Báo Đồng Nai điện tử
En

Áp lực tăng giá hàng hóa cuối năm

06:12, 09/12/2022

Chi phí sản xuất tăng, áp lực từ tỷ giá USD khiến nhiều doanh nghiệp (DN) phải tăng giá bán hàng. Khảo sát qua một số DN, đơn vị kinh doanh hàng hóa thực phẩm, hàng tiêu dùng, nhà hàng gần đây cho thấy xu hướng tăng giá hàng hóa ngày càng lớn.

Chi phí sản xuất tăng, áp lực từ tỷ giá USD khiến nhiều doanh nghiệp (DN) phải tăng giá bán hàng. Khảo sát qua một số DN, đơn vị kinh doanh hàng hóa thực phẩm, hàng tiêu dùng, nhà hàng gần đây cho thấy xu hướng tăng giá hàng hóa ngày càng lớn.

Giá các mặt hàng nguyên liệu đầu vào tăng đang ảnh hưởng đến đơn vị kinh doanh ngành thực phẩm. Ảnh: V.Gia
Giá các mặt hàng nguyên liệu đầu vào tăng đang ảnh hưởng đến đơn vị kinh doanh ngành thực phẩm. Ảnh: V.Gia

Việc nhiều mặt hàng thiết yếu đứng trước tình huống tăng giá cũng tạo nên áp lực cho việc điều hành, bình ổn thị trường của Nhà nước dịp cận Tết.

* Nhiều mặt hàng “rục rịch” tăng giá

Hơn 1 tháng nay, trên thị trường, giá các mặt hàng thiết yếu đã “rục rịch” tăng. Theo tiểu thương tại các chợ, nhiều mặt hàng, sản phẩm đã được tăng giá bán từ tháng 11-2022 vì nhu cầu lễ, Tết tăng cao, cộng thêm giá nhập vào từ nhà phân phối cũng tăng nên đại lý phải tăng giá khi bán lẻ cho người dùng.

Bà Sương, một tiểu thương ở chợ Tân Hiệp (TP.Biên Hòa) cho hay, năm nay giá cả các mặt hàng tăng sớm. Là người kinh doanh nhỏ lẻ nên phụ thuộc vào đơn vị cung cấp, trong khi các nhà cung cấp sỉ lấy lý do chi phí sản xuất tăng nên giá bán ra thị trường cũng tăng lên. Hiện tại, các sản phẩm như bia, nước ngọt... đều đã tăng giá từ 15-30 ngàn đồng/thùng.

Chủ một cửa hàng tiện lợi tại P.Hòa Bình (TP.Biên Hòa) chia sẻ, giá bán càng nhích lên thì lượng khách hàng đến mua sẽ giảm đi, bởi so với những đơn vị lớn, cửa hàng nhỏ lẻ sẽ không thể tung ra các chương trình giảm giá, khuyến mãi hấp dẫn được. Hơn nữa, do lượng người mua giảm, các đơn vị cung cấp sẽ không dám đổ tiền ra nhập hàng số lượng lớn, mà chỉ hoạt động cầm chừng trong bối cảnh nhiều biến động như hiện nay.

Tương tự, chị Cao Thị Hương Trang, chủ chuỗi hệ thống gần 10 nhà hàng kinh doanh thực phẩm, đồ uống cho hay, điều chị lo lắng hiện nay là giá các mặt hàng đang tăng từng ngày. Theo chị Trang, với số lượng nhà hàng lớn, nhu cầu mua nguyên liệu cao nhưng giá nhiều mặt hàng đã có thông báo tăng từ đơn vị cung ứng sẽ ảnh hưởng đến kế hoạch kinh doanh. Dù nguyên, vật liệu tăng nhưng không phải vì thế mà nhà hàng có thể ngay lập tức tăng giá bán cho khách được.

Trong khi đó, kinh nghiệm từ một số người kinh doanh cho thấy, dịp cận Tết thì các mặt hàng sẽ có biến động về giá, nên họ sẽ phải tìm cách chủ động dự trữ ngay từ sớm.

Anh Hoan (ngụ P.Phước Tân, TP.Biên Hòa) cho hay, Tết năm nay anh có kế hoạch cung cấp sỉ ra thị trường các loại nước ngọt, bia nên từ đầu tháng 8 anh đã gom hàng sớm. Điều này giúp anh tiết kiệm được một khoản chi phí kha khá và đợi cận Tết bung hàng ra, lúc đó sẽ có lợi thế cạnh tranh hơn.

Chị Thanh Nhã, chủ một tiệm chuyên chế biến các loại bánh cũng cho hay, dự tính được giá nguyên liệu để làm bánh như: các loại bơ, bột, hạt... sẽ tăng nên chị đã mua dự trữ từ trước, đủ để phục vụ cho sản xuất dịp cận Tết.

* Tăng áp lực cho DN

Đối với các DN chuyên chế biến, tiêu thụ những mặt hàng thiết yếu, nhất là thực phẩm, đồ uống thì khó khăn lớn nhất hiện nay là các DN đang vào chu kỳ sản xuất, kinh doanh hàng Tết trong điều kiện giá nguyên, vật liệu đầu vào vẫn đang trên đà tăng, tỷ giá USD tăng. Do đó, DN cần nhiều vốn lưu động hơn để phục vụ sản xuất cuối năm nhưng thanh khoản của ngân hàng kém dẫn đến DN lo thiếu vốn tạm thời.

Theo ông Trịnh Thanh Nghị, Giám đốc Công ty CP Thực phẩm Sun Way (TP.Biên Hòa), DN đang trên đà phát triển, muốn mở rộng quy mô sản xuất, nhà xưởng để cung ứng thực phẩm cho các công ty trong khu công nghiệp với số lượng lớn, nhưng nguồn kinh phí vẫn còn hạn hẹp. Trong bối cảnh nhiều mặt hàng tăng giá, cùng với việc vay vốn khó khăn nên DN buộc phải tiết giảm chi phí, tối ưu hóa quy trình sản xuất để chờ cơ hội sang năm.

Tương tự, đại diện một DN chuyên chế biến thực phẩm, đồ uống tại TP.Biên Hòa cho hay, chi phí sản xuất của DN đã liên tục tăng. Bên cạnh các mặt hàng trái cây có nguyên liệu trong nước, đơn vị cũng phải nhập một số mặt hàng, nguyên phụ liệu từ nước ngoài. Lạm phát gia tăng cùng với những ảnh hưởng của tình hình căng thẳng ở một số nơi trên thế giới khiến cho việc nhập hàng về khó khăn và chi phí phát sinh, DN đang rất lo lắng.

Bên cạnh đó, thị trường tiêu thụ khá quan trọng của DN này là đối tượng công nhân lao động, nhất là việc phối hợp bán hàng tận nhà máy sản xuất. Tuy nhiên, thời gian gần đây, tình hình kinh tế khó khăn, thu nhập của người lao động giảm sút, thậm chí phải ngừng việc nên dự báo doanh thu của DN không đạt như mong muốn.

Cận Tết cũng là thời gian mà thị trường có nhiều biến động nên việc điều hành, quản lý cần phải sát sao. Các DN mong muốn cơ quan quản lý nhà nước cần triển khai các giải pháp bình ổn giá, bình ổn thị trường với những mặt hàng thiết yếu để tạo thuận lợi trong duy trì sản xuất, kinh doanh, phục vụ thị trường.

Văn Gia

Tin xem nhiều
Liên kết hữu ích