Những tháng đầu năm, các lĩnh vực sản xuất thuộc ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục gặp khó khăn. Đơn hàng tiêu thụ sụt giảm khiến cho tăng trưởng tổng thể của ngành đạt mức thấp và dự kiến khó khăn sẽ còn kéo dài trong khi đây là ngành chủ lực, động lực của nền kinh tế.
Những tháng đầu năm, các lĩnh vực sản xuất thuộc ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục gặp khó khăn. Đơn hàng tiêu thụ sụt giảm khiến cho tăng trưởng tổng thể của ngành đạt mức thấp và dự kiến khó khăn sẽ còn kéo dài trong khi đây là ngành chủ lực, động lực của nền kinh tế.
Sản xuất công nghiệp, động lực quan trọng của tăng trưởng kinh tế, đang gặp khó khăn. Ảnh: V.Gia |
Trong bối cảnh đó, doanh nghiệp (DN) rất cần các biện pháp hỗ trợ, thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm, xuất khẩu cũng như tiếp tục chính sách tài chính, thuế phí phù hợp với thực tiễn.
* Chỉ số sản xuất công nghiệp giảm
Theo Tổng cục Thống kê, chỉ số sản xuất công nghiệp 4 tháng đầu năm 2023, chỉ số sản xuất toàn ngành Công nghiệp giảm 1,8% so với cùng kỳ năm trước. Nguyên nhân do kinh tế thế giới phục hồi chậm, với chính sách thắt chặt tiền tệ ở nhiều quốc gia làm suy giảm nhu cầu tiêu dùng của các đối tác thương mại lớn dẫn đến đơn hàng sản xuất, kim ngạch xuất khẩu giảm. Một số sản phẩm công nghiệp chủ lực trong 4 tháng đầu năm 2023 giảm mạnh so với cùng kỳ như: ô tô giảm hơn 19%; thép thanh, thép góc giảm trên 15%; điện thoại di động giảm 13%; xe máy giảm hơn 12%; vải dệt từ sợi tự nhiên giảm 11,1%...
Tại Đồng Nai, chỉ số sản xuất công nghiệp trong 4 tháng đầu năm tuy không giảm nhưng tăng trưởng rất thấp, chỉ hơn 2% so với cùng kỳ năm trước. Đây là mức tăng thấp nhất trong hơn 10 năm qua của ngành Công nghiệp Đồng Nai.
Theo Giám đốc Sở KH-ĐT Nguyễn Hữu Nguyên, bức tranh tổng thể kinh tế những tháng đầu năm vẫn còn tồn tại nhiều khó khăn. Các ngành, lĩnh vực đều có mức tăng so với cùng kỳ, tuy nhiên mức tăng rất thấp, nhất là lĩnh vực công nghiệp. Hoạt động sản xuất của các DN trên địa bàn tỉnh tiếp tục gặp trở ngại do thiếu hụt đơn hàng, do sức tiêu thụ trên thị trường trong và ngoài nước chậm, nhất là các ngành sản xuất chủ lực như: dệt may, giày dép, hóa chất, sản phẩm điện tử, sản phẩm gỗ.
* Cần các giải pháp hỗ trợ kịp thời cho DN
Đánh giá của các cơ quan chuyên môn, trong bối cảnh kinh tế thế giới vẫn tiếp tục khó khăn, dù có dấu hiệu phục hồi nhưng rất thấp và không đồng đều ở các quốc gia, nhu cầu tiêu dùng vì thế cũng phục hồi chậm. Trung Quốc mở cửa trở lại làm gia tăng sự cạnh tranh trên các thị trường xuất khẩu của Việt Nam. Đây cũng là yếu tố tiếp tục tác động tiêu cực đến sản xuất và xuất nhập khẩu của Việt Nam trong những tháng tới. Người tiêu dùng trên toàn cầu đa số tiếp tục tiết kiệm chi tiêu nên sản xuất vẫn rơi vào tình trạng thiếu hụt đơn hàng. Bên cạnh đó, sự hồi phục chậm của thị trường bất động sản, giải ngân vốn đầu tư công thấp sẽ tác động đến tiêu thụ của một số ngành sản xuất có liên quan.
Theo UBND tỉnh, công nghiệp - xây dựng đang chiếm hơn 61% trong cơ cấu kinh tế của Đồng Nai. Vì thế, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng trưởng thấp sẽ ảnh hưởng rất lớn đến tăng trưởng GRDP của tỉnh. |
Sản xuất công nghiệp tăng thấp không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến DN mà còn ảnh hưởng đến nhiều vấn đề liên quan, trong đó đặc biệt là thu ngân sách nhà nước. Thu ngân sách nội địa lẫn thu từ xuất nhập khẩu nhiều khả năng sẽ không đạt được chỉ tiêu đề ra từ đầu năm. Ngành Hải quan dự báo nếu tình hình vẫn tiếp tục diễn biến như hiện tại, nửa đầu năm, thu từ xuất nhập khẩu trên địa bàn tỉnh chỉ đạt khoảng 45% so với cùng kỳ năm trước.
Công nghiệp là ngành tạo ra giá trị gia tăng cao, đóng góp nhiều nguồn thu cho ngân sách nhà nước, giải quyết việc làm cho gần 1 triệu lao động. Do đó, ngành Công nghiệp rất cần tháo gỡ khó khăn, kích cầu để phục hồi và phát triển.
Tại cuộc họp về tình hình kinh tế - xã hội tháng 4-2023 và triển khai các giải pháp tháo gỡ trong tháng 5 mới đây, Chủ tịch UBND tỉnh Cao Tiến Dũng cho rằng, sản xuất công nghiệp giảm sẽ tác động lên toàn bộ các hoạt động khác, nhất là thu chi ngân sách, giải quyết việc làm, an sinh xã hội. Trong thời gian tới, tình hình kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh sẽ còn tiếp tục khó khăn. Do vậy, các đơn vị, địa phương tập trung hỗ trợ DN, tháo gỡ vướng mắc trong sản xuất, kinh doanh, tạo tiềm lực để thu ngân sách.
Giải pháp của Đồng Nai từ nay đến cuối năm là thúc đẩy giải ngân đầu tư công để tạo thêm động lực cho tăng trưởng. Đồng thời, tỉnh ưu tiên giải quyết các chính sách cho DN để rút ngắn thời gian, chi phí phát sinh. Đồng Nai sẽ giúp DN xúc tiến thương mại để tìm thêm thị trường tiêu thụ sản phẩm và thực thi các chính sách giảm thuế theo chỉ đạo của Chính phủ nhằm vượt qua giai đoạn khó khăn hiện nay.
Văn Gia