Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) 2022 vừa được Liên đoàn Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) công bố sau khi khảo sát 12 ngàn doanh nghiệp (DN) cả nước. Từ kỳ vọng trở lại tốp 20 và vươn lên nhóm đầu thì năm nay Đồng Nai tụt hạng và chỉ xếp thứ 29.
Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) 2022 vừa được Liên đoàn Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) công bố sau khi khảo sát 12 ngàn doanh nghiệp (DN) cả nước. Từ kỳ vọng trở lại tốp 20 và vươn lên nhóm đầu thì năm nay Đồng Nai tụt hạng và chỉ xếp thứ 29.
Tiếp cận đất đai, mặt bằng sản xuất vẫn còn là "điểm nghẽn" đối với doanh nghiệp. Trong ảnh: Sản xuất tại Công ty TNHH Triệu Hoàng Anh (TP.Biên Hòa). Ảnh: V.Gia |
Xét về tổng thể, Đồng Nai vẫn là địa phương hấp dẫn trong thu hút đầu tư song ở những chỉ số ảnh hưởng trực tiếp và thường xuyên đến DN thì còn bị đánh giá thấp.
* Giảm điểm tiếp cận đất đai, hỗ trợ doanh nghiệp
Theo công bố của VCCI, năm 2022, Đồng Nai đạt 65,67 điểm và xếp hạng 29 toàn quốc về chỉ số PCI. Nếu so về số điểm tổng của năm 2021 là 65,75 thì không giảm nhiều, nhưng thứ bậc của Đồng Nai sụt 7 vị trí, trong khi địa phương đang cố gắng nằm trong nhóm 20 tỉnh, thành dẫn đầu. Đây là một kết quả không được mong đợi khi mà việc đồng hành cùng DN luôn được coi là phương châm trong điều hành của tỉnh.
Khi so sánh về các chỉ số thành phần thì vấn đề tiếp cận đất đai và chính sách hỗ trợ DN qua khảo sát được đánh giá là yếu nhất, từ đó kéo theo sự sụt giảm về mức độ đánh giá tổng thể của địa phương.
Cụ thể, đối với việc tiếp cận đất đai, nếu như năm 2021 số điểm đánh giá là 7,37 điểm thì năm nay giảm xuống còn 6,77 điểm. Điều này chứng tỏ việc thiếu mặt bằng sản xuất tại địa phương ngày một hiện hữu. Hàng năm, số lượng DN thành lập mới tăng lên thì quỹ đất cho sản xuất lại bị thu hẹp. Nhiều đơn vị mới gia nhập vào thị trường dễ nhưng để tồn tại lại khó, đa phần đang buộc phải hoạt động sản xuất, kinh doanh, xây dựng nhà xưởng ở nơi không phù hợp quy hoạch. Chi phí để thuê đất trong khu, cụm công nghiệp đắt đỏ là vấn đề mà nhiều DN buộc lòng phải ở ngoài dù họ biết rằng như vậy là sẽ không bền vững.
Tương tự, chỉ số về chính sách hỗ trợ DN bị kéo từ 7,42 điểm vào năm 2021 xuống còn 6,04 điểm trong năm 2022. Trong thực tế, Đồng Nai đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ nhưng số lượng DN tiếp cận được những chính sách này chưa thật nhiều. Trong khi đó, đây là vấn đề đặc biệt quan trọng vì cộng đồng DN bị suy kiệt sau thời gian dài chống chọi với dịch bệnh và các tác động bất lợi trên thế giới.
* Cấp tốc cải thiện năng lực cạnh tranh
Ngày 11-4 vừa qua, UBND tỉnh đã ban hành chương trình thực hiện các nhiệm vụ để cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh trên địa bàn. Nhiệm vụ đặt ra là nâng cao vị thế, năng lực cạnh tranh của địa phương, sức thu hút kinh doanh; tăng nhanh về số lượng DN thành lập mới, giảm DN giải thể. Đồng thời, tìm cách cắt giảm các thủ tục, chi phí không chính thức, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc do tác động bởi dịch bệnh để DN phát triển bền vững.
Những nội dung này đều là nhiệm vụ thường niên được triển khai từ đầu năm, song hiệu quả vẫn chưa được như ý muốn. Mục tiêu vươn lên nhóm đầu trong đánh giá chỉ số PCI vẫn còn nhiều thách thức, nếu các nhiệm vụ nói trên không được thực thi một cách quyết liệt, nhất là từ cán bộ cơ sở.
Về triển vọng của tỉnh, Phó tổng Thư ký VCCI Đậu Anh Tuấn đánh giá, Đồng Nai vẫn là cực quan trọng trong thu hút đầu tư nhờ các lợi thế về hạ tầng và nguồn lực sẵn có. Tuy nhiên, để bứt phá hơn, cần đẩy mạnh vấn đề thực thi chính sách. Trong đó, vai trò thúc đẩy của những người đứng đầu đơn vị, địa phương trong tỉnh là rất quan trọng; nếu Đồng Nai chậm thay đổi sẽ mất cơ hội cho sự phát triển bền vững và thu hút đầu tư ở cả trong và ngoài nước.
Theo Chủ tịch UBND tỉnh Cao Tiến Dũng, so với tiềm năng, mức độ đánh giá chung về chỉ số PCI của Đồng Nai là chưa đạt yêu cầu đề ra. Điều này đặt ra bài toán lớn cho địa phương, trong đó phải quyết liệt hơn để thực hiện nhiệm vụ, lấy hiệu quả thực chất làm thước đo. Đồng thời, tỉnh sẽ tập trung ứng dụng công nghệ, chuyển đổi số để phục vụ DN, người dân tốt hơn, kéo theo xếp hạng cạnh tranh cấp tỉnh cao hơn.
PCI nhằm đánh giá, xếp hạng môi trường kinh doanh và chất lượng điều hành kinh tế của các tỉnh, thành phố, phản ánh đánh giá của các nhà đầu tư và kỳ vọng về các nỗ lực cải cách. PCI có 10 chỉ số thành phần là: gia nhập thị trường, tiếp cận đất đai, tính minh bạch, chi phí thời gian, chi phí không chính thức, cạnh tranh bình đẳng, tính năng động, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, đào tạo lao động và thiết chế pháp lý. Mỗi chỉ số thang điểm cao nhất là 10, tổng điểm của các chỉ số được dùng để phân hạng PCI các địa phương. |
Văn Gia