Đồng Nai là "thủ phủ" chăn nuôi của cả nước khi thuộc tốp đầu về tổng đàn gia súc, gia cầm. Trong đó, mặt hàng heo, gà vẫn nằm trong danh mục sản phẩm nông nghiệp chủ lực của tỉnh trong giai đoạn hội nhập.
Đồng Nai là “thủ phủ” chăn nuôi của cả nước khi thuộc tốp đầu về tổng đàn gia súc, gia cầm. Trong đó, mặt hàng heo, gà vẫn nằm trong danh mục sản phẩm nông nghiệp chủ lực của tỉnh trong giai đoạn hội nhập.
Trang trại chăn nuôi công nghiệp tại H.Cẩm Mỹ. Ảnh: B.Nguyên |
Thời gian tới, tỉnh tiếp tục tập trung phát triển bền vững ngành chăn nuôi theo hướng công nghiệp hiện đại, ứng dụng công nghệ cao để cạnh tranh tốt khi bước vào sân chơi quốc tế.
* Chăn nuôi chiếm tỉ trọng lớn
Theo Sở NN-PTNT, chăn nuôi là ngành chiếm tỉ trọng cao nhất trong giá trị sản xuất nông nghiệp của tỉnh (chiếm 61,83%) và đóng góp quan trọng vào tốc độ tăng trưởng chung của ngành. Chăn nuôi của tỉnh có 2 loại vật nuôi chủ lực là heo và gà.
Tổng đàn heo của tỉnh hiện đạt trên 2,6 triệu con, tăng gần 6,4% so với cùng kỳ năm ngoái. Tổng đàn gà đạt 26 triệu con, tăng hơn 4,5% so với cùng kỳ. Đàn trâu bò trên 90 ngàn con, dê khoảng 192 ngàn con, tổng đàn chim cút đạt trên 8,2 triệu con. Ước tổng sản lượng thịt cung cấp ra thị trường trong năm 2022 đạt trên 630 ngàn tấn, tăng 3,4% so với cùng kỳ. Riêng mặt hàng trứng ước đạt gần 1,2 tỷ quả, tăng hơn 6,6% so với năm ngoái.
Với tổng đàn như hiện nay, bình quân mỗi tháng sản phẩm chăn nuôi của tỉnh cung ứng ra thị trường khoảng 37 ngàn tấn thịt heo, 17 ngàn tấn thịt gà, gần 120 triệu trứng gia cầm. So với nhu cầu tiêu thụ trên địa bàn tỉnh, sản phẩm chăn nuôi an toàn trên địa bàn tỉnh không những đáp ứng nhu cầu tiêu thụ trong tỉnh mà còn cung ứng cho thị trường chính là TP.HCM và một số địa phương khác.
Ông Nguyễn Trường Giang, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi - thú y Đồng Nai cho biết, chăn nuôi trên địa bàn tỉnh tiếp tục phát triển theo hướng trang trại quy mô lớn. Với 2 vật nuôi chủ lực là heo và gà, chăn nuôi trang trại chiếm khoảng 90%. Trong đó, khoảng 21% trang trại chăn nuôi sử dụng chuồng lạnh, chuồng kín; 11,5% trang trại ứng dụng công nghệ tự động hóa trong chăn nuôi; gần 90% trang trại chăn nuôi có hệ thống xử lý chất thải đảm bảo tiêu chuẩn; khoảng 45% tổng đàn heo, 31% tổng đàn gà của các doanh nghiệp được truy xuất nguồn gốc. Ngoài ra, toàn tỉnh có 150 trang trại và 7 tổ hợp tác chăn nuôi đạt chứng nhận tiêu chuẩn VietGAHP; duy trì 7 vùng an toàn dịch bệnh cấp huyện. Đồng thời, Chi cục Chăn nuôi - thú y Đồng Nai đang phối hợp với Cục Thú y khảo sát và xây dựng 3 vùng an toàn dịch bệnh đáp ứng tiêu chuẩn OIE phục vụ xuất khẩu.
