Chuyển đổi số (CĐS) là yêu cầu tất yếu trong mọi ngành nghề kinh tế, lĩnh vực xã hội, trong đó có sự phát triển của các HTX. Trên địa bàn Đồng Nai, nhiều HTX đã tiếp cận chuyển đổi theo mô hình HTX kiểu mới, linh hoạt, ứng dụng công nghệ thông tin, CĐS , thích ứng với nhu cầu thị trường.
Chuyển đổi số (CĐS) là yêu cầu tất yếu trong mọi ngành nghề kinh tế, lĩnh vực xã hội, trong đó có sự phát triển của các HTX. Trên địa bàn Đồng Nai, nhiều HTX đã tiếp cận chuyển đổi theo mô hình HTX kiểu mới, linh hoạt, ứng dụng công nghệ thông tin, CĐS , thích ứng với nhu cầu thị trường.
Các HTX tìm hiểu máy bay không người lái để ứng dụng phun thuốc trừ sâu trên diện rộng trong một chương trình do Liên minh HTX Đồng Nai tổ chức. Ảnh: V.THẾ |
Tuy nhiên, số lượng HTX ứng dụng công nghệ cao để CĐS chưa nhiều, muốn thành công cần thay đổi tư duy sản xuất và nâng cao trình độ nhân lực, đồng thời cần có giải pháp hỗ trợ từ Nhà nước.
* Vẫn còn nhiều thách thức
CĐS dẫn đến thay đổi mô hình kinh doanh và mang lại nhiều lợi ích như: giảm chi phí vận hành, tiếp cận tối đa các khách hàng tiềm năng, tăng năng suất và hiệu quả sản xuất, kinh doanh, đưa ra quyết định nhanh chóng và chính xác hơn. Thông qua đó, mỗi thành phần kinh tế sẽ cải thiện được hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh và gia tăng tính cạnh tranh của tổ chức trên thị trường.
Tháng 6-2022, Ban chấp hành Trung ương Đảng đã ban hành Nghị quyết 20 để bàn về đổi mới, phát triển kinh tế tập thể. Trong đó khẳng định, kinh tế tập thể được hỗ trợ để đẩy nhanh quá trình CĐS, nâng cao trình độ khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo, được vay vốn từ Quỹ Phát triển khoa học và công nghệ. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều thách thức CĐS do tỷ lệ và hiệu quả CĐS chưa cao, chưa bền vững trong nhiều loại hình ngành nghề hoạt động và địa bàn hoạt động của HTX.
Theo ông Nguyễn Ngọc Bảo, Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam, hiện nay nhiều HTX tiếp cận chuyển đổi theo mô hình HTX kiểu mới, linh hoạt, ứng dụng công nghệ thông tin, CĐS, thích ứng với nhu cầu thị trường. Khảo sát của Liên minh HTX Việt Nam trong năm 2022 cho thấy, 83,5% HTX đánh giá việc CĐS là cần thiết; 18,9% HTX đã có kế hoạch với lộ trình thực hiện cụ thể; 68% HTX có sử dụng ít nhất một trong các phương thức giới thiệu và bán sản phẩm trực tuyến trên website riêng hoặc các sàn thương mại điện tử, ứng dụng số, mạng xã hội...
Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam cho biết, CĐS tại các HTX vẫn còn chậm và gặp nhiều khó khăn bởi ba nguồn lực quan trọng trong hoạt động sản xuất kinh doanh đồng thời là điều kiện nền tảng để thực hiện CĐS và ứng dụng công nghệ thông tin tại các HTX nông nghiệp gồm: tài chính, cơ sở hạ tầng và nhân lực đều hạn chế.
Phần lớn các HTX đang gặp khó khăn về vốn trong kinh doanh, khó bố trí nguồn lực tài chính đầu tư vào đổi mới, ứng dụng công nghệ, kỹ thuật. Mức độ sẵn sàng và khả năng tiếp cận công nghệ của cán bộ quản lý, thành viên HTX đều ở mức dưới trung bình do trình độ thấp, độ tuổi trung bình cao và tâm lý ngại thay đổi. Cơ sở vật chất từ nhà xưởng đến trang thiết bị phục vụ CĐS còn lạc hậu do HTX không có tài chính để đầu tư.
* Khuyến khích HTX ứng dụng
Một trong những đơn vị thành công trong việc ứng dụng các công nghệ để phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh là HTX Thương mại dịch vụ vận tải Nhơn Trạch. HTX này đã xây dựng được phần mềm quản lý vận tải của riêng mình. Sử dụng phần mềm này sẽ giúp tài xế khắc phục được tình trạng quên đăng kiểm, hết hạn phù hiệu, hết thời hạn bảo hiểm, chủ xe biết được lịch trình xe chạy, điểm dừng đậu xe. Phần mềm còn lưu giữ các thông tin về phương tiện như: biển số xe, trạng thái hoạt động, loại phương tiện, số chỗ ngồi, nhãn hiệu xe, năm sản xuất, niên hạn sử dụng, chủ xe, quản lý, phụ xe, nhân viên phục vụ, số điện thoại liên lạc… để phục vụ cho nhu cầu quản lý.
Ông Phan Huy Sự, Giám đốc HTX cho hay với gần 6 ngàn phương tiện, Ban giám đốc và những kỹ sư công nghệ thông tin của HTX quyết tâm viết phần mềm để ứng dụng vào công tác quản lý, điều hành. Từ hiệu quả của việc ứng dụng tại đơn vị, phần mềm quản lý vận tải đã được phổ biến, mở rộng triển khai tại các đơn vị vận tải khác trong và ngoài tỉnh.
Tuy nhiên, việc thành công trong ứng dụng CĐS của các HTX cũng mới chỉ bước đầu. Theo Chủ tịch Liên minh HTX Đồng Nai Đỗ Phước Dũng, khó khăn trong quá trình đẩy nhanh tiến độ CĐS trong kinh tế tập thể, HTX là tại các kế hoạch, chương trình hỗ trợ DN CĐS chưa có nội dung liên quan đến hỗ trợ mô hình HTX. Do vậy, cần xây dựng đề án CĐS trong HTX và hỗ trợ các cơ chế chính sách, tài chính...
Lãnh đạo Liên minh HTX Đồng Nai cho rằng, để CĐS HTX thành công, vấn đề cốt lõi là thay đổi nhận thức của các thành viên của HTX. Khi các HTX nhìn nhận đúng vai trò, ý nghĩa của việc ứng dụng công nghệ 4.0 vào quản lý sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, thì sẽ có sự quan tâm, đầu tư đúng mức, thay đổi mô hình quản trị.
CĐS trong các HTX đang ở giai đoạn bước đầu với nhiều khó khăn, thách thức nhưng cũng là cơ hội để tiếp cận với công nghệ hiện đại, từ đó tạo ra những đột phá mang tính chuyên nghiệp, hiệu quả.
Văn Gia