Nương đánh giá, đầu tư vào năng lượng tái tạo hiện vẫn vướng về chính sách nên thu hút đầu tư vào lĩnh vực này còn hạn chế. Thời gian qua, không ít DN, KCN đã có văn bản gửi các bộ, ngành nhưng mỗi nơi hướng dẫn một kiểu dẫn đến khó thực hiện.
Đồng hành cùng các DN thực hiện KTTH, năm 2022, UBND tỉnh đã 2 lần kiến nghị Chính phủ, Bộ Công thương có cơ chế tháo gỡ vướng mắc, giảm bớt thủ tục cho các dự án năng lượng mặt trời; xem xét xây dựng một bộ luật cụ thể khuyến khích đầu tư, phát triển năng lượng sạch, năng lượng tái tạo nhằm thu hút nhà đầu tư.
Theo Phó chủ tịch UBND tỉnh NGUYỄN THỊ HOÀNG, hiện nhiều DN trong các KCN của Đồng Nai áp dụng mô hình KTTH khá hiệu quả. Đó có thể là tái sử dụng nước, bùn thải, mùn cưa làm nguyên liệu sản xuất. Điều này vừa có lợi về kinh tế, môi trường, vừa giúp DN đạt được các chứng chỉ xanh. |
Hoàng Lộc - Vương Thế
Bài 3: Cuộc đua công nghiệp xanh