Sau hơn 10 năm triển khai thực hiện, cả tỉnh có 43% hộ dân đăng ký thực hiện phân loại chất thải rắn sinh hoạt (CTRSH) tại nguồn; mục tiêu trong 3 năm tới, tỉnh sẽ nâng tỷ lệ này lên 100%.
Sau hơn 10 năm triển khai thực hiện, cả tỉnh có 43% hộ dân đăng ký thực hiện phân loại chất thải rắn sinh hoạt (CTRSH) tại nguồn; mục tiêu trong 3 năm tới, tỉnh sẽ nâng tỷ lệ này lên 100%.
Phân loại rác tại nguồn tại Sở TN-MT. Ảnh: H.Lộc |
Nhiều ý kiến cho rằng, phân loại CTRSH tại nguồn là việc phải làm để giảm áp lực thu gom, xử lý và tăng tỷ lệ tái chế, tái sử dụng chất thải. Tuy nhiên, tuyệt đối hóa chỉ tiêu này là rất khó, vì đây là việc làm hàng ngày, phụ thuộc rất lớn vào ý thức của mỗi người, điều kiện hạ tầng kỹ thuật.
* Nên cân nhắc chỉ tiêu 100% hộ dân phân loại rác
Đề án Quản lý CTRSH do Sở TN-MT chủ trì thực hiện vừa hoàn thiện để lấy ý kiến phản biện xã hội. Đề án đặt chỉ tiêu năm 2025, tỷ lệ hộ gia trên địa bàn tỉnh thực hiện phân loại CTRSH tại nguồn đạt 100%. Nhiều ý kiến cho rằng, nên cân nhắc chỉ tiêu để phù hợp với thực tế và đảm bảo tính khả thi.
Ông Phan Văn Hết, Chủ tịch Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường tỉnh, nguyên Phó giám đốc Sở TN-MT chia sẻ, phân loại CTRSH tại nguồn phụ thuộc vào nhiều yếu tố, đó là ý thức trách nhiệm của người dân, là xe chở rác, điểm tập kết, công nghệ xử lý chất thải... Hiện tại, ý thức của đại đa số người dân đối với phân loại rác chưa có, hạ tầng kỹ thuật chưa đáp ứng được, do đó chỉ tiêu giai đoạn 2022-2025 có 100% hộ dân thực hiện phân loại CTRSH tại nguồn sẽ khó đạt.
“Phân loại CTRSH tại nguồn không thể du di mãi, nhưng cần phải hoàn chỉnh hạ tầng từ trạm trung chuyển, xe chở rác đến công nghệ xử lý trước khi yêu cầu người dân thực hiện. Tôi cho rằng, 3 năm nữa không thể đạt 100% hộ dân thực hiện phân loại rác, tôi đề nghị giảm tỷ chỉ tiêu này còn 95% vào năm 2025 và đến năm 2030 đạt 100%” - ông Hết kiến nghị.
Ông Nguyễn Công Ngôn, Chủ nhiệm Hội đồng Tư vấn dân chủ - pháp luật (Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh) chia sẻ, phân loại CTRSH tại nguồn là phải làm, phải xây dựng các chỉ tiêu, kế hoạch, giải pháp để người dân “chịu” làm và duy trì. Tuy nhiên, đặt chỉ tiêu cao, cố gắng đi vận động người dân ký cam kết thực hiện nhưng các điều kiện đi kèm như: thùng chứa, xe thu gom, vận chuyển rác, công nghệ xử lý không tốt thì cũng đâu lại vào đó. “Tôi cho rằng chỉ tiêu 100% hộ dân phân loại rác vào năm 2025 là không khả thi, cần điều chỉnh để đạt số thực chất và hiệu quả” - ông Ngôn chia sẻ.
