Tình hình kinh tế trên thế giới có nhiều diễn biến phức tạp đã tác động không nhỏ tới sự phát triển của thương mại điện tử, nhất là khi sự cạnh tranh về thị trường, công nghệ trở nên khốc liệt hơn.
Tình hình kinh tế trên thế giới có nhiều diễn biến phức tạp đã tác động không nhỏ tới sự phát triển của thương mại điện tử (TMĐT), nhất là khi sự cạnh tranh về thị trường, công nghệ trở nên khốc liệt hơn.
Người dân, doanh nghiệp trải nghiệm các tiện ích, dịch vụ số bên lề diễn đàn Toàn cảnh thương mại điện tử Việt Nam 2023 (VOBF 2023) diễn ra tại TP.HCM vào tháng 4-2023. Ảnh: H.Hà |
Hiệp hội TMĐT Việt Nam (Vecom) vừa tổ chức diễn đàn Toàn cảnh TMĐT Việt Nam 2023 (VOBF 2023) với smart e-commerce (tạm dịch: TMĐT thông minh), trong đó smart tech (công nghệ thông minh) và smart solutions (giải pháp thông minh) là 2 khía cạnh quan trọng nhất được đề cập để TMĐT thích nghi và phát triển trước làn sóng, bối cảnh công nghệ số ngày càng phát triển.
* Nắm bắt thị hiếu của người tiêu dùng
Theo kết quả điều tra được thực hiện bởi Cục TMĐT và kinh tế số (Bộ Công thương), năm 2022, trong bối cảnh kinh tế quốc dân hồi phục sau đại dịch và sức mua dần tăng trở lại, doanh thu TMĐT bán lẻ (B2C - business to customer: từ doanh nghiệp (DN) tới khách hàng) tại Việt Nam tăng 20%, đạt 16,4 tỷ USD và chiếm khoảng 7,5% tổng doanh thu bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng quốc gia.
Tại diễn đàn VOBF 2023, Cục trưởng Cục TMĐT và kinh tế số Lê Hoàng Oanh chia sẻ, trong những tháng đầu năm 2023, TMĐT ở Việt Nam đang đứng trước những bối cảnh mới đầy khó khăn và thách thức hơn. Trong đó, tình hình kinh tế thế giới, khu vực và nước ta đều tăng trưởng chậm lại. Điều này đặt ra nhiều vấn đề cần suy nghĩ đối với định hướng phát triển và đóng góp của TMĐT đối với nền kinh tế trong thời gian tới.
Ông Trần Minh Đức, Phó giám đốc mảng e-commerce của NielsenIQ - công ty chuyên về nghiên cứu thị trường cho biết, theo khảo sát của NielsenIQ, từ đầu năm 2023, người tiêu dùng đang có xu hướng cẩn trọng hơn trong việc mua sắm, chuyển đổi việc mua sắm từ thứ họ muốn sang những thứ thật sự cần và tập trung mua sắm những mặt hàng thiết yếu đảm bảo sức khỏe, phù hợp với tình hình tài chính, chi tiêu của gia đình.
Bên cạnh đó, xu hướng người tiêu dùng cũng dần hướng tới mua sắm đa kênh, tiết kiệm chi phí, thuận tiện, gia tăng hiệu quả. Điều này cũng khiến cho nhiều đơn vị, DN bán lẻ, TMĐT sẽ chuyển mình để thích nghi, tích hợp thêm các công cụ, công nghệ mới để đáp ứng nhu cầu, thị hiếu của người tiêu dùng.
* AI sẽ làm thay đổi TMĐT
Các nhà bán hàng hiện đại đang ngày càng chú trọng và tiến đến đa kênh. Trong đó, vai trò nổi bật của hệ sinh thái công nghệ số là giúp tổng hợp nhiều nhu cầu của người tiêu dùng và đáp ứng chúng dưới các mức độ tích hợp khác nhau.
Nhiều chuyên gia chia sẻ, việc kinh doanh trên TMĐT đã mở rộng tới nhiều kênh, trong đó có 4 kênh chính gồm: bán hàng qua hoạt động marketing; mở shop trên mạng xã hội; mở cửa hàng trực tuyến trên các sàn TMĐT và điểm bán quét QR… |
Ông Bùi Huy Dũng, đại diện Công ty Accesstrade Việt Nam (Hà Nội) chia sẻ, các xu hướng bán hàng đa kênh, các hình thức live commerce - kinh doanh trên các nền tảng trực tuyến live stream, mạng xã hội ngày càng phổ biến… Vấn đề khi DN chuyển đổi số là cách tiếp cận của DN trước những công nghệ mới, làn sóng AI (trí tuệ nhân tạo) phát triển mạnh mẽ. Đối với live commerce, các DN cần hướng tới các giải pháp lâu dài để hướng tới tăng trưởng bền vững, truyền tải những thông tin sản phẩm đến người tiêu dùng theo mô hình mới để nắm bắt thị hiếu, tối ưu hóa việc tiếp cận, giữ chân các khách hàng…
Giám đốc Marketing Công ty CP Công nghệ Haravan Nguyễn Mạnh Tấn - một công ty xây dựng nền tảng kinh doanh đa kênh cho hay, một trong những cách thức vận dụng AI trong TMĐT là kết nối các hình thức bán hàng đa kênh và thiết lập hệ thống data (dữ liệu) về thông tin khách hàng, từ đó định hướng, xác định cơ chế hoạt động, phân khúc khách hàng để xây dựng chiến lược phát triển, kinh doanh, marketing phù hợp đối với DN.
Theo bà Lê Hoàng Oanh, thế giới đang chứng kiến sự phát triển nhanh chóng và mạnh mẽ của các công nghệ mới như AI, các mô hình kinh doanh mới như: Chat GPT, live commerce, xu hướng TMĐT thông minh (smart e-commerce)… Ngoài ra, hành vi của người tiêu dùng cũng đang có xu hướng thay đổi, dự kiến sẽ có tác động lớn đến sự phát triển của TMĐT. Chính vì vậy, các DN cần nhanh chóng cập nhật những xu hướng mới này nhằm bắt kịp xu thế và không bị tụt hậu so với các đối thủ cạnh tranh…
Chủ tịch Vecom Nguyễn Ngọc Dũng chia sẻ, đặt trong bối cảnh của nền kinh tế sau đại dịch Covid-19 và chịu sự ảnh hưởng của làn sóng khủng hoảng kinh tế thế giới, ngành TMĐT đã và đang là một trong những ngành có nhiều biến đổi nhanh chóng và mạnh mẽ để thích nghi với tình hình mới tại Việt Nam. Trong năm 2023, TMĐT thông minh sẽ là xu hướng nổi bật khi AI được xem là một xu hướng phát triển tất yếu. Ứng dụng AI sẽ làm thay đổi toàn diện ngành TMĐT không chỉ ở Việt Nam.
Hải Quân