Cuối tháng 10 vừa qua, UBND tỉnh đã ban hành kế hoạch thực hiện chương trình bình ổn giá, thị trường một số mặt hàng thiết yếu năm 2022-2023, phục vụ Tết Nguyên đán năm 2023 và ứng phó với các tình huống thiên tai, dịch bệnh trên địa bàn Đồng Nai.
Cuối tháng 10 vừa qua, UBND tỉnh đã ban hành kế hoạch thực hiện chương trình bình ổn giá, thị trường một số mặt hàng thiết yếu năm 2022-2023, phục vụ Tết Nguyên đán năm 2023 và ứng phó với các tình huống thiên tai, dịch bệnh trên địa bàn Đồng Nai.
Các loại rau củ quả, trứng gia cầm là những mặt hàng nằm trong danh mục của chương trình bình ổn giá một số mặt hàng thiết yếu theo kế hoạch của UBND tỉnh. Trong ảnh: Gian hàng các sản phẩm rau củ quả, trứng gia cầm tại một siêu thị ở TP.Biên Hòa. Ảnh: Hải Hà |
* Áp dụng chương trình với 19 mặt hàng thiết yếu
Chương trình bình ổn giá, thị trường một số mặt hàng thiết yếu năm 2022-2023 triển khai 19 mặt hàng gồm: gạo, thịt heo, thịt gà, trứng gia cầm, thủy - hải sản, rau củ quả, mì gói, muối ăn, đường, bột ngọt, bột nêm, dầu ăn, nước tương, nước mắm, nước uống đóng chai, khẩu trang kháng khuẩn, nước sát khuẩn, giấy vệ sinh, sách giáo khoa - vở học sinh.
Thời gian thực hiện bắt đầu từ ngày ban hành kế hoạch đến hết ngày 30-9-2023. Riêng với mặt hàng sách giáo khoa - vở học sinh, thời gian thực hiện từ tháng 5-2023 đến hết tháng 11-2023.
Trong đó, đối tượng được vay vốn ngân sách gồm: đơn vị kinh doanh mặt hàng sách giáo khoa - vở học sinh được Chủ tịch UBND tỉnh phê duyệt; các doanh nghiệp (DN), hộ kinh doanh và HTX hoạt động trong lĩnh vực thương mại có kinh doanh các mặt hàng bình ổn giá.
Đối tượng được đề nghị cam kết tham gia bình ổn thị trường của tỉnh khi xảy ra tình trạng khan hiếm hàng hóa, tăng giá cục bộ vào các dịp lễ, Tết, thiên tai, dịch bệnh… là các DN sản xuất, kinh doanh; các trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng tiện ích đang kinh doanh các mặt hàng thuộc chương trình bình ổn giá, các điểm bán hàng Việt (ngoài mặt hàng sách giáo khoa và vở học sinh).
Theo kế hoạch của UBND tỉnh, các địa phương có các xã nằm xa trung tâm huyện cần bình ổn giá, bình ổn thị trường tỉnh sẽ giao nguồn vốn về địa phương theo nhu cầu đăng ký của địa phương với nguồn vốn hỗ trợ 5,05 tỷ đồng để thẩm định cho các đơn vị tham gia vay vốn thực hiện chương trình. Ngoài ra, sẽ vận động các đơn vị kinh doanh trên địa bàn tỉnh tham gia bình ổn giá nhưng không vay vốn.
Ngoài ra, sẽ cấp 90 triệu đồng từ nguồn ngân sách tỉnh vào nguồn chi không thường xuyên về Sở Công thương để in băng-rôn chương trình bình ổn giá và phát cho các địa phương theo điểm bán.
Phó giám đốc Quỹ Trợ vốn phát triển HTX tỉnh (thuộc Liên minh HTX tỉnh) Trần Quốc Huy cho biết, các đơn vị tham gia chương trình bình ổn giá thuộc đối tượng được vay vốn từ ngân sách với lãi suất bằng không và trả phí quản lý cho quỹ với mức 0,2%/tháng. Trong đó, các DN, hộ kinh doanh vay qua Quỹ Đầu tư phát triển Đồng Nai; các HTX vay vốn qua Quỹ Trợ vốn phát triển HTX tỉnh.