* Xây dựng chuỗi liên kết bền vững
Đồng Nai có nhiều tập đoàn, doanh nghiệp lớn trong ngành chăn nuôi xây dựng được liên kết chuỗi với người chăn nuôi theo hình thức gia công. Trong đó, doanh nghiệp cung ứng con giống, thức ăn, hỗ trợ kỹ thuật, thuốc thú y và bao tiêu toàn bộ sản phẩm... Hiện không ít HTX chăn nuôi có chuyển biến rõ nét trong tổ chức sản xuất theo hướng công nghiệp với chuỗi liên kết chặt chẽ từ sản xuất đến tiêu thụ.
Từ doanh nghiệp đến các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ đều quan tâm cải thiện năng suất, chăn nuôi an toàn, tham gia chuỗi liên kết để sản phẩm không chỉ đáp ứng tốt thị trường nội địa mà còn hướng đến xuất khẩu.
Ông Lê Văn Quyết, Phó chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm Đông Nam bộ, Giám đốc HTX Nông nghiệp công nghệ cao Long Thành Phát cho rằng, chăn nuôi gà công nghiệp lúc này đã qua giai đoạn chạy theo phong trào. Hiện đa số các trại nuôi đều được đầu tư theo chuẩn công nghiệp hiện đại, tham gia chuỗi liên kết hoặc nuôi gia công cho các doanh nghiệp lớn. Hiện HTX Nông nghiệp công nghệ cao Long Thành Phát đã hình thành chuỗi liên kết bền vững, không chỉ có người chăn nuôi mà còn có doanh nghiệp cung cấp con giống, sản xuất cám... nên người nuôi được hỗ trợ, hướng dẫn về quy trình, kỹ thuật nuôi, được mua con giống, thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y… với giá tốt, góp phần giảm chi phí sản xuất. Một lợi thế rất lớn là các chủ trang trại trở thành thành viên của HTX không còn bị động về khâu tiêu thụ như trước vì việc tăng đàn, giảm đàn đều có kế hoạch cụ thể; sản phẩm chăn nuôi được doanh nghiệp bao tiêu với giá tốt.
Với ngành chăn nuôi heo, dịch tả heo châu Phi là sự sàng lọc buộc người chăn nuôi phải thay đổi về “chất” theo hướng chăn nuôi ngày càng chuyên nghiệp với sự đầu tư bài bản. Theo một số doanh nghiệp chăn nuôi hoạt động trên địa bàn Đồng Nai, nhằm giảm rủi ro tái phát dịch tả heo châu Phi, các trang trại chăn nuôi heo hiện nay phải được đầu tư theo quy trình khép kín, hiện đại với sự kiểm soát chặt chẽ trong mọi khâu. Chuyên môn hóa trong đầu tư như việc tái đàn ở hộ chăn nuôi nhỏ lẻ thì chỉ nên tập trung phát triển đàn heo thịt vì sớm có nguồn thu. Về phát triển đàn giống, tỉnh nên tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận về quỹ đất cũng như nguồn vốn ưu đãi vì cần sự đầu tư lâu dài, bài bản nhằm không ngừng nâng cao chất lượng con giống, yếu tố rất quan trọng quyết định năng suất chăn nuôi.
Đến nay, toàn tỉnh đã xây dựng được 52 chuỗi liên kết, tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi an toàn với sự tham gia của 15 HTX và 252 tổ hợp tác gồm: 4 chuỗi trứng gà, 13 chuỗi thịt gà, 29 chuỗi thịt heo, 3 chuỗi chế biến sản phẩm từ thịt heo, 2 chuỗi thịt bò, 1 chuỗi yến. Nổi bật có chuỗi thịt gà chế biến xuất khẩu của Công ty TNHH Koyu & Unitek (TP.Biên Hòa) bình quân xuất khẩu 250 tấn thịt gà chế biến/tháng sang thị trường Nhật Bản. |
Bình Nguyên