Cùng ý kiến này, ông Nguyễn Văn Lai, thành viên Hội đồng Tư vấn dân chủ - pháp luật, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh cho rằng, lâu nay tỉnh báo gom CTRSH đạt 100% nhưng thực tế rác ở các tuyến đường, công viên, kênh mương còn rất nhiều. Và tỷ lệ hộ dân phân loại CTRSH đạt 100% chắc cũng có ở các báo cáo, hội nghị chứ thực tế phải ở thì tương lai rất xa. “Mục tiêu, ý tưởng rất tốt nhưng có làm được hay không mới là vấn đề? Nên cân nhắc chỉ tiêu này” - ông Lai chia sẻ.
Phân loại CTRSH tại nguồn là một trong những giải pháp để giảm áp lực thu gom, xử lý, đồng thời tăng tỷ lệ tái chế, tái sử dụng, nhưng để làm được điều này không dễ. Hơn 10 năm qua, Đồng Nai có nhiều chương trình, kế hoạch, chỉ thị về phân loại CTRSH nhưng hiệu quả mang lại vẫn chưa cao.
* Đồng bộ cả hạ tầng lẫn chế tài
GS-TS Nguyễn Văn Phước, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học kỹ thuật TP.HCM, nguyên Viện trưởng Viện Môi trường và tài nguyên, Đại học Quốc gia TP.HCM cho rằng, Đồng Nai đã có hơn 10 năm thực hiện phân loại rác nhưng chưa giảm được rác thải cần phải xử lý. Cơ sở hạ tầng, thiết bị, phương tiện thiết yếu phục vụ thu gom, vận chuyển, xử lý CTRSH chưa đồng bộ.
Theo GS Phước, để có thể quản lý CTRSH đồng bộ, hiệu quả hướng đến nền kinh tế tuần hoàn, tỉnh cần tăng cường phân loại rác tại nguồn, đồng thời xử lý chất thải theo hướng chuyển đổi thành năng lượng, vật liệu tái sử dụng. Xây dựng các văn bản để áp dụng chế tài xử phạt đối với chủ nguồn thải, đơn vị dịch vụ không tuân thủ quy định.
PGS-TS Phùng Chí Sỹ, Phó chủ tịch Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam (VACNE), kiêm Giám đốc Trung tâm Công nghệ môi trường TP.HCM tỏ ra băn khoăn, Đồng Nai đang triển khai dự án xây dựng nhà máy đốt CTRSH phát điện quy mô 1,2 ngàn tấn/ngày đồng thời đưa ra định hướng đến năm 2025 chuyển đổi công nghệ xử lý hiện có sang đốt rác thu hồi năng lượng, như vậy có nên phân loại rác. “Phân loại rác là để tái chế, tái sử dụng nhiều nhất có thể. Đã phân loại hết thì lấy gì cung cấp cho các nhà máy đốt rác, còn phân loại rồi mà lại đưa vào lò đốt thì phân loại để làm gì?” - ông Sỹ nêu.
Ông Nguyễn Văn Liệt, Phó chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học kỹ thuật tỉnh cho rằng, đô thị loại I Biên Hòa vẫn còn những “bãi rác” tự phát làm xấu mỹ quan và ô nhiễm môi trường. Cần phải nghiên cứu, ban hành các quy định và hoàn thiện hạ tầng thu gom, vận chuyển, xử lý, sau đó áp dụng chế tài xử phạt đối với hành vi không phân loại, lưu trữ rác sinh hoạt theo quy định.
Đề án này sẽ tập trung vào các nhiệm vụ: hoàn thiện hệ thống hạ tầng kỹ thuật, cơ sở vật chất, trang thiết bị đáp ứng yêu cầu về bảo vệ amôi trường; điều chỉnh tăng dần giá dịch vụ thu gom, vận chuyển và xử lý; ban hành các quy định, áp dụng chế tài xử phạt đối với chủ nguồn thải, đơn vị dịch vụ môi trường; đề ra các chỉ tiêu, nhiệm vụ, lộ trình nhằm từng bước đưa hoạt động quản lý và xử lý CTRSH đi vào nền nếp. |
Hoàng Lộc