“Việc thẩm định kế hoạch bình ổn giá của các HTX do UBND cấp huyện thực hiện. Liên minh HTX tỉnh sẽ phối hợp UBND các huyện, thành phố trong tỉnh thẩm định kế hoạch tham gia chương trình của các HTX hoạt động trong lĩnh vực thương mại. Các HTX được Quỹ Trợ vốn phát triển HTX tỉnh giải ngân theo kết quả được duyệt, đảm bảo thủ tục, hồ sơ theo quy định. Hiện nay đã có các HTX ở những huyện: Tân Phú, Định Quán, Xuân Lộc, Trảng Bom, Thống Nhất đề nghị được vay vốn, tham gia chương trình bình ổn giá” - ông Huy cho biết thêm.
* Nhiều đơn vị chủ động chuẩn bị phương án tham gia
Hiện nay, nhiều HTX trên địa bàn tỉnh đã xây dựng kế hoạch về nguồn hàng, số lượng điểm bán hàng bình ổn giá, các chuyến hàng phục vụ người dân ở vùng sâu, vùng xa… vào dịp cuối năm nay và Tết Nguyên đán Quý Mão 2023.
Giám đốc HTX Thương mại dịch vụ Phương Lâm (H.Tân Phú) Nguyễn Danh Thịnh cho biết, HTX đã có kế hoạch chuẩn bị để tham gia chương trình bình ổn giá năm nay. Dự kiến, HTX sẽ triển khai 1 điểm bán hàng bình ổn giá và 30 chuyến hàng thiết yếu với giá bình ổn về các xã vùng xa trong huyện.
Tương tự, Giám đốc HTX Thương mại dịch vụ Suối Cát (H.Xuân Lộc) Bùi Văn Thìn cho hay, HTX đã xây dựng kế hoạch tham gia chương trình bình ổn giá, đang chờ địa phương xem xét, thẩm định và phê duyệt. Dự kiến HTX sẽ duy trì 3 điểm bán hàng bình ổn giá tại chợ và triển khai 25 chuyến hàng bình ổn giá đến các địa phương vùng xa để phục vụ nhu cầu của người dân trên địa bàn vào dịp Tết Nguyên đán sắp tới. HTX mong muốn vay khoảng 500 triệu đồng triển khai chương trình bình ổn giá này.
Trong bối cảnh nhiều loại hàng hóa vẫn “neo” ở mức cao, nhiều biến động theo giá xăng dầu, chi phí trung gian…, nhiều HTX mong muốn các hoạt động hỗ trợ vay vốn để triển khai chương trình bình ổn giá sớm. Qua đó, các HTX sớm tiếp cận được nguồn vốn vay ưu đãi, chủ động tiếp cận, ký hợp đồng mua các nguồn hàng thiết yếu từ nhà phân phối với giá hợp lý.
Giám đốc HTX Thương mại dịch vụ Bảo Hòa (H.Xuân Lộc) Nguyễn Văn Lai chia sẻ, HTX mong muốn vay vốn khoảng 400 triệu đồng triển khai 4 điểm bán hàng bình ổn giá cho dịp Tết Nguyên đán sắp tới. Năm nay, tình hình hàng hóa có nhiều biến động nên HTX cũng mong muốn địa phương sớm rà soát, thẩm định để tiếp cận nguồn vay ưu đãi, kịp thời chuẩn bị nguồn hàng thực hiện chương trình bình ổn giá. Nếu để càng gần cuối năm, cận Tết thì giá sẽ tăng cao, tác động đến công tác chuẩn bị nguồn hàng bình ổn giá của HTX...
Phó chủ tịch UBND tỉnh NGUYỄN THỊ HOÀNG yêu cầu các sở, ngành và đơn vị liên quan chủ động dự báo tình hình thị trường, đảm bảo cung ứng các mặt hàng thiết yếu, nhất là trong đợt cao điểm Tết Nguyên đán 2023, cũng như ứng phó với các tình huống thiên tai, dịch bệnh trên địa bàn tỉnh. Từ đó đảm bảo triển khai chương trình bình ổn giá phù hợp, hiệu quả, có phương án tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc còn tồn tại trong quá trình triển khai chương trình bình ổn giá ở một số địa phương thời gian qua. |
Hải Hà